Du lịch xanh ở Ninh Bình

KIM OANH - HOÀI ANH 25/06/2021 21:31

Nhờ những tiềm năng sẵn có, những năm qua, du lịch xanh tại Ninh Bình đang phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, phát triển du lịch xanh gặp không ít thách thức.

 Tỉnh Ninh Bình xác định du lịch xanh sẽ là hướng đi tất yếu của ngành công nghiệp không khói

Tỉnh Ninh Bình xác định du lịch xanh sẽ là hướng đi tất yếu của ngành công nghiệp không khói

Nằm cách Thủ đô Hà Nội khoảng 90km về phía nam, Ninh Bình là tỉnh cực nam của đồng bằng Bắc Bộ, có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy thuận tiện. Đồng thời, vùng đất này có nguồn tài nguyên du lịch hết sức đa dạng và phong phú.

Tài nguyên du lịch bị tàn phá

Trong những năm qua, ngành Du lịch Ninh Bình đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thế nhưng, sự tăng trưởng nóng của ngành du lịch đã gây sức ép lên môi trường.

Tình trạng rác thải gây mất mỹ quan tại nhiều địa điểm, khu du lịch như Tam Cốc, Bích Động đang diễn ra hàng ngày. Đường vào khu đền Thái Vi, nơi thờ cúng của các vị vua Nhà Trần, trở thành nơi tập kết rác thải của khu Văn Lâm khiến mùi hôi thối nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra sẽ gây ảnh hưởng không đẹp đến khách du lịch cũng như ngành du lịch.

Tỉnh Ninh Bình xác định du lịch xanh là giải pháp hàng đầu nhằm đảm bảo cho sự hài hòa giữa hai yếu tố phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường.

Hay người dân từng chứng kiến cảnh di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An là vùng cấm, được bảo vệ nghiêm ngặt, thế nhưng hàng trăm tấn bê tông cốt thép vẫn dễ dàng được vận chuyển vào vùng lõi để xây dựng công trình “khủng”. Cả một di sản bị phá vỡ, xâm hại nghiêm trọng khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Bên cạnh đó, ngày càng nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xây dựng trên trong các khu du lịch nhưng chưa quan tâm đầu tư hệ thống nước thải chưa qua xử lý, xả trực tiếp vào môi trường gây ô nhiễm.

Xu thế tất yếu

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Ninh Bình Phạm Thị Hoài khẳng định, phát triển du lịch xanh đã trở thành một nguyên tắc, một xu thế chung không chỉ của Việt Nam mà còn là sự lựa chọn của nhiều quốc gia trên Thế Giới.

Du lịch xanh được hiểu là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, hạn chế những tác động xấu tới môi trường như xả khói, xả thải, tàn phá động thực vật,… khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên văn hóa, các sản phẩm thân thiện với môi trường. Không chỉ mang ý nghĩa với thiên nhiên mà nó còn mang lại nguồn lợi kinh tế vô cùng to lớn, nâng cao cơ hội việc làm cho những người dân ở vùng núi, vùng sâu vùng xa nơi khó khăn nhưng lại có bề dày văn hóa và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ.

Từ năm 2009, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ra Nghị quyết số 15 về việc phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tỉnh đã xây dựng quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết các khu du lịch, xây dựng, phát triển hạ tầng du lịch và các sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng. Công tác quản lý Nhà nước được tăng cường với cơ chế quản lý và mô hình quản lý các khu du lịch lớn như: Tam Cốc - Bích Động, cố đô Hoa Lư, Tràng An, Vân Long… Xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn, xử lý rác thải trên mặt đất, mặt nước tại các khu, điểm du lịch cũng như các quy chế bảo vệ tài nguyên rừng, hệ thống núi đá vôi, hang động nhũ đá, các loại động vật hoang dã.

Kể từ năm 2010 đến nay, mỗi năm, tỉnh Ninh Bình đã cấp hàng nghìn tỷ đồng cho các đơn vị liên quan để triển khai các hoạt động phục vụ phát triển du lịch. Riêng năm 2021, UBND tỉnh Ninh Bình đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các điểm du lịch.

KIM OANH - HOÀI ANH