TP HCM: Chấn chỉnh kê đơn biệt dược BHYT
Nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM sử dụng biệt dược gốc cao, chỉ định thầu nhiều lần… gián tiếp làm gia tăng chi phí khám chữa bệnh (KCB) của người dân và thâm hụt Quỹ BHYT.
BHXH TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM đã có nhiều biện pháp quyết liệt nhằm đẩy lùi tình trạng này…
Theo ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.HCM, năm 2020, BHXH Thành phố thực hiện ký hợp đồng KCB BHYT với 190 cơ sở KCB. Hệ thống cơ sở KCB BHYT rộng khắp, bao phủ từ tuyến phường, xã đến quận, huyện đã giúp người có thẻ BHYT được chủ động khi lựa chọn phương án tiếp cận dịch vụ y tế.
Ông Mến cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020, toàn Thành phố có 13 triệu lượt người KCB, giảm 14, 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số tiền chi KCB BHYT là 13.818 tỷ đồng, giảm 7,55 % so với cùng kỳ, chiếm 72,7% dự toán được giao.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều cơ sở y tế có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc cao như: bệnh viện Ung bướu 73%, bệnh viện Đại học Y Dược 52%, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch 55%, bệnh viện Nguyễn Tri Phương 51%, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn 55%... Tất cả các bệnh viện này trước đó đều đã được BHXH Thành phố cảnh báo, cũng như rà soát, kiểm tra làm rõ.
BHXH Thành phố đã vào cuộc xử lý nghiêm các cơ sở KCB có dấu hiệu sai phạm trong công tác đấu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị và vật tư y tế. Qua đó, 6 bệnh viện gồm bệnh viện Thống Nhất, bệnh viện quận 11, bệnh viện Mắt TP.HCM, bệnh viện huyện Bình Chánh, bệnh viện quận Thủ Đức, bệnh viện 30/4 có chỉ định thầu nhiều lần đã bị cơ quan BHXH từ chối thanh toán trên 431,5 triệu đồng.
Liên quan đến công tác KCB BHYT trên địa bàn, mới đây, Sở Y tế TP.HCM đưa ra những số liệu cảnh báo và đề nghị chấn chỉnh vấn đề kê đơn biệt dược gốc tại các bệnh viện. Theo phân tích của Sở Y tế, do dịch COVID-19, số người đến khám ngoại trú và nội trú tại TP.HCM đều giảm nhưng số chi khám, chữa bệnh BHYT của các bệnh viện lại không giảm, thậm chí còn có chiều hướng cao hơn. Trong đó, mức sử dụng thuốc chiếm khoảng 44%, đây là một tỷ lệ khá cao.