Đưa Bình Dương thành trung tâm công nghiệp hiện đại
Bình Dương sẽ tiếp tục tháo gỡ những “điểm nghẽn”, khơi thông mọi nguồn lực, đưa Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Thao - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, Bình Dương sẽ tiếp tục tháo gỡ những “điểm nghẽn” cản trở quá trình phát triển, khơi thông mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế đưa Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.
- Thưa ông, trong bảng xếp hạng PCI 2020 vừa được công bố, Bình Dương đã vượt 9 bậc từ hạng 13 (năm 2019) vươn lên xếp thứ tư, thuộc nhóm “Rất tốt”. Theo ông, đâu là điểm nhấn trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI của Bình Dương?
Thời gian qua, Bình Dương đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch về cải thiện môi trường đầu tư, đem lại kết
quả nổi bật, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư và tạo niềm tin với doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi trong những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh Bình Dương xác định rõ cải cách thủ tục hành chính là một khâu quan trọng, cần sự đột phá bên cạnh vấn đề hạ tầng, đất đai, điện, nước. Với phương châm "chăm sóc tốt một nhà đầu tư sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư mới", lãnh đạo tỉnh Bình Dương quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và các loại thủ tục khác nhằm thu hút đầu tư theo hướng công khai, nhanh chóng, minh bạch nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp. Tư duy đổi mới như vậy đã tạo môi trường đầu tư hấp dẫn doanh nghiệp tiếp tục đến với Bình Dương.
Tỉnh đã xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp nhằm tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Định kỳ lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành cũng gặp gỡ và đối thoại với các Hiệp hội ngành hàng trong nước, ngoài nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để lắng nghe ý kiến đề xuất, tâm tư nguyện vọng nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định và hiệu quả…
Những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh không chỉ là việc nâng thứ hạng PCI mà còn để Bình Dương luôn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư. Chính vì vậy, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Dương tỉnh Bình Dương đã thu hút gần 12 tỷ USD vốn FDI và thu hút vốn đầu tư trong nước được gần 253 nghìn tỷ đồng. Kết quả này nâng nguồn vốn FDI tại tỉnh hiện nay lên hơn 3.960 dự án với tổng vốn đầu tư 35,86 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.
- Công tác cải cách hành chính đã trở thành điểm sáng của Bình Dương trong cải thiện môi trường đầu tư của Bình Dương thời gian qua, vậy ông có thể cho biết, điểm đột phá trong công tác này trên địa bàn tỉnh?
Công tác cải cách hành chính được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh thường xuyên quan tâm và chỉ đạo sâu sát. Các cấp, các ngành luôn xem cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong quản lý, điều hành; công tác triển khai, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch của Trung ương và địa phương luôn được đặt lên hàng đầu.
Điểm nổi bật trong cải cách hành chính giai đoạn vừa qua của tỉnh là việc xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh, hướng đến xây dựng một nền hành chính tập trung, thống nhất, thông suốt, minh bạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Hiện nay, Trung tâm Hành chính công tỉnh đang thực hiện giải quyết trên 1.500 thủ tục hành chính cấp tỉnh. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt 99,4%. Việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan cấp tỉnh theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được quản lý tập trung, thống nhất tại Trung tâm đã giúp tiết kiệm về thời gian, kinh phí, đảm bảo tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân và doanh nghiệp.
Giai đoạn 2021-2025, Bình Dương đã đặt ra các chỉ tiêu: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,5 - 8,7%/năm. Cơ cấu kinh tế với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 8,7%/năm.
Bên cạnh việc thành lập Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.Thủ Dầu Một, Bộ phận một cửa hiện đại cấp huyện, như: TP.Thuận An, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát… đã có những giải pháp, cách làm hay, sáng tạo được người dân, doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.
Cùng với đó, tỉnh còn thực hiện có hiệu quả thí điểm liên thông thủ tục hành chính cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh; cấp chứng chỉ hành nghề dược; cấp phiếu lý lịch tư pháp hay thí điểm tiếp nhận hồ sơ tại nhà, tại doanh nghiệp đối với một số thủ tục hành chính thông qua dịch vụ Bưu chính công ích.
Hay Đề án thí điểm thành lập Hệ thống đường dây nóng 1022 để tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; thành lập Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương….
- Thưa ông, cơ sở hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông cũng là yếu tố quan trọng thu hút các nhà đầu tư đến với địa phương. Với Bình Dương vấn, đề này được tỉnh giải quyết như thế nào?
Để thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh, Bình Dương đã và đang tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, đa dạng hóa nguồn lực và phương thức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình hướng ngoại quan trọng. Đồng thời Bình Dương còn tập trung xây dựng các trục giao thông nội bộ kết nối các khu vực trong tỉnh, góp phần tạo động lực phát triển.
Cụ thể, trong thời gian tới Bình Dương sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh thành trong khu vực có giải pháp và phương thức để sớm triển khai đầu tư đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương để kết nối giao thông trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bình Dương cũng sẽ sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng đối với các dự án như tuyến đường đường Mỹ Phước – Tân Vạn, Quốc lộ 13... nhằm kết nối và vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh phía bắc với Bình Dương tới các cảng biển, sân bay... và một số tuyến đường khác như đường tỉnh 743 (đoạn cũ) từ miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần; đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng...
Song song với việc chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, Bình Dương cũng hết sức quan tâm đến phát triển hệ thống giao thông đường sắt. Hiện toàn tỉnh đã và đang triển khai 29 khu công nghiệp với diện tích 12.670 ha và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 790 ha. Để đáp ứng nhu cầu đi lại, đặc biệt là nhu cầu vận chuyển hàng hóa, Bình Dương cũng đã kiến nghị ngành đường sắt quan tâm đầu tư các tuyến đường sắt liên vùng. Hiện nay, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang triển khai thi công và sẽ được nối dài đến Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kết nối các đô thị giữa TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương.
- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước. Để thực hiện mục tiêu này, Bình Dương sẽ tập trung vào những giải pháp gì thưa ông?
Từ việc định vị lại chính mình, nhìn nhận những tiềm năng, lợi thế cùng những điểm “nghẽn” trong quá trình phát triển, tỉnh Bình Dương sẽ từng bước tháo gỡ những nút thắt một cách tổng thể và bài bản để có bước tiến nhanh, mạnh, bền vững hơn.
Cụ thể, tỉnh Bình Dương tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; bổ sung, hoàn thiện quy hoạch, đẩy mạnh công tác xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư phát triển các ngành nghề công nghiệp công nghệ cao. Tỉnh sẽ ưu tiên thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, ưu tiên các dự án sản xuất công nghệ cao, các nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, các dự án có giá trị gia tăng cao, ít nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và khả năng đóng góp lớn cho ngân sách.
Để tạo nền tảng phát triển vững chắc, Bình Dương tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; Khuyến khích các dự án đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, các loại hình phân phối hiện đại; đồng thời thực hiện cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng ưu tiên các dịch vụ có lợi thế, giá trị gia tăng cao, các ngành dịch vụ y tế và giáo dục, tài chính, ngân hàng, logistics...
Tỉnh cũng tập trung nghiên cứu, tham mưu đề xuất với các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, giao thông, nhất là các công trình giao thông đối ngoại quan trọng trong tỉnh theo hướng đồng bộ liên hoàn, ưu tiên kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh với các đường huyện, với hệ thống giao thông quốc gia và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ giữa cải tạo đô thị hiện hữu, xây dựng đô thị mới và thực hiện chiến lược phát triển đô thị thông minh, với các nguồn vốn và hình thức đầu tư đa dạng, góp phần cải thiện bộ mặt đô thị chung của tỉnh.
Bình Dương cũng tập trung triển khai Đề án Thành phố thông minh trên cơ sở nghiên cứu mô hình đột phá của các thành phố thông minh trên thế giới đã thành công, tạo ra một cơ chế hợp tác chặt chẽ và năng động giữa nhiều thành phần trong địa phương như các doanh nghiệp, chính quyền, người dân để phát huy được sức mạnh tập thể và sự sáng tạo của cả cộng đồng.
- Xin trân trọng cảm ơn ông.
Có thể bạn quan tâm
Chỉ số PCI năm 2020: Bình Dương tăng 9 bậc, thuộc nhóm “Rất tốt”
13:34, 15/04/2021
Khu công nghiệp Tân Bình – Bình Dương: Phấn đấu trở thành Khu công nghiệp xanh bền vững
16:12, 09/12/2020
Tuyến đường kết nối Bến xe Miền Đông mới “hâm nóng” thị trường Bình Dương
06:15, 24/11/2020
Bình Dương thu hút mạnh dòng vốn FDI từ Nhật Bản
11:00, 04/11/2020