Đầu tư 1.200 tỷ đồng vào KCN, Bình Thuận có thay da đổi thịt?
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, vừa ký Quyết định số 230/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu Công nghiệp Tân Đức, tỉnh Bình Thuận.
Thêm KCN… “mới”…
Theo đó, dự án Khu công nghiệp Tân Đức có tổng vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng với quy mô 300 ha do Công ty cổ phần Sonadezi Bình Thuận làm chủ đầu tư.
Sonadezi Bình Thuận được cấp phép thành lập với vốn điều lệ 400 tỉ đồng. Trong đó riêng Sonadezi là công ty mẹ góp 168 tỉ đồng nắm giữ 42% vốn. Ngoài ra, một số đơn vị thành viên của tổng công ty cũng tham gia góp vốn vào Sonadezi Bình Thuận như Sonadezi Long Thành, Sondezi Long Bình, Cảng Đồng Nai và Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2.
Mục tiêu dự án là: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp cho thuê, đầu tư xây dựng nhà kho, nhà xưởng để cho thuê hoặc chuyển nhượng. Tiến độ thực hiện không quá 36 tháng kể từ ngày Nhà nước bàn giao đất. Thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư.
Theo diễn giải của đại diện chủ đầu tư, sau khi hoàn thành, KCN này sẽ thu hút khoảng 100 doanh nghiệp với số vốn đầu tư 300 – 400 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho khoảng 11.000 lao động.
Về lợi thế, Khu công nghiệp Tân Đức nằm ngay cạnh QL1A và giữa QL1A với đường cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, chỉ cách tỉnh Đồng Nai 3km và cách TP.HCM 130km, cách Phan Thiết 60km. Đường thủy cách cảng Thị Vải khoảng 90km. Lưới điện quốc gia 110KV Phan Thiết - Hàm Tân. Nguồn nước lấy được từ hồ Biển lạc.
Hiện UBND tỉnh Bình Thuận đã lựa chọn Tổng công ty Cổ phần Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) làm chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng; dự kiến đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thu hút các dự án thứ cấp sau năm 2021.
Và trước những đề xuất nêu trên, ngày 23/2/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Cũng tại quyết định này, Phó Thủ tướng yêu cầu quá trình thực hiện đề nghị các cơ quan lưu ý đến các giải pháp liên quan đến đời sống người lao động; Phương án xây dựng nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động khu công nghiệp; hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất; thực hiện thu hồi đất phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và thu hút đầu tư để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến người dân bị thu hồi đất.
… Bình Thuận có thay da đổi thịt?
Cũng cần nhắc lại, theo số liệu và tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Thuận có tới 12 KCN và 03 Cụm công nghiệp có diện tích lên tới hàng nghìn ha.
Cụ thể: KCN Sơn Mỹ I, thuộc xã Sơn Mỹ-huyện Hàm Tân, với diện tích: 1.256,8 ha; KCN Sơn Mỹ, diện tích: 2.800 ha, thuộc Vùng ven biển Hàm Tân – Bình Thuận; KCN TâN Thiện Hàm Tân, diện tích: 115 ha; KCN Tân Đức, diện tích: 800 ha; KCN Phan Thiết, diện tích: 42,4 ha, Địa điểm: Trung tâm thành phố Phan Thiết – Bình Thuận; KCN Tuy Phong, diện tích: 100 ha, Địa điểm: Xã Lạc Trị - Huyện Tuy Phong – Bình Thuận; KCN Hàm Kiệm 1, Diện tích: 143 ha, Địa điểm: thuộc hai xã Hàm Kiệm và Hàm Mỹ-Huyện Hàm Thuận Nam – Bình Thuận; KCN Hàm Kiệm II, diện tích: 436 ha, Địa điểm : Thuộc hai xã Hàm Kiệm và Hàm Mỹ - Huyện Hàm Thuận Nam – Bình Thuận; KCN Sơn Mỹ 2, diện tích: 1318,8 ha, Địa điểm : xã Sơn Mỹ- Hàm Tân– Bình Thuận; KCN Tân Hải, diện tích: 800 ha, Địa điểm: xã Tân Hải – Thị xã La Gi – Bình Thuận; KCN Hàm Cường, diện tích: 1.600 ha, Địa điểm : thuộc 2 xã Hàm Cường – Hàm Minh – Hàm Thuận Nam – BìnhThuận; KCN Tuy Phong I, diện tích: 150 ha, Địa điểm: xã Vĩnh Hảo – Bình Thuận; Cụm Công nghiệp – Tiểu thủ Công nghiệp phía Nam, diện tích : 54 ha, Địa điểm: huyện Tuy Phong – Tỉnh Bình Thuận; Cụm Công nghiệp- Tiểu thủ Công nghiệp, diện tích: 45 ha, Địa điểm: huyện Hàm Tân – Bình Thuận; Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ Công nghiệp, diện tích: 9 ha, Địa điểm: huyện Hàm Thuận – Bình Thuận.
Nhìn vào số lượng các KCN và Cụm Công nghiệp của tỉnh Bình Thuận, có thể thấy: Mặc dù ra đời muộn hơn so với các tỉnh trong vùng, lại đúng vào lúc kinh tế khủng hoảng, suy thoái… Thế nhưng, bằng sự nỗ lực, Bình Thuận đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư, nhằm tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế, góp phần không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, đa dạng hóa ngành nghề, nâng cao trình độ công nghệ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Tuy nhiên, về hiệu quả trong thu hút đầu tư vào các KCN còn nhiều hạn chế và yếu kém, nhiều nhà đầu tư thứ cấp không mặn mà khiến nhiều KCN còn bỏ trống khá nhiều. Hiện chỉ có duy nhất KCN Phan Thiết 1 đã được “lấp đầy”, các KCN còn lại vẫn còn dang dở và đang trong giai đoạn hoàn thành, một số KCN đã đi vào hoạt động theo cách “cuốn chiếu”, hoàn thành tới đâu đưa vào hoạt động tới đó.
Nhìn chung, tỉ lệ và suất đầu tư của nhà đầu tư thứ cấp trong KCN còn khá thấp, tập trung vào các ngành nghề như: chế biến gỗ, phân bón, bao bì, may mặc, sắt thép, thực phẩm....
Quy mô các dự án ở mức trung bình (đối với các dự án trong nước, vốn đầu tư trung bình 44 tỷ đồng/dự án, suất đầu tư trung bình là 20 tỷ đồng/ha; đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư trung bình 5,3 triệu USD/dự án, suất đầu tư trung bình 3,3 triệu USD/ha).
Như vậy, kể cả dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu Công nghiệp Tân Đức, huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận, có tổng vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng với quy mô 300 ha do Công ty cổ phần Sonadezi Bình Thuận làm chủ đầu tư, vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, ký quyết định chủ trương đầu tư. Tính đến thời điểm hiện tại, BìnhThuận có 13 KCN và 03 Cụm Công nghiệp. Và với lợi thế này, liệu Bình Thuận có thay da đổi thịt hay không vẫn là đáp án còn bỏ ngỏ ở phía trước.
Có thể bạn quan tâm
"Đất vàng" vào tay doanh nghiệp tại Bình Thuận (Kỳ 6): Dựng ưu đãi để… “lập lờ đánh lận con đen"?
04:40, 08/12/2020
"Đất vàng" vào tay doanh nghiệp tại Bình Thuận (Kỳ 5): Dấu hỏi lớn về 4 khu đất không qua đấu giá?
04:00, 01/12/2020
"Đất vàng" vào tay doanh nghiệp tại Bình Thuận (Kỳ 4): "Khuất tất" giao đất không đấu giá?
04:10, 09/11/2020
"Đất vàng" vào tay doanh nghiệp tại Bình Thuận (Kỳ 3): Dân khổ vì… “văn bản hỏa tốc”?
04:30, 23/09/2020
Bà Bố Thị Xuân Linh - ĐBQH tỉnh Bình Thuận: Hoàn thiện cơ chế phát triển kinh tế biển
11:31, 04/11/2020
Nhiều nhà đầu tư găng tay tìm đến KCN Minh Hưng SIKICO
15:01, 25/02/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Yên Phong II-A
19:27, 22/02/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đầu tư kết cấu hạ tầng KCN Quốc Tuấn - An Bình
18:08, 18/02/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đầu tư phát triển hạ tầng KCN Thuận Thành I
18:05, 18/02/2021