Định vị sản xuất lúa gạo Việt Kỳ I: Cải thiện đẳng cấp

PHÚ KHỞI 05/03/2021 13:36

Dù gạo Việt Nam đã thoát được điệp khúc “được mùa, mất giá” và đang khẳng định chỗ đứng trên thị trường quốc tế, nhưng vẫn cần tiếp tục được cải thiện đẳng cấp, tăng giá trị trong thời gian tới.

 Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An xuất khẩu lô gạo đầu tiên sang Singapore và Malaysia với giá 680- 700 USD/tấn.

Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An xuất khẩu lô gạo đầu tiên sang Singapore và Malaysia với giá 680- 700 USD/tấn.

Trong 2 tháng đầu năm 2021, mặc dù xuất khẩu gạo giảm đáng kể về sản lượng, nhưng giá gạo có chiều hướng tăng, đó là tín hiệu đáng mừng cho “hạt gạo Việt” trong sân chơi hội nhập.

Thoát điệp khúc “được mùa, mất giá”

Cụ thể, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2021, dù sản lượng xuất khẩu gạo chỉ đạt 350.000 tấn, với kim ngạch gần 200 triệu USD, giảm 34% so với cùng kỳ, nhưng giá xuất khẩu đạt bình quân 551,7 USD/tấn, tăng 3,4% so với so với thời điểm cuối năm 2020.

Theo đại diện Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu Việt Nam cùng gạo Thái Lan đang dẫn đầu thị trường thế giới về giá cả. Cụ thể, giá gạo Việt Nam 5% tấm ngày 23/2 đã đạt 518 USD/tấn, cao hơn 5 USD/tấn so với hồi đầu tháng 2. Với mức giá này, gạo 5% tấm của Việt Nam đang ngang bằng gạo cùng loại của Thái Lan.

Theo dự báo của đại diện VFA, năm 2021 xuất khẩu gạo Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục gặt hái được thành công, bởi nhu cầu của thị trường năm 2021 vẫn ở mức cao.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tổng lượng gạo nhập khẩu trên toàn thế giới trong niên vụ 2020/2021 sẽ vào khoảng 44,263 triệu tấn, tăng hơn nửa triệu tấn so với niên vụ 2019/2020. Như vậy, nhu cầu nhập khẩu gạo vẫn đang có xu hướng tăng lên trên toàn cầu. Đây là điều dễ hiểu vì trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều nước đang có xu hướng tăng tích trữ các loại lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Lợi thế ở phân khúc trung- cao cấp

Theo khảo sát của Sở NN&PTNT TP.Cần Thơ, trong những ngày qua nhiều thương lái đã đến vùng sản xuất lúa của thành phố là Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai, Ô Môn đặt cọc mua với giá khá cao từ 6.500-7.500 đồng/kg lúa tươi tại ruộng tùy giống lúa và đường vận chuyển xa hay gần. Với mức giá này, nông dân thu lãi trên 20 triệu đồng/ha.

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, ông Phạm Thái Bình, cho biết ngay từ đầu năm 2021 Công ty Trung An cũng như nhiều doanh nghiệp ngành lúa gạo khác đã ký kết được rất nhiều hợp đồng xuất khẩu với giá bán rất cao, đây chính là lý do mà giá lúa đông xuân năm nay đã được cải thiện đáng kể.

Còn theo nhận định của ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Gentraco, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, với diễn biến thị trường đầu năm nay và dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ trong năm 2021 nhu cầu nhập khẩu lương thực của các nước sẽ tăng, đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Lý giải về việc hạt gạo Việt đã thoát điệp khúc “được mùa, mất giá”, ông Nguyễn Trung Kiên cho rằng, kết quả đó là cả một quá trình nỗ lực của cả chuỗi sản xuất từ khâu tuyển chọn giống, kỹ thuật canh tác, đến chế biến bảo quản nâng cao giá trị hạt gạo. “Gạo Việt đang khẳng định thế mạnh của mình ở phân khúc trung, cao cấp, đây là tín hiệu tích cực hướng xuất khẩu gạo theo mục tiêu giảm sản lượng nhưng tăng giá trị trong thời gian tới”, ông Kiên nhấn mạnh.

Kỳ II: Cần chiến lược xây dựng thương hiệu

PHÚ KHỞI