Lai Châu: Tạo cơ hội để hút đầu tư vào nông nghiệp
Tỉnh sẽ tập trung quản lý vùng nguyên liệu chè, giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng để đảm bảo đạt ngưỡng cho phép trong tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu.
Còn nhiềukhó khăn
Trong năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh Lai Châu đã chịu ảnh hưởng rất lớn của thiên tai, dịch bệnh như: mưa đá diện rộng, kéo dài nhiều đợt ngay từ đầu năm; giông lốc, mưa lũ, sạt lở đất; bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại và đại dịch COVID-19. Tuy vậy, nhờ sự nỗ lực phấn đấu đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh của các cấp, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân nên tỉnh đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Năm 2020, tổng sản phẩm ngành Nông nghiệp ước đạt 1.770 tỷ đồng, chiếm 15,5% giá trị tổng sản phẩm (GRDP) của toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng ước đạt 4%. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 220 nghìn tấn; diện tích chè trồng mới 760ha; diện tích trồng mới cây ăn quả ước đạt 977ha; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 2.653 tấn. Cùng với đó, bình quân tiêu chí nông thôn mới đạt mục tiêu đề ra với 15,5 tiêu chí/xã.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều kết quả chưa đạt như kỳ vọng. Trong đó, hiện nay, số lượng doanh nghiệp đầu tư, liên kết phát triển nông nghiệp còn hạn chế; sản phẩm OCOP chưa nhiều và chưa đạt chất lượng cao…
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lai Châu ông Đặng Văn Châu, hiện nay ngành còn gặp khó khăn, vướng mắc trong triển khai một số đề án, nghị quyết, quyết định như: Đề án hàng hóa tập trung và Đề án bảo vệ và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2022-2025.
Được biết, năm 2021, ngành Nông nghiệp Lai Châu đề ra một số mục tiêu trọng tâm, trong đó phấn đấu tổng sản lượng lương thực đạt 222 nghìn tấn; Chè trồng mới 680 ha; Trồng mới cây ăn quả: 585 ha; Tốc độ tăng đàn gia súc trên 5%. Xây dựng nông thôn mới: Có thêm 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến tiêu chí bình quân đạt 15,9 tiêu chí/xã.
Tạo cơ hội hút đầu tư vào nông nghiệp
Để đạt được những mục tiêu đề ra đối với phát triển nông nghiệp, lãnh đạo tỉnh Lai Châu đã cùng với các Sở, Ban ngành liên qua có cuộc họp trao đổi xung quanh nội dung này. Theo đó, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tăng cường tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh, của trung ương.
Đối với cây chè là cây chủ lực của tỉnh, tập trung chỉ đạo đầu tư thâm canh, chăm sóc, diện tích chè đã trồng nhằm tăng năng suất, sản lượng; tăng cường kiểm tra chất lượng giống chè để phục vụ cho trồng chè mới năm 2021; thực hiện tốt quản lý vùng nguyên liệu chè tập trung; giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng để đảm bảo đạt ngưỡng cho phép trong tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng nhận định, trong bối cảnh dịch COVID-19, dịch tả lợn Châu Phi và các diễn biến thời tiết bất lợi còn diễn biến phức tạp, khó lường. Toàn ngành Nông nghiệp cần nỗ lực hơn nữa. Đặc biệt, ngành cần quan tâm tới công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà đầu tư đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Đối với các chính sách, đề án ngành Nông nghiệp cần phải tập trung chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho quá trình triển khai thực hiện. Các chính sách phải tập trung tính toán việc hỗ trợ sao cho hợp lý, nâng cao được hiệu quả và phải làm thế nào để chính sách đến được tay đối tượng thụ hưởng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cũng đề nghị ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực; chú trọng phát triển các chuỗi liên kết và sản phẩm OCOP. Đồng thời, cần tập trung xây dựng nông thôn mới một cách bền vững.
Có thể bạn quan tâm