Quảng Ninh: Chiến lược phát triển mới 2021-2025
Đến năm 2025, Quảng Ninh phấn đấu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, giữ vị trí nhóm đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hài lòng của người dân...
Quảng Ninh quyết tâm trở thành tỉnh kiểu mẫu ngày càng giàu đẹp, văn minh, tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại. Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, nơi hội tụ và lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của phía Bắc, cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ.
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhận định, những năm tới, Quảng Ninh có nhiều triển vọng và thời cơ phát triển, nhưng cũng còn không ít khó khăn thách thức, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp và khó dự đoán, đòi hỏi tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
“Trong chặng đường tiếp theo, những mục tiêu mà tỉnh đưa ra là để đảm bảo kế thừa, phát huy những tư duy, tầm nhìn, những bước đi đột phá cho 10 năm tới. Quảng Ninh tiếp tục nỗ lực để trở thành một tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đóng góp nhiều hơn cho vùng kinh tế trọng điểm, cho khu vực phía Bắc” - ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh.
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Quảng Ninh đã xác định tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược cùng 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, khâu đột phá đầu tiên là về nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng quy mô và tăng chất lượng dân số của Quảng Ninh. Đây là 1 trong những khâu đột phát hết sức đặc thù của Quảng Ninh vì tỉnh hiện mới có 1,3 triệu dân. Nên trong những năm tới, Quảng Ninh cần thu hút nguồn lao động có kỹ năng, nguồn nhân lực chất lượng cao, đã qua đào tạo. Cùng với đó, tỉnh sẽ chủ động xây dựng Đại học Hạ Long và các trường dạy nghề chất lượng cao, thu hút nguồn nhân lực trẻ về đào tạo, bố trí công ăn việc làm, nơi ăn chốn ở, an cư lạc nghiệp. Coi đây là yếu tố rất quan trọng cho sự phát triển bền vững.
Hai khâu đột phá chiến lược còn lại là: đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể; xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo.
Năm nhiệm vụ trọng tâm được Quảng Ninh đưa ra, ngoài nhiệm vụ đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược còn phải nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ...
Theo nghị quyết, trong nhiệm kỳ 2021-2025, Quảng Ninh sẽ phấn đấu thực hiện mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Cụ thể, tỉnh sẽ phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 10%/năm, đến năm 2025 đạt trên 10.000 USD/người. Cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp- xây dựng đạt khoảng 50%, dịch vụ đạt khoảng 47%, còn lại là nông lâm nghiệp thủy sản; tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt trên 75%.
Cả hệ thống chính trị sẽ nỗ lực giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Quảng Ninh đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ người lao động qua đào tạo đạt hơn 87%, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 1%...