Khẩn cấp chuỗi cung ứng hậu cần cho TP.HCM
TP. Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu. Và để chống dịch trước mắt lẫn dài lâu, nút thắt này phải lập tức được tháo gỡ.
Từ khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính đã xảy ra những thách thức không nhỏ trong hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố.
Mua hàng quá khó
Trước ngày áp Chỉ thị 16/CT-TTg, Sở Công Thương TP. HCM đã công bố gần 300 điểm bán hàng thiết yếu. Hàng loạt chuỗi cửa hàng thực phẩm 0 đồng kể từ ngày 9/7 đến nay cũng đã được mở ra để cung cấp lương thực cho người dân TP.HCM. Nhưng không thể phủ nhận ở rất nhiều điểm, người dân không tiếp cận hoặc dễ dàng tiếp cận được hàng hóa.
Dậy từ 4h sáng xếp hàng chờ tới lượt vào các siêu thị trên đường Phan Văn Hân, Phường 17, quận Bình Thạnh trong ngày 14/7, một người dân cho biết sau 3 tiếng vào được siêu thị, thì rau củ quả thịt trứng đều đã hết… Dãy người dân xếp hàng ở sát vỉa hè chờ tới lượt vẫn rất dài dưới trời nắng phía bên ngoài.
Trong khi đó, biết sử dụng app đi chợ mua hàng, chị Hoài, một nhân viên văn phòng cho biết có đơn đặt hàng ở VinMart đã 3 ngày chưa có điện thoại gọi xác nhận và vẫn ở tình trạng “đang lấy hàng” dù đã thanh toán. Chị vào đặt Lotte, sau khi đặt được hàng thì ứng dụng thông báo sẽ chỉ nhận đơn từ 22/7 tới. Còn Website Annam Gourmet không truy cập được…
Giải pháp tháo gỡ những vướng mắc
Đại diện một doanh nghiệp bán sỉ cho biết: “Không phải không có hàng mà tài xế phải xét nghiệm âm tính có chứng nhận trong 3 ngày, mỗi xét nghiệm khoảng 700.000đ, khiến ngoài rủi ro vận chuyển, giá hàng tăng mạnh, hàng chậm vào siêu thị...
Cũng theo vị này, dù có mạng lưới rộng, các siêu thị lớn, siêu thị mini bán hàng hiện đại ước chỉ cung cấp khoảng 30-40% nhu cầu trên địa bàn. Phần còn lại trước nay vẫn phụ thuộc vào kênh chợ truyền thống, cả chợ lớn, tự phát, bán hàng thực phẩm lưu động. Do đó kể cả đủ hàng, các siêu thị cũng…đuối.
Ở cấp vận chuyển hàng hóa vận tải công nghệ, trước khi TP.HCM cho phép người dân đi lại mà không cần cung cấp giấy xét nghiệm, ngay từ ngày 10/7, nhiều phường trong các quận cũng ra văn bản hạn chế đi lại, yêu cầu giao hàng phải có giấy chứng nhận siêu thị, khiến các hộ kinh doanh cũng không thể thông hàng cho các nhà giao hàng dạng Grab.
Trong khi đó, nhiều hộ nông dân, sản xuất cung ứng thực phẩm cho các chợ truyền thống, muốn vào siêu thị cũng không được đưa hàng vào siêu thị, vì các loại giấy phức tạp. Đây là những nút thắt cần tháo gỡ để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thành phố.
Một chuyên gia cho rằng, trước mắt TP.HCM cần đẩy mạnh phối hợp với các địa phương khu vực phía Nam thống nhất cơ chế chính sách vận hành đồng bộ chuỗi cung ứng hàng hóa trong khu vực. Đồng thời, thành phố thúc đẩy liên kết ngành, địa phương hiệu quả hơn để tháo gỡ điểm nghẽn trong lưu thông hàng hóa, nhất là phương tiện vận chuyển lương thực, thực phẩm được di chuyển xuyên suốt qua các địa phương trên cơ sở chỉ đạo và hướng dẫn của các bộ, ngành.
Hơn lúc nào, đây là thời điểm thử thách năng lực quản lý, vận hành chuỗi cung ứng của đô thị có 13 triệu dân. Việt Nam từng xác định sẽ trở thành bếp ăn của toàn cầu. Nhưng trong đại dịch, nếu bếp ăn cho 13 triệu dân không đỏ lửa, nếu hậu cần địa phương cho chống dịch, đảm bảo cung cầu thiết yếu không vững chắc đến mọi nhà như cam kết của lãnh đạo TP.HCM, thì sức mạnh đồng lòng chống dịch sẽ bị sứt mẻ.
Có thể bạn quan tâm