Dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng – Thái Bình: Chậm tiến độ vì thiếu vốn
Mục tiêu đặt ra hoàn thành trước năm 2020, thế nhưng Dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng – Thái Bình đã bị chậm tiến độ hơn 1 năm.
Đến nay, nhà đầu tư mới chỉ bố trí được khoảng 1/6 tổng vốn, số còn lại chưa biết trông chờ vào đâu.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua thành phố Hải Phòng và 09 km trên địa bàn Thái Bình được khởi động từ tháng 5/2017 và thực hiện theo hình thức hình thức đối tác công tư, hình thức BOT.
Dự án chậm tiến độ
Trước khi khởi động dự án, tháng 4/2017 UBND TP Hải Phòng đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn Nhà đầu tư dự án. Theo đó, 4 doanh nghiệp: Tổng công ty Xây dựng Số 1- CTCP (CC1); Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bùi Vũ; Tổng công ty IDICO - CTCP; Công ty CP Đầu tư Phát triển hạ tầng giao thông 9 là Nhà đầu tư liên danh. Các nhà đầu tư thành lập Doanh nghiệp dự án là Công ty CP Đầu tư đường ven biển Hải Phòng. Ngày 28/6/2018, Hải Phòng đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng BOT. Theo đó, dự án sẽ hoàn thành sau 30 tháng kể từ khi ký hợp đồng.
Sau 2 lần điều chỉnh phê duyệt, đến nay tổng mức đầu tư dự án lên đến 3.768 tỷ đồng. Trong đó, 720 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện việc giải phóng mặt bằng. Còn lại hơn 3.000 tỷ đồng thuộc về nhà đầu tư BOT. Theo quy định, nhà đầu tư phải có “tiền túi” ít nhất 900 tỷ đồng và 2.100 tỷ đồng vốn vay.
Theo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng, hiện nay việc giải phóng mặt bằng cơ bản đã hoàn tất. Tuy nhiên, khối lượng xây lắp đạt rất thấp, chủ yếu là hạng mục xây cầu vượt sông Văn Úc, còn lại các hạng mục xây dựng khác rất chậm. Cụ thể, đoạn gần 3 km trên địa bàn quận Đồ Sơn mới thi công cấp phối đá dăm lớp dưới được khoảng hơn 1km; Cầu Lạch Họng mới thi công cầu tạm, tạo mặt bằng, thi công cọc thử; Đoạn 2,63 km trên địa bàn huyện Tiên Lãng mới thi công đạt 0,35% khối lượng,...
Chờ ngân hàng cứu tinh
Về vốn, nhà đầu tư mới bố trí hơn 404 tỷ đồng vốn chủ sở hữu cho công trình và giải ngân được hơn 393 tỷ đồng trong số vốn này. Trong đó, chủ yếu của Tổng công ty xây dựng số 1 - CTCP (CC1) và một phần của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Bùi Vũ. Hai liên danh nhà đầu tư khác là Tổng công ty IDICO – CTCP, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển hạ tầng giao thông 9 chưa thực hiện việc góp vốn. Như vậy, để đảm bảo thực hiện dự án, nhà đầu tư sẽ cần phải có 2.600 tỷ đồng nữa.
Được biết, khi ký hợp đồng BOT này, các ngân hàng đã có cam kết hỗ trợ tài chính để thực hiện. Tuy nhiên, khi làn sóng BOT được thắt chặt nên các ngân hàng đã thận trọng hơn bằng việc tập trung tăng cường quản lý rủi ro. Việc rót cả nghìn tỷ đồng cho vay dự án BOT với một ngân hàng đã không còn là dễ dàng. Chính vì vậy, nguồn vốn cho dự án gặp phải nhiều trắc trở.
Trước đó, ngày 22/10/2020, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam đã có Thông báo về việc cung cấp tín dụng thực hiện cho dự án này. Theo đó, ngân hàng TMCP Hàng Hải đã đồng ý cấp tín dụng dài hạn với số tiền vay là 1.500 tỷ đồng, thời gian vay tối đa 11,5 năm. Đây thực sự là “cứu tinh” của dự án khi nhà đầu tư đang loay hoay tìm nguồn vốn khổng lồ. Tuy nhiên, đến nay nhà đầu tư mới đang ở bước “hoàn thiện thủ tục” chứ chưa thể ký hợp đồng tín dụng...
Có thể bạn quan tâm