Ngành Công Thương Lai Châu: Ưu tiên đặt biệt hút đầu tư phát triển công nghiệp
Tỉnh Lai Châu có lợi thế để phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn xuất khẩu từ nguyên liệu tại chỗ như: Chè, miến, hàng thổ cẩm, mắcca....
Tỉnh đã có hơn 300 doanh nghiệp, hộ cá thể tham gia sản xuất các sản phẩm trên.
Trong thời gian qua, tỉnh hỗ trợ hình thành các mô hình liên kết xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đáp ứng theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất theo phương pháp hữu cơ; Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, trưng bày giới thiệu sản phẩm... Tỉnh ưu tiên, hỗ trợ cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường theo chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh có nguồn tài nguyên phong phú để phát triển công nghiệp khai khoáng, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (đất hiếm; quặng kim loại màu, như: đồng, chì, kẽm, vàng,...). Lai Châu định hướng phát triển theo chiều sâu, ưu tiên các dự án khai khoáng có chế biến và chế biến sâu.
9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 4.533,1 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị xuất nhập khẩu ước đạt 47,357 triệu USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, tỉnh Lai Châu có mật độ sông suối lớn, từ 5,5 - 6 km/km2, trong đó một số sông lớn có độ dốc cao, dòng chảy xiết là một nguồn thủy năng lớn để phát triển thủy điện vừa và nhỏ.
Hiện nay, Sở Công Thương đã trình Bộ phê duyệt quy hoạch 27 dự án thủy điện; điều chỉnh quy hoạch 05 dự án thủy điện vào Quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc trên địa bàn tỉnh Lai Châu; bổ sung phương án đấu nối 20 dự án thủy điện.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, thời gian qua, tỉnh và ngành đã có nhiều giải pháp để thu hút đầu tư, tuy nhiên kết quả chưa đạt như kỳ vọng, nhất là ngành công nghiệp chế biến. Tỉnh chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, mặc dù đã có vùng nguyên liệu ổn định như chuối, dược liệu, thủy sản.