Lai Châu: Lực hấp dẫn đầu tư vào nông, lâm nghiệp
Tỉnh Lai Châu phấn đấu đến năm 2025, đầu tư xây dựng 03 khu, cụm công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp; thu hút thêm nhiều cơ sở chế biến, đóng gói, bảo quản nông, lâm sản.
Chú trọng hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn
Được biết, giai đoạn 2016 - 2020, cơ cấu kinh tế nông nghiệp Lai Châu chuyển dịch theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng đạt khá, giá trị sản xuất tăng bình quân 5-6%/năm. Diện tích gieo trồng cây lương thực đều tăng hàng năm; người dân đã chú trọng trong việc đầu tư thâm canh nên năng suất cây trồng tăng; an ninh lương thực được đảm bảo.
Theo ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, cơ cấu ngành nông nghiệp dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng còn chậm. Trong đó, việc phát triển vùng sản xuất hàng hoá tập trung chuyên canh còn chậm, sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là quy mô nhỏ và chất lượng, hiệu quả chưa cao; chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp đặc trưng của các địa phương; Quan hệ sản xuất chưa phát triển, chưa thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư vào nông nghiệp.
Theo đó, tỉnh đang tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa và xây dựng nông thôn mới, trong đó trọng tâm là hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, tập trung vào khai thác tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh như: cây lúa chất lượng cao; các loại cây công nghiệp (chè, quế, cao su...); cây ăn quả có giá trị kinh tế cao (Mắc ca, cây ăn quả ôn đới, nhiệt đới,...); Cây dược liệu (Sâm Lai Châu, Tam thất, Nấm linh chi,...); nuôi trồng thủy sản lòng hồ các thủy điện, thủy sản nước lạnh …
Trong năm 2021, tỉnh Lai Châu phấn đấu tổng sản lượng lương thực đạt 222 nghìn tấn;Chè trồng mới 680 ha; Trồng mới cây ăn quả: 585 ha; Tốc độ tăng đàn gia súc trên 5%.
Chính sách hấp dẫn đầu tư
Để tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, nhằm khuyến khích và tạo thuận lợi phát triển doanh nghiệp nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã nông nghiệp; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn quốc, trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Chính sách chuyển đổi đất sang trồng cây cao su; chính sách phát triển vùng chè chất lượng cao; chính sách phát triển trồng quế; chính sách phát triển cây Sơn Tra …
Mới đây, tỉnh tiếp tục ban hành các Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND ngày 22 tháng 3 năm 2021 và Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22 tháng 3 năm 2021 về chính sách phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2025.
Chiều 8/4, tỉnh Lai Châu đã tổ chức Hội nghị triển khai các Nghị quyết về chính sách phát triển nông, lâm nghiệp. Hội nghị thu hút hơn 100 chủ thể OCOP, các doanh nghiệp và hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cùng lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương liên quan tham dự, trao đổi về giải pháp triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển rừng và nông nghiệp hàng hóa của tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch tỉnh Hà Trọng Hải, tỉnh mong muốn các đại biểu tham dự nắm bắt, đồng thuận để cùng hành động, thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Quan điểm của tỉnh là lấy phát triển nông nghiệp làm trọng tâm phát triển kinh tế, trong đó sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung là động lực để tái cơ cấu và thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bền vững; thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng.
“Với những kết quả đạt được chúng ta chưa bằng lòng bởi dư địa phát triển của ngành nông nghiệp còn rất lớn. Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn chậm, việc thu hút nguồn lực vào đầu tư phát triển nông nghiệp còn nhiều hạn chế; liên doanh liên kết và thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất hàng hoá chưa nhiều...”, ông Hà Trọng Hải nhấn mạnh.
Tỉnh Lai Châu xác định phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung phải lấy doanh nghiệp, hợp tác xã là trung tâm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, từ khi tách tỉnh đến nay tỉnh Lai Châu mới chỉ có 31 doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sản xuất chủ yếu xuất thô dẫn đến giá trị kinh tế và lợi nhuận thấp.
Theo ý kiến của các doanh nghiệp, HTX, với các chính sách của tỉnh hiện nay là rất kịp thời, nhất là trước tình hình khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Tuy vậy, các đơn vị cũng đặt các câu hỏi liên quan đến việc hướng dẫn các thủ tục, đơn vị tiếp nhận, lĩnh vực hỗ trợ cần hướng dẫn cụ thể; vấn đề hỗ trợ đào tạo lao động…
Ông Đào Ngọc Sơn, giám đốc HTX Quyết Thắng cho ý kiến, với các chính sách hỗ trợ hiện nay thì hồ sơ đăng ký theo hướng dẫn nào, gửi đến cơ quan nào, nguồn vốn hỗ trợ do cơ quan nào cấp? Về hỗ trợ sản phẩm OCOP, chính sách hỗ trợ cho các sản phẩm đã chứng nhận hay chỉ hỗ trợ các sản phẩm được chứng nhận mới; về hỗ trợ nhà màng, nhà lưới chính sách hỗ trợ cho cơ sở xây dựng mới hay cả cơ sở đã đầu tư trước đây…
Tại Hội nghị chiều 8/4, lãnh đạo các ngành Nông nghiệp, Ngân hàng, Tài nguyên và Môi trường đã trả lời và hướng dẫn chi tiết các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp, HTX.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng nhận định, tỉnh Lai Châu tập trung phát triển những cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh và xác định những sản phẩm đó phải sản xuất tập trung, hướng đến thị trường xuất khẩu. Trong đó, cái quan trọng nhất là phải hình thành chuỗi liên kết, chế biến sâu để gia tăng giá trị trong nông nghiệp.
Theo Chủ tịch tỉnh Lai Châu, Hội nghị này là một trong những giải pháp để tạo sự lan tỏa giúp người dân, doanh nghiệp, HTX kịp thời nắm bắt, mở rộng đầu tư, giúp chính sách đi vào cuộc sống tốt hơn. Tới đây UBND tỉnh sẽ phê duyệt đề án để triển khai thuận lợi hơn. Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải tổng hợp các ý kiến và phối hợp các ngành xem xét, giải đáp; cần tiến tới thành lập Hội sản xuất nông nghiệp hàng hóa nằm trong Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và cũng cần thành lập nhóm riêng để các doanh nghiệp, HTX cùng các ngành liên quan trường xuyên trao đổi và tháo gỡ khó khăn.
“Tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo các ngành hướng dẫn cụ thể những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, HTX. Quan trọng nhất là phân cấp cho các địa phương để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tổ hợp tác trong tiếp cận và thụ hưởng chính sách;quán triệt tới cả cấp xã để không để rơi rớt, trục lợi chính sách. Sau khi thụ hưởng chính sách rồi không có nghĩa chính sách sẽ lụi bại mà sẽ lan tỏa để mở rộng các mô hình khác”, ông Trần Tiến Dũng cho biết.
Trong thời gian tới, tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hàng hoá; tăng cường các hoạt động tín dụng cho vay nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên nguồn vốn cho vay các dự án sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo lao động kỹ thuật phục vụ chế biến…Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư vào nông nghiệp nhằm quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương với các doanh nghiệp, các chuỗi tiêu thụ sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Nâng cao tiềm lực công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp
18:05, 30/03/2021
Thanh niên 9X thu tiền tỷ từ mô hình nông nghiệp sạch
05:36, 26/03/2021
Cấp phép xây dựng công trình phục vụ nông nghiệp trên đất nông nghiệp
17:28, 25/03/2021
Thi công đập thủy lợi, nhà thầu đổ đất thải “bức tử” suối Khoàng Khọ ở Lai Châu
12:55, 03/04/2021