Tây Ninh nỗ lực cải thiện các chỉ số hành chính
Tây Ninh tiếp tục duy trì, cải thiện, nâng cao điểm số và vị trí xếp hạng đối với các chỉ số phản ánh nền hành chính của tỉnh.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Ngọc – Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh với DĐDN.
- Ông nhìn nhận thế nào về các chỉ số phản ánh nền hành chính của tỉnh Tây Ninh thời gian qua?
Giai đoạn 2016 - 2020, các chỉ số phản ánh nền hành chính của tỉnh Tây Ninh đã đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Cụ thể, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) có tăng nhưng tăng chậm, trong khi các tỉnh thành khác tăng điểm nhanh hơn mức tăng của Tây Ninh nên tỉnh bị giảm thứ hạng.
Chẳng hạn, Chỉ số PCI năm 2020 của tỉnh xếp hạng thứ 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. So với năm 2016, mặc dù về điểm số có tăng (4.03 điểm) nhưng đã giảm 4 bậc so với năm 2016.
Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) có tăng (năm 2020 so với năm 2016 tăng 13,29 điểm; thứ hạng tăng từ 44 lên 27/63 tỉnh, thành). Đối với chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), tỷ lệ hài lòng của người dân, tổ chức đối với các cấp chính quyền tỉnh thể hiện qua chỉ số SIPAS của tỉnh có tăng (tăng 2,14%) nhưng mức tăng chậm. Do vậy, dù đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ X của tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra nhưng chỉ số này vẫn thấp hơn mức trung bình của cả nước.
6 tháng đầu năm, Tây Ninh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 403 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 4.418 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 26,7% về số doanh nghiệp và tăng 50,9% về vốn đăng ký.
- Để cải thiện các chỉ số này, Tây Ninh đã đưa ra các giải pháp gì thưa ông?
Nhằm duy trì, cải thiện, nâng cao điểm số và vị trí xếp hạng đối với các chỉ số phản ánh nền hành chính của tỉnh, UBND tỉnh vừa ban hành Đề án Cải thiện điểm số và nâng cao vị trí xếp hạng đối với các Chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS và ICT INDEX trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, đến năm 2025, phấn đấu chỉ số PCI thuộc nhóm Tốt; chỉ số PAPI thuộc nhóm “Trung bình cao”; chỉ số PAR INDEX thuộc nhóm 30 tỉnh dẫn đầu về chỉ số CCHC. Đối với chỉ số SIPAS, mức độ hài lòng của người dân và tổ chức cao hơn mức trung bình cả nước. Chỉ số ICT INDEX thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Để đạt mục tiêu nêu trên, Tây Ninh tập trung cải thiện các lĩnh vực trong nhóm đạt điểm thấp nhất; nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tư pháp, bảo hiểm y tế; dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục, cung cấp điện, nước, giải quyết việc làm, an ninh trật tự, khiếu nại, tố cáo.
Đặc biệt, để cải thiện chỉ số PCI, Tây Ninh sẽ tập trung khắc phục các tiêu chí bị giảm điểm những năm gần đây như: Chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, như: rút ngắn thực chất thời gian giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp; số ngày chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công khai minh bạch thông tin mời thầu; cung cấp đầy đủ, nhanh chóng các thông tin cho doanh nghiệp khi có yêu cầu…
- Dịch bệnh COVID – 19 đang có diễn biến phức tạp, Tây Ninh đã và sẽ làm gì để đạt mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế?
Thời gian qua, Tây Ninh thực hiện nghiêm túc quan điểm "chống dịch như chống giặc" của Trung ương, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, luôn chủ động, linh hoạt trong công tác phòng, chống dịch với phương châm 4 tại chỗ.
Tỉnh còn huy động cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống COVID-19 nhằm thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Trong 6 tháng đầu năm 2021, hầu hết các chỉ tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch, tăng so cùng kỳ. Kinh tế duy trì tăng trưởng GRDP tăng 7%, xuất khẩu tăng 67% so cùng kỳ, thu ngân sách đạt 54% dự toán.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, để chủ động nắm tình hình trong công tác phòng, chống dịch, hạn chế tối đa người lao động bị lây nhiễm, giảm thiểu sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Tây Ninh đã thiết lập hệ thống giám sát người từ các tỉnh, thành vào tỉnh thông qua hệ thống Zalo “Ban BCĐ phòng chống dịch COVID-19 Tây Ninh” để tích hợp vừa khai báo y tế vừa cập nhật thông tin đăng ký nơi đến với các thông tin chi tiết để Tổ y tế cộng đồng tại các địa phương quản lý, kiểm soát và hướng dẫn các biện pháp phòng dịch phù hợp.
Trên toàn tuyến biên giới tiếp giáp Campuchia, tỉnh thành lập thêm 159 tổ chốt kiểm soát dịch gồm: Biên phòng, Công an, Quân sự, các tổ cơ động duy trì 100% quân số trực 24/24. Toàn tỉnh hiện có 5 khu công nghiệp và 2 khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát với 130.538 lao động trong nước và 3.155 lao động nước ngoài. Để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tỉnh tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch, đồng thời kiểm tra giám sát chặt chẽ và có các kịch bản ứng phó khi có ca nhiễm tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, doanh nghiệp.
- Xin trân trọng cảm ơn ông.
Có thể bạn quan tâm