Bắc Kạn: 4 nhiệm vụ trọng tâm cải thiện môi trường đầu tư
Những năm qua, công tác thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Kạn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Trong thời gian qua, các cấp chính quyền tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư phát triển kinh tế. Được biết, trong năm 2020, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND về việc triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Trong đó, năm 2020 là năm thứ ba liên tiếp tỉnh Bắc Kạn thực hiện khảo sát Chỉ số DDCI.
Bà Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn nhận định, thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực trong việc thực hiện chỉ số DDCI của các sở, ngành, huyện, thành phố. Việc cộng đồng doanh nghiệp phối hợp, đánh giá thực chất đối với công tác điều hành cấp sở, ngành và cấp huyện để đi đến mục tiêu chung đó là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.
Qua đó, chất lượng điều hành của các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện từng bước được cải thiện; trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao, việc ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan quản lý nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính ngày càng đáp ứng được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, công tác thu hút đầu tư của tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; số lượng dự án đầu tư còn thấp. Trong năm 2020, tỉnh đã thu hút được 15 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 3.614,71 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Long Hải, Phó Bí thư Tỉnh Ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, bên cạnh những nỗ lực, cố gắng trong công tác nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong giai đoạn vừa qua, vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn chưa nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong công tác thu hút đầu tư; công tác tháo gỡ khó khăn và giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp ở một số Sở, ngành, địa phương chưa được thường xuyên, kịp thời...
“Với mục tiêu xây dựng chính quyền đồng hành - kiến tạo - hành động, trong thời gian tới, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố cần nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”, Chủ tịch Nguyễn Long Hải nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh, ưu tiên thu hút các dự án phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của Bắc Kạn, phù hợp với quy hoạch và phát triển bền vững. Trong đó, ưu tiên kêu gọi thực hiện các dự án đầu tư vào các lĩnh vực nông - lâm nghiệp; ưu tiên kêu gọi đầu tư vào các dự án có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như nuôi, trồng, chế biến nông - lâm nghiệp dựa trên phát triển chuỗi giá trị của các ngành hàng có lợi thế, các sản phẩm bản địa, sản phẩm chủ lực, OCOP,…
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, phấn đấu đưa Bắc Kạn vào nhóm các tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh khá của cả nước.
Thứ nhất, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, rõ nét về tư duy, nhận thức, quan điểm chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở cơ quan, đơn vị; quán triệt đến công chức, viên chức thuộc quyền về tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp.
Thứ hai, tiếp tục cải cách toàn diện các thủ tục hành chính; chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ và tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; hiện đại hoá công tác hành chính gắn với hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính. Tăng cường kiểm tra đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ ba, thường xuyên tổ chức các hội nghị gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp, các sở, ngành và địa phương cần chủ động giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh duy trì và phát triển ổn định. Tạo sự gần gũi, thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp.
Thứ tư, chú trọng nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, tăng cường các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ khảo sát, lập hồ sơ dự án đầu tư, tư vấn các thủ tục pháp lý liên quan trong quá trình thực hiện dự án đầu tư; ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong công tác xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; Kết nối với các cơ quan ngoại giao, Hiệp hội Doanh nghiệp, các doanh nghiệp lớn trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài để mời gọi đầu tư vào tỉnh Bắc Kạn.
Theo kết quả khảo sát DDCI của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn, năm 2020 công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sở, ban ngành; các huyện, thành phố đạt được những kết quả tích cực so với năm 2019. Trong đó, huyện Chợ Đồn đứng đầu bảng xếp hạng về DDCI khối huyện, thành phố với 93,66 điểm, tăng 2 bậc so với năm 2019 và là huyện duy nhất trong nhóm có vị trí xếp hạng tăng đề từ năm 2018 đến năm 2020. Tiếp đến là huyện Ngân Sơn và thành phố Bắc Kạn. Huyện Chợ Mới đứng cuối bảng xếp hạng với 85,95 điểm. Sở Thông tin và Truyền thông dẫn đầu bảng xếp hạng khối sở, ban, ngành với 94,43 điểm. Tiếp theo là Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Công Thương. Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh đứng cuối bảng (19/19 sở,ban, ngành), với nhiều chỉ số thành phần thấp điểm như: Tính minh bạch, tiếp cận thông tin; Chi phí thời gian; Tính năng động; Chi phí không chính thức; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp…; Đối với các cơ quan ngành dọc của Trung ương trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Nhà nước dẫn đầu với 95,77 điểm. |
Có thể bạn quan tâm
Bắc Kạn: Nhiều cán bộ lãnh đạo liên quan tới đường dây đánh bạc vừa bị triệt phá
16:04, 21/01/2021
Bắc Kạn có tân Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh
11:20, 12/12/2020
Bà Nguyễn Thị Thuỷ - Đoàn ĐBQH Bắc Kạn: Khó khăn khi áp dụng pháp luật để xử lý cho vay qua app
11:09, 03/11/2020
Bắc Kạn: “Dọn tổ” đón dòng vốn đầu tư trong giai đoạn mới
01:11, 30/10/2020