Kinh tế thuận thiên Đồng bằng sông Cửu Long (Kỳ I): Biến “nguy” thành “cơ”
Nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển thuận thiên ở ĐBSCL không có nghĩa là cam chịu, buông xuôi trước tình trạng biến đổi khí hậu, mà cần nhận thức đúng để biến “nguy” thành “cơ”.
Hiện tượng thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao… đang đặt ra nhiều thách thức cho người dân trong khu vực nói chung, và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng.
Khó khăn chồng chất
ĐBSCL đang đối mặt với tình trạng thiếu nước do nước nội sinh chỉ 5%, trong khi 95% lượng nước từ bên ngoài chảy vào chủ yếu qua sông Mê Kông, nhưng trên sông đã có 140 đập thủy điện ngăn dòng. Trong khi đó, mực nước ngầm do khai thác quá mức đã làm sụt giảm 0,2- 0,4 m/năm; rừng, hải sản bị khai thác quá mức nên rơi vào tình trạng báo động cạn kiệt.
Trong sản xuất nông nghiệp cũng bộc lộ nhiều yếu kém khi chú trọng quá mức vào trồng lúa; cây ăn quả phát triển nhưng giá trị đầu ra chưa cao; thủy sản nuôi trồng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; hạ tầng phục vụ cho sản xuất chậm được đầu tư…
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý- Đại học Fulbright, để nâng cao giá trị nông sản thì đòi hỏi phải phát triển theo chuỗi. Nòng cốt mô hình nông nghiệp theo chuỗi là doanh nghiệp, tuy nhiên đa phần doanh nghiệp ở ĐBSCL là doanh nghiệp nhỏ. Thách thức kinh tế càng trở nên bức xúc khi ĐBSCL tụt hậu ngày càng xa so với vùng Đông Nam Bộ.
“Định hướng chiến lược phát triển của ĐBSCL một mặt phụ thuộc vào năng lực nuôi dưỡng các nguồn tài nguyên, mặt khác phụ thuộc vào nỗ lực xây dựng những động lực phát triển mới cho vùng. ĐBSCL đang cần mô hình phát triển mới thích nghi và quản lý được các rủi ro từ môi trường, đồng thời cần có tư duy và cách tiếp cận mới đối với bài toán phát triển”, TS. Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.
Hóa giải thách thức
Chứng kiến hạn mặn bất thường khiến nhiều nông hộ bị thất bát mùa màng, TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan (Trà Vinh) trăn trở và bắt tay nghiên cứu các phao quan trắc tự động đặt tại vùng tranh chấp mặn- ngọt để đo độ mặn, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây RYLAN Technologies truyền thông tin về phục vụ miễn phí cho bà con nông dân.
Không dừng lại ở đó, TS. Nguyễn Thanh Mỹ còn nghiên cứu sản xuất phân bón thông minh. “Với việc sử dụng phân bón thông thường thì khi bón vào đất, phân dễ bị bốc hơi, cây trồng chỉ tiếp nhận được khoảng 50% lượng phân bón. Phân bón thông minh sẽ khắc phục được điều này”, TS. Nguyễn Thanh Mỹ cho biết.
Bên cạnh đó, bà Trương Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn cho rằng, để vực dậy vùng ĐBSCL, việc đầu tư hạ tầng phải đi trước một bước, vấn đề này đã được doanh nghiệp kiến nghị rất nhiều nhưng đến nay tiến độ thực hiện rất chậm.
Được biết, tổng số vốn ngân sách Nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của Vùng ĐBSCL khoảng 388.000 tỷ đồng, tăng 20% so với giai đoạn trước. Với số vốn này, ĐBSCL sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm, thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, góp phần hóa giải nút thắt liên kết vùng.
Ngoài ra, ĐBSCL có mức độ dân số già hóa cao hơn bình quân cả nước nên dễ bị tổn thương về mặt kinh tế xã hội lẫn môi trường. Do đó, ĐBSCL cần có chính sách chủ động cho vấn đề dân số già hóa và hình thành mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn để nâng đỡ phúc lợi cho người già và người yếu thế...
Kỳ 2: Lối thoát từ kinh tế tuần hoàn