Bến Tre: Phát triển giao thông liên vùng

THUỲ LINH 26/06/2021 08:50

Bến Tre muốn chủ động tạo một vị thế trong liên kết vùng, kết nối Bến Tre với TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL một cách nhanh nhất và thuận tiện nhất.

Để xây dựng Bến Tre thành tỉnh phát triển khá của khu vực ĐBSCL vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030, Bến Tre đang tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ.

 Bến Tre sẽ xây thêm cầu Rạch Miễu 2, nối Bến Tre với Tiền Giang và vùng TP Hồ Chí Minh.

Bến Tre sẽ xây thêm cầu Rạch Miễu 2, nối Bến Tre với Tiền Giang và vùng TP Hồ Chí Minh.

Bến Tre muốn chủ động tạo một vị thế trong liên kết vùng, kết nối Bến Tre với TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL một cách nhanh nhất và thuận tiện nhất.

Đồng bộ hạ tầng giao thông

Giai đoạn 2016-2020, Bến Tre đã huy động được khoảng 82.941 tỷ đồng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tăng gần 1,43 lần so với giai đoạn trước. Nguồn vốn này đã góp phần đầu tư ngày càng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, đã tạo động lực và hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Ông Cao Minh Đức, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bến Tre cho biết, đến nay hạ tầng giao thông tỉnh Bến Tre được đầu tư khá đồng bộ, với nhiều công trình trọng yếu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện từng bước được hoàn chỉnh và bảo đảm kết nối gữa các đô thị, trung tâm thương mại - dịch vụ, các khu/cụm công nghiệp, vùng và khu vực sản xuất nông nghiệp, các đầu mối giao thông của địa phương. Hệ thống đường giao thông nông thôn cũng góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và người dân.

Theo ông Đức, kết nối với vùng TP. Hồ Chí Minh vẫn là ưu tiên hàng đầu trong liên kết vùng của tỉnh. Để thực hiện điều đó, trong tính toán của tỉnh, có 2 phương án song song: Một là giải quyết vấn đề quá tải của cầu Rạch Miễu bằng việc có thêm cầu Rạch Miễu 2, với phương án này khi cầu Đại Ngãi (Trà Vinh - Sóc Trăng) hoàn thành, tuyến quốc lộ (QL) 60 sẽ nối liền mạch với các tỉnh phía Nam: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Thứ hai là thiết lập một trục giao thông mới ven biển đi từ Bình Đại đến TP. Hồ Chí Minh.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre dự kiến được khởi công trong quý IV/2021 và hoàn thành trong năm 2025. 

Báo cáo giai đoạn 1 Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra những con số tính toán ban đầu. Theo đó, cầu Rạch Miễu 2 có chiều dài vượt sông 1,9km, 4 làn xe, chi phí khoảng 5.200 tỷ đồng. Tuyến đường ven biển kết nối giữa Bến Tre với tỉnh Tiền Giang, chiều dài toàn tuyến khoảng 53km, chi phí đầu tư giai đoạn 1 (2 làn xe) khoảng 9.500 tỷ đồng…

Phát triển theo hướng liên kết vùng

Bến Tre xác định, để phấn đấu xây dựng Bến Tre thành tỉnh phát triển khá của khu vực vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030, việc tiếp tục tập trung huy động nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ phải được triển khai thực hiện toàn diện. Trong đó tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công để triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm; kết hợp với đẩy mạnh huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để đầu tư kết cấu hạ tầng, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối theo định hướng phát triển tỉnh Bến Tre về hướng Đông, nhằm tạo động lực phát triển mới.

Cùng với việc tập trung huy động, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông theo các chương trình/kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, tỉnh cũng tập trung xây dựng Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch xây dựng, Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện, làm cơ sở huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng. Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng trong công tác lập quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án liên kết vùng, các dự án do các Bộ, ngành quản lý, đặc biệt là sớm đầu tư dự án cầu Rạch Miễu 2, đường Bắc - Nam ven biển, cầu Đình Khao... nhằm tạo sự kết nối và liên kết vùng để phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết 120/CP.
Bến Tre cũng tập trung rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút và khuyến khích phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh; trong đó chú trọng khai thác các tiềm năng lợi thế của tỉnh như hệ thống sông Mê Kông kết nối với các địa phương, hệ thống giao thông thủy, xây dựng cảng sông, cảng biển, cảng trung chuyển...

Ông Cao Minh Đức cho rằng, để các phương án xây dựng cơ sở hạ tầng của tỉnh khả thi thì không chỉ thực hiện mỗi đoạn ở Bến Tre mà cần phải đặt nó trong quy hoạch vùng. Do đó, tầm nhìn về hạ tầng giao thông của tỉnh cần phù hợp với quy hoạch giao thông vùng ĐBSCL, thậm chí với Chiến lược phát triển giao thông quốc gia.

Có thể bạn quan tâm

  • Bến Tre: Đột phá phát triển về hướng Đông

    Bến Tre: Đột phá phát triển về hướng Đông

    08:11, 13/05/2021

  • Bến Tre: Định hướng phát triển kinh tế hướng đông

    Bến Tre: Định hướng phát triển kinh tế hướng đông

    01:23, 15/02/2021

  • Bến Tre: Xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương gắn với khoa học công nghệ

    Bến Tre: Xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương gắn với khoa học công nghệ

    01:10, 25/12/2020

THUỲ LINH