Hoà Bình đột phá chiến lược cải thiện môi trường kinh doanh
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là yêu cầu quan trọng đối với tỉnh Hòa Bình để đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hóa các chính sách, pháp luật phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh theo hướng hiện đại, đồng bộ, hội nhập, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi.
Tạo cạnh tranh bình đẳng, minh bạch
Ngay từ đầu năm 2020, UBND tỉnh đã có Quyết định số 97/QĐ-UBND, ngày 16/1/2020 ban hành Kế hoạch tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2020, định hướng đến năm 2021, trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan có liên quan thực hiện các giải pháp để nâng cao chỉ số PCI theo lĩnh vực do ngành mình quản lý.
Tháng 10/2020, tại buổi làm việc với Đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng đoàn, lãnh đạo tỉnh cũng đã đề nghị Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho các tỉnh miền núi trong đó có tỉnh Hòa Bình trong công tác kêu gọi các nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tám nhiệm vụ trọng tâm
Đóng góp ý kiến để cải thiện chỉ số PCI, một số chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, các sở, ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường tính công khai, minh bạch nhằm tạo lập môi trường kinh doanh bền vững, hiệu quả cao; cần có tổ hợp tín dụng của các ngân hàng giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay...
Tiếp thu những đề xuất của các doanh nghiệp, kế hoạch về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Hoà Bình đã xác định rõ mục tiêu cải thiện, tăng chỉ số xếp hạng tối thiểu 3 bậc so với năm 2020.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh Hoà Bình đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động của các cơ quan để cải thiện các chỉ số có thứ hạng chưa cao như gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý...
Thứ hai, triển khai thực hiện tốt Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư... theo hướng nhanh gọn, hiệu quả, đúng quy định.
Thứ ba, khẩn trương hoàn thành, công khai Quy hoạch tỉnh Hoà Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất... xác định rõ các lợi thế để kêu gọi, thu hút đầu tư.
Thứ tư, áp dụng thử nghiệm Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh các huyện, thành phố và các sở, ngành (DDCI) trong năm 2021. Trên cơ sở kết quả thử nghiệm, tỉnh sẽ tiếp tục áp dụng thực hiện DDCI trong những năm tiếp theo.
Thứ năm, làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết thủ tục liên quan đến quy hoạch, đầu tư, xây dựng...
Thứ sáu, tập trung thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; đồng thời đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử, xây dựng triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.
Thứ bảy, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm.
Thứ tám, tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19; đồng thời tăng cường đối thoại mở với doanh nghiệp theo hình thức chuyên đề, thiết thực và giải quyết đến cùng những vướng mắc của doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng các buổi đối thoại...
Cùng với đó, Trung tâm xúc tiến Đầu tư, thương mại và Du lịch tỉnh là cầu nối đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, liên kết thị trường, xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch… hướng đến từng bước hoàn thiện hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại.
Có thể bạn quan tâm