Đưa sản phẩm OCOP vượt qua ranh giới làng, xã
Bộ NN&PTNT vừa chính thức công bố đề án thành lập Trung tâm giao dịch sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của ĐBSCL tại Hà Nội.
Chương trình OCOP do chỉ mới được phát động từ năm 2018 đến nay nên các sản phẩm này chưa được người tiêu dùng biết đến nhiều, nhất là trong hơn 1 năm nay do ảnh hưởng của COVID-19, tiêu thụ rất khó khăn. Đây cũng là trở ngại lớn khi đưa sản phẩm “vượt qua” ranh giới làng, xã.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, có 5 lý do sản phẩm OCOP chưa tìm được đầu ra ổn định, đó là: quy mô sản xuất nhỏ, thiếu kinh phí quảng bá, thiếu nhân sự làm thị trường, chưa có mạng lưới bán hàng và khó khăn trong lưu thông hàng hóa, kho bãi, vận chuyển.
Ông Lê Minh Hoan cho rằng, có nhiều đặc sản của vùng miền đối với người dân địa phương thì thấy bình thường, nhưng đối với người dân vùng khác thì là “hàng hiếm” lạ khẩu vị, rất quý. Do vậy, việc làm sao điều phối, giới thiệu quảng bá sản phẩm đặc trưng của vùng này ở vùng khác và ngược lại nhằm đáp ứng, khai thác được thị trường nội địa 100 triệu dân là bước đi đầu tiên trước khi vươn ra thế giới. “Xuất phát từ suy nghĩ đó, chúng tôi đề xuất thành lập Trung tâm Trung tâm giao dịch sản phẩm OCOP của vùng ĐBSCL tại Hà Nội, và trong thời gian tiếp theo có thể xây dựng trung tâm giới thiệu đặc sản Hà Nội tại TP.Hồ Chí Minh, ĐBSCL…”, ông Hoan cho biết.
Ông Hoan cũng chia sẻ: Đồng Tháp thời ông đang làm Bí thư tỉnh Ủy rất thành công với mô hình Trung tâm nông sản đặc sản Đồng Tháp tại Hà Nội, nên kỳ vọng Trung tâm giao dịch sản phẩm ĐBSCL tại Hà Nội cũng sẽ có nhiều thành công như vậy.
Có thể bạn quan tâm