Hà Tĩnh: Khuyến khích người dân tập trung khôi phục chăn nuôi gia cầm

Diễm Hương 11/12/2020 14:13

Vừa qua, trận lũ lịch sử đã nhấn chìm nhiều ngôi nhà và cuốn trôi hàng vạn con trâu, bò, lợn, gà...cùng nhiều gia sản đẩy người dân Hà Tĩnh vào thế rất khó khăn.

khuyến khích người dân tập trung khôi phục chăn nuôi gia cầm vì đây là đối tượng có chu kỳ sản xuất ngắn

Khuyến khích người dân tập trung khôi phục chăn nuôi gia cầm vì đây là đối tượng có chu kỳ sản xuất ngắn

Sau khi lũ rút, nhiệm vụ tái thiết sản xuất được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và người dân đặt lên hàng đầu. Khôi phục sản xuất sau lũ đang là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay. Người dân không lo thiếu đói nhưng không thể cứ sống mãi theo nguồn hàng cứu trợ. Vì vậy, việc hướng dẫn, tổ chức lại sản xuất để ổn định bền vững cuộc sống là rất quan trọng

Giúp người dân vượt qua khó khăn.

Ngay sau đó tại tỉnh Hà Tĩnh, ngoài ban hành Quyết định số 3659/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc quy định tạm thời một số nội dung hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão, lũ, ổn định đời sống trên địa bàn, Tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh trích nguồn kinh phí hơn 22,4 tỷ đồng hỗ trợ chăn nuôi lợn theo NQ số 241/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020.

Theo ông ông Nguyễn Văn Sáu, phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết: Để tạo sinh kế cho người dân sau lũ, việc giúp người dân vượt qua khó khăn, Huyện tập trung đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí cho người dân hơn 5,2 tỷ đồng khôi phục sản xuất. Trong đó, kinh phí từ nguồn cứu trợ bão lũ là hơn 3,4 tỷ đồng; số còn lại từ nguồn ngân sách huyện.

Cùng với đó, để tái thiết sản xuất, Bộ NN-PTNT quyết định hỗ trợ các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên một phần vật nuôi, thức ăn, thuốc thú y giúp người dân tái thiết sản xuất. Đồng thời khuyến khích người dân tập trung khôi phục chăn nuôi gia cầm vì đây là đối tượng có chu kỳ sản xuất ngắn, có thể tạo ra sản phẩm trước Tết, giúp bà con có thêm thu nhập, qua đó tạo sinh kế cho những chu kỳ sau.

Xây dựng mô hình nuôi gia cầm sau mưa lũ.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh cho biết: Việc đầu tiên phải khử trùng, tiêu độc, đảm bảo môi trường an toàn, sạch bệnh thì mới tái chăn nuôi, tránh thiệt hại. Song song việc hỗ trợ con giống, vật tư. Cục Chăn nuôi phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đơn vị liên quan đã xây dựng mô hình nuôi gia cầm sau mưa lũ và phổ biến, nhân rộng tại các địa phương. Để tiếp nhận và bàn giao con giống cho các hộ chăn nuôi đạt hiệu quả cao, chúng tôi đã khảo sát và chọn địa điểm để nuôi gà tập trung từ 1 đến 21 ngày tuổi sau đó mới cấp phát cho người dân.

Việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng sau lũ lụt miền Trung có nguồn giống để tái thiết chăn nuôi. Trong đó, Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh đã khảo sát, úm gà giai đoạn từ 1 đến 21 ngày tuổi trước khi đem đi hỗ trợ bà con vùng lũ từ nguồn hỗ trợ phát triển tốt đã được tiêm phòng đầy đủ của Bộ NN-PTNT, đây sẽ là nguồn giống quý giá cho người dân tái thiết sản xuất.

Đặc biệt, người chăn nuôi gà, nhất là những cơ sở quy mô lớn cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, phù hợp các điều kiện về kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh, điều kiện về kinh tế...đảm bảo không bị động, tránh thiệt hại trong những tình huống dịch bệnh hay khó khăn về thị trường, giá bán.

Mặc dù khuyến khích đẩy mạnh tái chăn nuôi gia cầm sau lũ, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi – Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: Tuy nhiên hiện nay áp lực dịch bệnh rất lớn. Vì vậy, để đảm bảo chăn nuôi an toàn, tránh thiệt hại, người dân cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là tiêu độc khử trùng môi trường, chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi; tiêm phòng vắc xin đầy đủ.

Theo anh Phạm Đình Đạo là một trong những hộ chăn nuôi gà quy mô trang trại 5.000 con gà thịt điển hình ở thôn Trần Phú, xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà cho biết: Trước khi lũ lụt xảy ra gia đình anh đã nhanh tay giải phóng toàn bộ lứa gà thịt đến kỳ xuất chuồng. Lũ rút, anh khẩn trương tu sửa chuồng trại, thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn sinh học để thả nuôi lứa mới, đón đầu thị trường dịp Tết sắp đến.

Diễm Hương