Đề xuất giải pháp mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội tại Quảng Bình
Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Bình đề xuất bổ sung một số chế độ ngắn hạn phù hợp đối với BHXH tự nguyện, cũng như các giải pháp hỗ trợ cho nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm.
Chiều ngày 2/4, tại Quảng Bình, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Uỷ viên Hội đồng giám sát BHXH Việt Nam, trưởng đoàn giám sát đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình, BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Quảng Bình và các Sở, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh.
Tỷ lệ nợ giảm
Làm việc với Đoàn giám sát Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, BHXH tỉnh là đơn vị tích cực mở rộng diện bao phủ, tăng nguồn thu, đạt trên 100% chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao, đây là nỗ lực đáng khích lệ trong bối cảnh tỉnh gặp khó khăn. Đồng thời BHXH tỉnh cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin.
“Tuy nhiên, mặc dù quyết liệt và bám sát nhưng trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhỏ lẻ đóng cửa phá sản, nên vẫn có những chuyện nợ đọng của BHXH tỉnh”, ông Hồ An Phong chia sẻ.
Trên thực tế, chia sẻ về những khó khăn trong thực thi chính sách bảo hiểm tại địa phương, ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Bình cho biết, tỷ lệ nợ dù được kiểm soát tốt và giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng tính đến hết tháng 12/2019 là 50.652 triệu đồng (đã trừ số tiền khoanh nợ của vinashin), chiếm 2,8% kế hoạch thu BHXH Việt Nam giao.
Đến hết tháng 12/2020 tổng số nợ là 42.669 triệu đồng (đã trừ số tiền khoanh nợ của Vinashin), chiếm 2,07% kế hoạch thu BHXH Việt Nam giao, giảm 0,73% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn 0,29% so với chỉ tiêu giảm nợ đọng BHXH Việt Nam giao năm 2020. Tổng số nợ đến hết tháng 3/2021 là 134.976 triệu đồng, giảm 4.128 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.
Theo Giám đốc BHXH Quảng Bình, khó khăn của BHXH Quảng Bình cũng tương tự như nhiều địa phương, số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHTN tăng chậm qua các năm. Tỷ lệ bao phủ BHYT chưa bền vững, số người tham gia BHYT tập trung ở nhóm đối tượng được NSNN, tổ chức BHXH đóng 100% kinh phí, còn nhóm đối tượng do cá nhân tự đóng.
Cùng với đó, tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH vẫn thường xuyên xảy ra, đặc biệt nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, nhưng vẫn nợ BHXH, dẫn đến quyền lợi về BHXH của người lao động không đảm bảo, Hiện nay, toàn tỉnh có 88 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi chậm đóng với số tiền nợ 29,6 tỷ đồng.
Năm 2019, chi KCB BHYT vượt 18.201 triệu đồng, tương ứng vượt 2,9% so với kế hoạch chi KCB BHYT của Chính phủ giao năm 2019.
Đề xuất tăng ngân sách hỗ trợ bảo hiểm cho hộ nghèo
Do đó, để tháo gỡ những khó khăn này, BHXH Quảng Bình kiến nghị, đề xuất Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét tăng NSNN hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện cho đối tượng tham gia từ 30% lên 50% đối với hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại để khuyến khích tăng số người tham gia BHXH tự nguyện.
Bổ sung một số chế độ ngắn hạn phù hợp đối với BHXH tự nguyện, như chế độ ốm đau, thai sản vì chế độ này tác động trực tiếp đến lợi ích trước mắt của người tham gia.
Giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH tự nguyện để hưởng chế hưu trí từ 20 năm như hiện nay xuống còn 15 năm và điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu tương ứng phù hợp.
Đồng thời, kiến nghị giao cơ quan BHXH thêm chức năng Đại diện phần quyền lợi của Nhà nước để khởi kiện các đơn vị nợ BHXH kéo dài, ảnh hưởng đến sự an toàn của Quỹ BHXH.
Kiến nghị cần bổ sung quy định người có thẻ BHYT đăng ký nơi KCB ban đầu tại bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh khi đến khám ngoại trú tại các phòng khám đa khoa, Trạm y tế thì được quỹ BHYT thanh toán là 100% trong phạm vị quyền lợi BHYT được hưởng theo quy định.
BHXH Quảng Bình cũng đề xuất Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam xem xét đề nghị tăng thêm biên chế cho BHXH tỉnh Quảng Bình năm 2021 để bố trí đủ vị trí việc làm; đồng thời có cơ chế ưu tiên tuyển dụng cán bộ có trình độ bác sỹ, dược sỹ làm công tác giám định.
Cùng với đó, BHXH Quảng Bình cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng công tác KCB tại các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh, nhất là tuyến y tế cơ sở.
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình xem xét trình HĐND tỉnh bố trí ngân sách tỉnh để hỗ trợ đóng BHYT cho các nhóm đối tượng gặp khó khăn về kinh tế, trước mắt là hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho 43.980 người thuộc hộ gia đình cận nghèo năm 2021 (10,6 tỷ đồng).
BHXH tỉnh đề nghi UBND chỉ đạo đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng công tác KCB tại các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh, nhất là tuyến y tế cơ sở. Chỉ đạo thực hiện đấu thầu vật tư y tế tập trung để quản lý thống nhất giá các loại vật tư y tế trên địa bàn tỉnh và thuận lợi cho các cơ sở KCB khi mua sử dụng (hiệu quả như đấu thầu thuốc tập trung).
Đồng thời tiếp tục giao trách nhiệm cho người đứng đầu của các cơ sở KCB cam kết sử dụng quỹ KCB BHYT tiết kiệm, có hiệu quả, đảm bảo tốt quyền lợi của người tham gia BHYT.
Đặc biệt, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra liên ngành về thực hiện đóng BHXH, BHYT. Kiên quyết xử lý các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Bình: Còn nhiều vướng mắc trong thực thi chính sách BHXH
10:00, 02/04/2021
Bắc Ninh: Đề xuất nhiều giải pháp đảm bảo vững chắc trụ cột an sinh xã hội
15:00, 30/03/2021
Tháo gỡ vướng mắc trong thực thi chính sách bảo hiểm xã hội
14:15, 30/03/2021