Quảng Bình: Còn nhiều vướng mắc trong thực thi chính sách BHXH

THY HẰNG 02/04/2021 10:00

Mặc dù đạt tỷ lệ bao phủ dân số là 95,1%, tuy nhiên, công tác thực thi chính sách về BHXH tại nhiều địa phương như Quảng Bình vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ngày 2/4, Đoàn giám sát Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam do ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Uỷ viên Hội đồng, Trưởng đoàn giám sát đã làm việc tại BHXH tỉnh Quảng Bình. 

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, trưởng đoàn Giám sát của Đoàn giám sát Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam làm việc tại Quảng Bình sáng ngày 2/4.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, trưởng đoàn Giám sát của Đoàn giám sát Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam làm việc tại Quảng Bình sáng ngày 2/4.

26% doanh nghiệp đánh giá thủ tục còn “phiền hà”

Theo đó, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, BHXH, BHYT là 2 trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Với trên 16 triệu người đang tham gia BHXH, trên 3 triệu người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, trên 86 triệu người đã và đang được thụ hưởng những ưu việt của chính sách BHYT trong khám chữa bệnh (KCB), đã khẳng định đây là chính sách có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống an sinh của đông đảo các tầng lớp nhân dân và người lao động.

Trong những năm qua, hệ thống chính trị đã thành công trong công tác triển khai chính sách an sinh xã hội nói chung và chính sách BHXH - BHYT nói riêng. Trong đó, đặc biệt là việc mở rộng, tăng nhanh đối tượng tham gia BHXH, BHTN, BHYT, quỹ BHXH, BHYT, BHTN được quản lý tập trung thống nhất, tăng trưởng bền vững. Đã đẩy mạnh và bước đầu thành công trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), cải cách hành chính, công khai minh bạch về quy trình giải quyết các chế độ BHXH, BHTN, BHYT, đảm bảo quyền lợi của nhân dân, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, cơ sở Khám chữa bệnh.

“Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan, với đặc thù của việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT bao gồm nhiều khâu, nhiều cơ quan khác nhau cùng triển khai, nên không tránh khỏi những tồn tại hạn chế nhất định”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Đồng thời cho biết, theo yêu cầu của thực tiễn và vận hành trong hệ thống các chính sách kinh tế xã hội nói chung, chính sách BHXH, BHYT cũng phải được thường xuyên sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. 

Đặc biệt, Phó Chủ tịch VCCI cho biết: “Báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI năm 2019 cho thấy, chỉ số cải cách TTHC trong ngành bảo hiểm của Quảng Bình có cải thiện nhưng vẫn có 26% doanh nghiệp đánh giá các thủ tục này còn phiền hà. Do đó, chúng ta vẫn còn dư địa để cải cách, để cải thiện công tác này, thu hút doanh nghiệp, mở rộng, tạo nguồn thu cho quỹ BHXH”.

Với quan điểm việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội không chỉ của riêng ngành BHXH mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, Trưởng đoàn giám sát mong muốn lắng nghe ý kiến từ Lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở ngành có chức năng nhiệm vụ gắn liền với tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT như Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Y tế, Tài chính, Liên đoàn Lao động và những ngành có ký kết quy chế phối hợp với cơ quan BHXH về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT, để đảm bảo thực thi chính sách đồng bộ, hiệu quả, như Công An tỉnh, Cục thuế tỉnh.

“Mục đích của chương trình kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch thu, chi, quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHTN, BHYT lần này, nhằm đánh giá đúng mức, phát huy những ưu điểm, nhân rộng những giải pháp sáng tạo trong tổ chức thực hiện chính sách. Đồng thời, cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp trước mắt cũng như chiến lược lâu dài, phù hợp với tình hình và bối cảnh quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XIII”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Ông Hoàng Quang Phòng cho biết

 Báo cáo PCI năm 2019 của VCCI cho thấy, 26% doanh nghiệp đánh giá các thủ tục ngành bảo hiểm của Quảng Bình còn gây phiền hà.

Vướng mắc của địa phương

Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Bình cho biết, năm 2020, số người tham gia BHXH đạt 91.344 người, tăng 9.506 người, tương ứng tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, vượt 1,6% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Cùng với đó, số người tham gia BHTN là 59.004 người, đạt 100,03% kế hoạch BHXH Việt Nam giao.

Đặc biệt, diện bao phủ BHYT ngày càng được mở rộng, tính đến hết năm 2020 có 786.890 người, tăng 6.694 người so với cùng kỳ năm 2019, đạt 100% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Nhờ đó, tỷ lệ bao phủ dân số tham gia BHYT là 95,1%, vượt 5,1% so với kế hoạch Chính phủ giao năm 2020.

Tới quý I/2021, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là 67.951 người, tăng 410 người so với cuối năm 2020, đạt 96,76% kế hoạch BHXH Việt Nam giao.

Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện: 23.881 người, tăng 78 người so với cuối năm 2020, đạt 74,76% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Đối tượng tham gia BHTN là 59.218 người, tăng 214 người so với cuối năm 2020, đạt 95,94% kế hoạch BHXH Việt Nam giao.

Đối tượng tham gia BHYT là 786.993 người, tăng 49 người so với cuối năm 2020, đạt 98,54% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Nhờ đó, đạt tỷ lệ bao phủ dân số là 95,1%.

Đặc biệt, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Bình cho biết, về số thu năm 2020, toàn tỉnh thu BHXH, BHYT, BHTN được 2.016.242 triệu đồng, tăng 133.649 triệu đồng, tương ứng tăng 7,1% so với năm trước, đạt 100,9% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Trong quý I năm 2021 thu được 443.449 triệu đồng, tăng 3.386 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, là địa phương có nhiều khó khăn đặc thù, đại diện Phòng quản lý thu BHXH Quảng Bình cho biết, số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tăng chậm qua các năm.

Về nợ đọng, tỷ lệ nợ được kiểm soát tốt và giảm so với cùng kỳ năm trước, tính đến hết tháng 12/2019 là 50.652 triệu đồng (đã trừ số tiền khoanh nợ của vinashin), chiếm 2,8% kế hoạch thu BHXH Việt Nam giao.

Đến hết tháng 12/2020 tổng số nợ là 42.669 triệu đồng (đã trừ số tiền khoanh nợ của Vinashin), chiếm 2,07% kế hoạch thu BHXH Việt Nam giao, giảm 0,73% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn 0,29% so với chỉ tiêu giảm nợ đọng BHXH Việt Nam giao năm 2020.

Tổng số nợ đến hết tháng 03/2021 là 134.976 triệu đồng, giảm 4.128 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. “Quảng Bình sau sự cố Formosa và sau đó là Corona thì việc thu hồi nợ của bảo hiểm tỉnh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên đơn vị đã thu hồi cơ bản tại các đơn vị lớn, hiện chỉ còn các khoản lãi và còn một số đơn vị nhỏ nợ đọng”, đại diện Phòng quản lý thu cho biết. 

Với ngân sách, đại diện Phòng quản lý thu cho biết, BHXH tỉnh vẫn thu đầy đủ, nhưng nguồn đóng cho đối tượng Formosa chúng tôi vẫn còn 22 tỷ UBND từ các Bộ ngành chưa được chuyển về, tỉnh đã nhiều lần báo cáo Bộ Tài chính và Y tế nhưng vẫn chưa có hướng dẫn về vấn đề này.

Trong khi đó, Đại diện Phòng thanh tra BHXH tỉnh Quảng Bình cho biết, theo kế hoạch giao của BHXH Việt Nam, mỗi năm, BHXH tỉnh đã thực hiện 80 cuộc thanh tra thường xuyên, thanh tra đột xuất 30-40 cuộc với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm. Riêng năm 2020 tỷ lệ này thấp hơn, chúng tôi tiến hành 45 cuộ kiểm tra đơn vị có dấu hiệu vi phạm, xử lý hành chính hơn 600 triệu đồng, chuyển đơn vị điều tra 7 đơn vị, trong đó, 1 đơn vị dừng hoạt động, khởi tố 2 đơn vị, 4 đơn vị xin tạm dừng.

“Khó khăn, Quảng Bình còn hơn 1 tỷ tiền xử lý vi phạm hành chính nhưng không thực hiện được do còn vướng nhiều quy định và hướng dẫn”, Đại diện Phòng thanh tra chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Tháo gỡ vướng mắc trong thực thi chính sách bảo hiểm xã hội

    14:15, 30/03/2021

  • Bắc Ninh: Đề xuất nhiều giải pháp đảm bảo vững chắc trụ cột an sinh xã hội

    15:00, 30/03/2021

  • BHXH và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn

    14:24, 01/04/2021

  • Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để hạn chế BHXH một lần

    16:24, 25/03/2021

  • Những “ông lớn” nào đang nợ “khủng” BHXH tại Đà Nẵng?

    11:00, 16/03/2021

THY HẰNG