Tiền Giang đổi mới mô hình tăng trưởng

NAM TRANG 11/12/2020 14:23

Theo báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang, năm 2020 tỉnh có thêm 750 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12% so thực hiện năm 2019, tổng vốn đăng ký là 6.000 tỷ đồng.

  Trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp.

Đổi mới phương pháp làm việc, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp cùng với sự bứt phá vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, đang mở ra dư địa phát triển rất lớn cho Tiền Giang.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang, năm 2020 tỉnh có thêm 750 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12% so thực hiện năm 2019, tổng vốn đăng ký là 6.000 tỷ đồng. Số đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới được 1.200 đơn vị (tăng 98% so với năm 2019). Tính đến cuối năm 2020, tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh là 6.230 doanh nghiệp, vượt mục tiêu Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy đề ra (đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 5.000 doanh nghiệp).

Đồng hành cùng nhà đầu tư

Dự kiến cả năm tỉnh thu hút được 40 dự án với tổng vốn đầu đăng ký đạt 19.482 tỷ đồng, tăng 38,5% so với năm 2019. Các dự án lớn thu hút đầu tư như: Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 vốn đầu tư 4.464 tỷ đồng, Tổ hợp các dự án Nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Tân Phước vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, Khu dân cư Trung An vốn đầu tư 770 tỷ đồng,...

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, năm 2020, Tiền Giang đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 07 Khu công nghiệp(KCN) với tổng diện tích đất quy hoạch là 2.083,5 ha, trong đó có 04 khu: KCN Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang, Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp đang hoạt động với diện tích 1.101,5 ha, chiếm 52,9% diện tích quy hoạch KCN. Đến nay các KCN thu hút được 107 dự án (trong đó có 76 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư trên 2,3 tỷ USD (tương đương 48.786 tỷ đồng) và 5.080 tỷ đồng; diện tích thuê 561,5 ha/758,3 ha (74,04%), giải quyết việc làm cho 87.667 lao động.

Về cụm công nghiệp (CCN), đến nay, có 09 CCN được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 05 cụm công nghiệp đã mời gọi được nhà đầu tư. Tổng diện tích đất của 09 CCN là 344,1 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp để mời gọi đầu tư 120,56 ha, đã cho thuê 88,5 ha/120,56 ha, đạt tỷ lệ 73,4% tổng diện tích đất công nghiệp của các cụm công nghiệp đang hoạt động (05 CCN). Tổng vốn đầu tư kinh doanh hạ tầng đăng ký là 1.766,6 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại đã thu hút được 79 dự án thứ cấp (trong đó có 06 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 5.626,6 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 16.418 lao động.

Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: Có được kết quả trên, các cấp, các ngành trong tỉnh luôn đồng hành, chia sẻ và tạo điều kiện thuận lợi nhất, cũng như sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu để đầu tư tại địa phương. Năm 2020, UBND tỉnh tổ chức 2 cuộc đối thoại với doanh nghiệp, đồng thời lãnh đạo UBND tỉnh bố trí lịch tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ hàng tuần, tổ chức các đoàn khảo sát thực tế, thăm và làm việc tại trụ sở doanh nghiệp nhằm tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, vốn, hạ tầng đấu nối, thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư,…

Tạo sức bật mới

Với nền tảng đã có, năm 2021, Tiền Giang sẽ huy động đa dạng các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Mục tiêu, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 6,0 - 7,0%; xuất khẩu đạt 3,25 tỷ USD; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 10.612,3 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 10.337,3 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương 12.255,56 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 3.703,08 tỷ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt từ 710 doanh nghiệp; trong đó, vùng trung tâm 435 doanh nghiệp, vùng phía Tây 187 doanh nghiệp và vùng phía Đông 88 doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Dũng cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương rà soát tình hình triển khai thực hiện quy hoạch khu, cụm công nghiệp; đánh giá mức độ khả thi, đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp. Hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án liên quan đến phát triển công nghiệp. Tăng cường hoạt động tiếp xúc doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất. Đồng thời, thường xuyên thực hiện việc rà soát và loại bỏ các thủ tục hành chính và quy định không cần thiết. Tỉnh tiếp tục cải thiện tính minh bạch các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Đặc biệt, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp đa ngành, tạo ra sản phẩm phong phú hơn, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Theo đó, tỉnh tập trung thu hút các doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp với lợi thế của địa phương, ưu tiên lựa chọn các dự án có hàm lượng khoa học, công nghệ, có tỷ trọng giá trị gia tăng cao.

Có thể bạn quan tâm

  • Động lực phát triển kinh tế Tiền Giang

    Động lực phát triển kinh tế Tiền Giang

    15:03, 04/12/2020

  • Công nghiệp Tiền Giang lấy lại đà tăng trưởng

    Công nghiệp Tiền Giang lấy lại đà tăng trưởng

    14:09, 02/12/2020

  • Tiền Giang:

    Tiền Giang: "Sắc vóc" từ chương trình Nông thôn mới

    08:51, 23/11/2020

NAM TRANG