Hải Phòng: Hướng tới mô hình đô thị đa trung tâm

HẢI NGÂN 28/01/2021 00:43

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 xác định không gian đô thị Hải Phòng sẽ phát triển theo hướng mô hình “Đô thị đa trung tâm”.

Theo liên danh Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia và Aecom Singapore PTE.LTD, năm 2009, tại Quyết định số 1448/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Sau 12 năm thực hiện quy hoạch chung 1448, bên cạnh những thành tựu đạt được, TP Hải Phòng vẫn còn một số tồn tại chưa hoàn thành một số tiêu chí đô thị loại I trực thuộc Trung ương; kế hoạch triển khai các KĐT mới và hạ tầng đô thị còn chậm. Một số khu vực không thực hiện được theo quy hoạch chung.

Được biết, thời gian qua, TP Hải Phòng là điểm đến của rất nhà nhiều đầu tư lớn trong và ngoài nước. Nhiều dự án lớn đã và đang đầu tư, vận hành khai thác như: đường cao tốc nối Hải Phòng - Hạ Long; các khu đô thị dịch vụ tại Đồ Sơn, Cát Bà, Núi Voi, trung tâm nghề cá lớn Lập Lễ, KCN Tràng Duệ (giai đoạn 3)... Các dự án này đã tạo động lực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Hải Phòng. Tuy nhiên, các dự án này lại chưa có trong quy hoạch chung. Do đó, việc điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Phòng để phù hợp với tình hình hiện tại là rất cần thiết.

Thời gian qua, TP Hải Phòng tập trung mở rộng hệ thống cảng biển kết hợp với hạ tầng giao thông dịch vụ, logistics

Thời gian qua, TP Hải Phòng tập trung mở rộng hệ thống cảng biển kết hợp với hạ tầng giao thông dịch vụ, logistics

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, TP Hải Phòng đang có những bước tiến dài trong nỗ lực thực hiện mở mang, chỉnh trang đô thị với kỳ vọng đưa Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước. Với định hướng trở thành thành phố công nghiệp gắn với cảng biển hiện đại, thông minh, bền vững, TP Hải Phòng sẽ quy hoạch mở rộng hệ thống cảng biển kết hợp với hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics. Trước mắt, TP Hải Phòng sẽ mở rộng quy hoạch khu bến cảng Lạch Huyện về phía Tây, tăng diện tích từ 600 ha với chiều dài cảng 10 km theo quy hoạch kỳ trước lên thành 2.000 ha với chiều dài cảng 55 km, công suất dự báo khoảng 100 triệu TEU, bảo đảm công suất 600 triệu tấn/năm. Đồng thời, kế thừa khu bến Đình Vũ, bổ sung các bến phục vụ hàng tổng hợp, container, xăng dầu, tiếp nhận tàu trọng tải tới 20.000 tấn; kế thừa vị trí, đề nghị chuyển đổi chức năng cảng Nam Đồ Sơn thành cảng dân dụng mở rộng ra phía Đông hỗ trợ cảng Lạch Huyện và có thể chuyển đổi sang cảng quân sự khi cần; bổ sung cảng hàng lỏng và cảng tổng hợp tại đảo Cái Tráp…

Cũng theo ông Tùng, thời gian qua, TP Hải Phòng đã tập trung đầu tư các công trình kiến trúc trung tâm hành chính - chính trị tại KĐT mới Bắc sông Cấm; triển khai đề án xây dựng huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc thành phố và đơn vị hành chính cấp quận tại huyện An Dương; xây dựng các đề án chỉnh trang, cải tạo các đoạn sông chảy qua nội đô như: sông Tam Bạc, sông Cấm, sông Đào Hạ Lý…. Đồng thời, xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ các dự án cải tạo chung cư cũ; phấn đấu trong năm 2021, thành phố có thêm 7 công viên cây xanh, tiến tới xây dựng công viên cây xanh, các vui chơi, công trình phục vụ cộng đồng tại các phường đến năm 2025. Ngoài ra, tập trung nguồn lực xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng, môi trường để hoàn thành xây dựng mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Phòng, đồ án có phạm vi nghiên cứu là toàn bộ diện tích TP Hải Phòng. Trong đó, xác định rõ định hướng phát triển không gian đô thị Hải Phòng theo hướng kế thừa và phát triển mô hình "Đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh" thành mô hình "Đô thị đa trung tâm". Mô hình “Đô thị đa trung tâm” gồm 2 vành đai kinh tế, 3 hành lang cảnh quan, 3 đô thị trọng điểm và các đô thị mới.

Cụ thể, 2 vành đai kinh tế gồm vành đai kinh tế công nghiệp từ cảng Lạch Huyện đến phía Bắc (huyện Thuỷ Nguyên), phía Tây (dọc Quốc lộ 10), phía Nam (dọc sông Văn Úc) nhằm khai thác quỹ đất phát triển công nghiệp, kết nối mạng lưới khu, cụm công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng với cảng Lạch Huyện và vành đai kinh tế ven biển thúc đẩy phát triển đô thị hướng ra “vịnh Hải Phòng” kết hợp bảo vệ mối trường biển. 3 hành lang cảnh quan gồm hành lang đô thị dọc hai bên bờ sông Cấm, sông Lạch Tray và sông Văn Úc. Ở giữa dải đô thị là không gian mở xanh tạo nên môi trường sống tốt nhất và tăng khả năng tiếp cận giữa khu ở với khu sản xuất. 3 cụm đô thị trọng điểm gồm cụm đô thị trung tâm đô thị lịch thuộc các quận: Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm; cụm đô thị hàng hải tại Dương Kinh và Hải An, là trung tâm thương mại, tài chính; cụm đô thị sân bay Tiên Lãng. 3 cụm đô thị trọng điểm được kết nối với nhau bằng hệ thống giao thông nhanh trên vành đai kinh tế ven biển…

TP Hải Phòng đang có những bước tiến dài trong nỗ lực thực hiện mở mang, chỉnh trang đô thị

TP Hải Phòng đang có những bước tiến dài trong nỗ lực thực hiện mở mang, chỉnh trang đô thị

Về định hướng về phát triển hạ tầng kinh tế, TP Hải Phòng tập trung vào 3 trụ cột là cảng biển, công nghiệp, thương mại dịch vụ - du lịch. Trong đó, đối với công nghiệp, quy hoạch ngành công nghiệp thành phố theo định hướng trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Đối với du lịch, dịch vụ, thương mại, đồ án quy hoạch phát triển du lịch thành phố trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao tầm quốc tế, trọng điểm là khu vực Cát Bà, Đồ Sơn và du lịch lịch sử văn hóa trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; trung tâm tài chính, thương mại, giao dịch ngoại thương, xúc tiến thị trường và vận động đầu tư lớn của vùng Bắc Bộ, cả nước; trung tâm giao dịch thông tin, bưu chính viễn thông và hội nghị…

Đặc biệt, đối với cảng biển, đồ án quy hoạch mở rộng hệ thống cảng biển kết hợp với hạ tầng giao thông dịch vụ, logistics. Qua đó, khẳng định vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, kết nối vùng với khu vực và quốc tế.

Để thực hiện được điều này, trước đó, tại hội nghị thẩm định đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ xây dựng tổ chức, các thành viên hội đồng thẩm định đã đề nghị đơn vị tư vấn bổ sung, làm rõ hơn mô hình phát triển đô thị và các phương án tổ chức phát triển không gian, chú ý tính kế thừa và chuyển tiếp giữa các yếu tố cũ và mới, giữa hiện tại và tương lai của đô thị Hải Phòng; cần thể hiện rõ hơn sự gắn kết trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh; cập nhật quy chuẩn quy hoạch ban hành năm 2019 tại các khu vực phát triển mới và có lộ trình cập nhật đối với khu vực đô thị cũ…

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Gắn cây táo với phát triển du lịch

    Hải Phòng: Gắn cây táo với phát triển du lịch

    05:00, 27/01/2021

  • Hải Phòng: Bưởi Lâm Động sẵn sàng đón Tết

    Hải Phòng: Bưởi Lâm Động sẵn sàng đón Tết

    04:25, 26/01/2021

  • Hải Phòng:p/Hàng trăm kg nội tạng không rõ nguồn gốc bị thu giữ

    Hải Phòng: Hàng trăm kg nội tạng không rõ nguồn gốc bị thu giữ

    11:00, 23/01/2021

  • Hải Phòng: Doanh nghiệp vận tải

    Hải Phòng: Doanh nghiệp vận tải "điêu đứng" vì COVID-19

    05:00, 22/01/2021

  • Hải Phòng: Phấn đấu xây dựng 5 sản phẩm OCOP đạt 5 sao

    Hải Phòng: Phấn đấu xây dựng 5 sản phẩm OCOP đạt 5 sao

    02:10, 20/01/2021

  • Hải Phòng nối liền

    Hải Phòng nối liền "huyết mạch" giao thông

    00:14, 19/01/2021

HẢI NGÂN