Tăng trưởng vùng Đông Nam Bộ và TP HCM: Làm gì để chống "đuối sức"?

L.M ( Theo FSPPM) 13/03/2021 10:59

Trong thời gian vừa qua, vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) nói chung và TPHCM nói riêng đã bắt đầu thể hiện sự "đuối sức" so với các địa phương khác trong cuộc đua tăng trưởng...

Những điều kiện tự nhiên thuận lợi của vùng Đông Nam Bộ và TPHCM đang dần bị xói mòn và bộc lộ nhiều điểm nghẽn hạn chế khả năng bứt phá như cơ sở hạ tầng xuống cấp, hệ thống giao thông đô thị bị quá tải, ô nhiễm môi trường và liên kết lỏng lẻo với các điểm tăng trưởng khác trong khu vực.

Sau thời gian dẫn đầu, vùng Đông Nam Bộ và TP HCM đang

Sau thời gian dẫn đầu, vùng Đông Nam Bộ và TP HCM đang "đuối sức" tăng trưởng

Làm gì đề TP HCM và vùng Đông Nam Bộ lấy lại vị thế trước đây, khi từng là câu chuyện thành công về phát triển kinh tế và điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư kinh doanhcác chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) cùng các chuyên gia kinh tế ở Fulbright đã có cuộc trao đổi với chủ đề "Thúc đẩy hợp tác, liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: điểm nghẽn và giải pháp" mới đây.

Nghịch lý từ bức tranh ngân sách

Đầu tiên, nói về vị thế của TPHCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (bao gồm 8 tỉnh và địa phương thuộc Đông và Tây Nam Bộ) so với cả nước, tuy chỉ chiếm 20% dân số nhưng vùng kinh tế phía Nam đóng góp 45% GDP; thu ngân sách chiếm 40% nhưng chi ngân sách chỉ chiếm 20%. Riêng TPHCM có thể được ví như "trụ cột phát triển" của cả vùng, chiếm 42% tổng dân số, 56% vốn đầu tư xã hội, và đóng góp 51% vào GDP của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tọa đàm của các chuyên gia CIEM và chuyên gia Fulbright

Tọa đàm của các chuyên gia CIEM và chuyên gia Fulbright

Tỉ lệ ngân sách được giữ lại của các tỉnh Đông Nam Bộ thấp hơn nhiều so với các địa phương miền Bắc có cùng quy mô kinh tế, ví dụ các tỉnh công nghiệp xung quanh TPHCM như Bình Dương, Đồng Nai chỉ được giữ lại 36% và 47%, trong khi các tỉnh công nghiệp xung quanh Hà Nội như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương có tỉ lệ giữ lại ngân sách lần lượt là 53%, 83%, và 98%. Nói riêng về TPHCM, tuy có tỉ lệ đóng góp ngân sách cao nhưng tỉ lệ giữ lại ngân sách của thành phố đang thấp nhất nước, chỉ là 18%.

Một hệ quả từ tỉ lệ chi ngân sách quá thấp đó là TPHCM và vùng Đông Nam Bộ thiếu hụt nguồn lực để đầu tư và tái đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nội đô và giao thông liên kết. Các tuyến đường cửa ngõ nối liền TPHCM với các khu vực lân cận ở Đông và Tây Nam Bộ luôn trong tình trạng "kẹt cứng" vì ách tắc giao thông làm chi phí sản xuất, dịch vụ và xuất khẩu bị đội lên quá cao, từ đó làm giảm sức cạnh tranh và sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Điều này thể hiện rất rõ qua số liệu thu hút FDI của TPHCM trong những năm gần đây. Tuy được mệnh danh là "thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư" của các tỉnh phía Nam, điều đáng lưu ý là quy mô các dự án đầu tư FDI trên địa bàn thành phố ngày càng thu nhỏ so với con số trung bình toàn quốc. Quy mô bình quân một dự án FDI ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ 10 triệu USD, thấp hơn bình quân cả nước 12,42 triệu USD, nhưng quy mô bình quân một dự án ở TP.HCM thậm chí còn thấp hơn, chỉ 5,56 triệu USD. Thiếu các dự án đầu tư lớn cũng có nghĩa là thành phố không thể thu hút các tập đoàn quy mô lớn, với tri thức quản lý hiện đại để dẫn dắt sự phát triển.

Liên kết vùng lỏng lẻo

Một nút thắt về tăng trưởng khác, theo các chuyên gia Fulbright và CIEM, là TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa tạo được liên kết với các vệ tinh tăng trưởng xung quanh và chưa tận dụng được mối liên hệ này làm bệ phóng cho sự phát triển của riêng mình và cho toàn khu vực. Gần kề với hai trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo lớn ở phía Nam là Bình Dương và Đồng Nai, nhưng TPHCM lại rất yếu kém các dịch vụ phục vụ cho ngành chế tạo sản xuất. Ngành dịch vụ hàng đầu của thành phố là buôn bán bất động sản trong khi dịch vụ logistics (phục vụ chế tạo sản xuất) chỉ xếp thứ 5.

Liên kết vùng, cải thiện liên kết hạ tầng và phát huy vai trò của doanh nghiệp - chủ thể kinh tế vùng là các chủ đề Diễn đàn Kinh tế vùng, đã được Doanh nghiệp đã từng t

Liên kết vùng, cải thiện liên kết hạ tầng và phát huy vai trò của doanh nghiệp - chủ thể kinh tế vùng là các chủ đề Diễn đàn Kinh tế vùng, đã được Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức thường niên từ 2016 đến nay (ảnh: Một phiên tọa đàm trong Diễn đàn Kinh tế vùng trọng điểm phía Nam 2019)

Những thách thức phát triển mà khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ phải đối diện đòi hỏi biện pháp ứng phó có tính đa ngành và đa địa phương. Ở Đông Nam Bộ, đó là bài toán phát triển kinh tế một cách bền vững, phát triển đi đôi với bảo tồn môi trường sống xanh và sạch. Với vị trí địa lý liền kề nhau, những hoạt động sản xuất công nghiệp ở Bình Dương hay Đồng Nai sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước và môi trường của cư dân TPHCM.

Những ghi nhận về hiện trạng những con kênh rạch đầu nguồn tại Bình Dương xả thải công nghiệp gây ô nhiễm cho nguồn nước ở hạ nguồn TPHCM. Đối với Tây Nam Bộ, thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức cần có biện pháp ứng phó chung của toàn khu vực...

Từ những quan sát này, các chuyên gia khuyến nghị nên có một quy hoạch vùng giữ vai trò như một bản đồ gốc, là cơ sở tham chiếu cho quy hoạch ở từng địa phương. Đồng thời, khuyến khích các lãnh đạo địa phương có góc nhìn phát triển trên quy mô vùng để tạo ra những mô hình hợp tác hiệu quả hơn và xây dựng được những hệ thống giao thông, cảng biển, cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ cho cả khu vực rộng lớn thay vì ở từng địa phương nhỏ lẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghệ An và hướng phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ

    Nghệ An và hướng phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ

    16:50, 21/10/2019

  • “Hạt nhân” phát triển kinh tế vùng Tây Bắc

    “Hạt nhân” phát triển kinh tế vùng Tây Bắc

    15:09, 26/09/2018

  • Diễn đàn kinh tế Đông Nam Bộ: Phát triển kinh tế vùng, cần ưu tiên lợi thế của từng tỉnh

    Diễn đàn kinh tế Đông Nam Bộ: Phát triển kinh tế vùng, cần ưu tiên lợi thế của từng tỉnh

    13:14, 27/09/2017

  • Làm gì để tái cơ cấu, tạo đột phá phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ?

    Làm gì để tái cơ cấu, tạo đột phá phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ?

    15:00, 26/09/2017

L.M ( Theo FSPPM)