Công ty cổ phần Lâm, nông sản thực phẩm Yên Bái (YFATUF): Không để người lao động nghỉ giãn cách
Với những doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu gần 100% như Công ty cổ phần Lâm, nông sản thực phẩm Yên Bái (YFATUF), COVID – 19 được ví như “hàn thử biểu” với doanh nghiệp.
Dù trụ sở và các nhà máy nằm ngay trên địa bàn có vùng nguyên liệu dồi dào cho sản xuất chế biến lâm nông sản (tinh bột sắn, tinh dầu quế…), giấy đế và gia công giấy vàng mã xuất khẩu, nhưng YFATUF đối mặt không ít khó khăn do COVID-19.
Khó khăn chồng chất
Cây sắn ở vùng núi Tây Bắc với đặc thù sản xuất theo vụ từ tháng 10 năm nay đến tháng 3 năm sau, vì vậy từ tháng 3 năm 2019, khi dịch COVID - 19 bắt đầu bùng phát thì YFATUF cũng đã sản xuất xong. Tuy nhiên, sản phẩm tinh bột sắn sản xuất ra – với 90% sản lượng xuất sang Trung Quốc - không xuất được. Lượng hàng tồn kho thời điểm này lên đến 120 tỷ đồng với gần 20 ngàn tấn tinh bột sắn.
Sau thời gian giãn cách, cửa khẩu được mở lại cùng với phương án phòng chống dịch COVID - 19 nên lượng hàng thông quan chỉ nhỏ giọt, chi phí trội lên rất cao. “Có khi cả tuần mới được 1 xe, thậm chí có những xe hàng lên cửa khẩu chờ những 23 ngày, riêng tiền trả cho lái xe trọn ngày đã là 2,5 triệu/ngày” – Phó Giám đốc YFATUF Lê Long Giang chia sẻ.
Duy trì sản xuất với nguyên liệu ổn định
Dù khó khăn chồng chất, nhưng YFATUF không để công nhân phải nghỉ giãn cách. Một số đơn vị giảm sản lượng 50%, như 2 đơn vị gia công thủ công, người lao động được Công ty hỗ trợ, với tổng chi phí lên tới hơn 100 triệu đồng.
“Những khó khăn phải đối mặt trong COVID – 19 đã buộc YFATUF phải đưa ra các giải pháp ứng phó, và những giải pháp này phát huy hiệu quả ngay cả khi đã hết dịch, giúp công ty tiết giảm được nhiều chi phí” – ông Lê Long Giang chia sẻ.
Chẳng hạn, với chi phí logicstics rất cao, giải pháp liên kết với các đơn vị giao nhận vận chuyển để giải phóng hàng, xếp hàng lên xe nhanh, liên kết khách hàng bên Trung Quốc để cắt giảm thời gian, chi phí được YFATUF áp dụng triệt để.
Giờ đây, những khó khăn đang được YFATUF dần khắc phục, duy trì hoạt động sản xuất với nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, từng bước tăng thu nhập cho người lao động.