Quảng Ninh: Dọn khu công nghiệp đón nhà đầu tư
Bằng nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, Quảng Ninh đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến với địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế, tạo động lực tăng trưởng mới cho tỉnh.
Một trong những định hướng phát triển kinh tế giai đoạn 2020 - 2025 là Quảng Ninh xác định sẽ cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông tin, với giá trị gia tăng lớn làm đột phá.
Công nghiệp - động lực tăng trưởng kinh tế
Đối với 11 khu công nghiệp, hiện đã có 6 khu công nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, được chủ đầu tư thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho nhà đầu tư thứ cấp thuê để phát triển sản xuất, kinh doanh; 3 khu công nghiệp đang hoàn thiện thủ tục pháp lý sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và triển khai công tác giải phóng mặt bằng, thi công hạ tầng kỹ thuật; 1 khu công nghiệp đang báo cáo điều chỉnh địa điểm mới thay thế địa điểm cũ vì nằm trong điều chỉnh quy hoạch phía Nam Hoành Bồ.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 11 khu công nghiệp, 4 khu kinh tế được quy hoạch, phân bố ở 11/13 huyện, tổng diện tích trên 368.000 ha, chiếm trên 30% diện tích tự nhiên của tỉnh.
Để bảo đảm lộ trình phát triển các khu công nghiệp, các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đã bỏ ra khoảng 27.350 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, điện, cấp thoát nước, cây xanh, xử lý nước thải. Điển hình như Khu công nghiệp Cái Lân, đến nay chủ đầu tư đã bỏ ra trên 437 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật; Khu công nghiệp Hải Yên, chủ đầu tư bỏ ra 258 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật; Khu công nghiệp Việt Hưng giai đoạn 1, chủ đầu tư bỏ ra 240 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật…, từng bước đáp ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư thứ cấp.
Theo Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Tuấn, ngoài các khu công nghiệp đã có nhà đầu tư thứ cấp, hiện một số khu công nghiệp của tỉnh đang tiếp tục được đầu tư xây dựng hạ tầng, như Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà, Khu công nghiệp - Dịch vụ Đầm Nhà Mạc, Khu công nghiệp Sông Khoai. Đặc biệt, tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục, báo cáo Chính phủ đầu tư giai đoạn II Khu công nghiệp Việt Hưng của Công ty cổ phần khu công nghiệp tổ hợp công nghệ Thành Công Việt Hưng. Đây là khu công nghiệp chuyên sâu về cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ, sẽ thu hút lượng lớn nhà đầu tư thứ cấp trong tương lai gần. Về các khu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, đến nay có khoảng 100.000 tỷ đồng được tỉnh huy động đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, có tính lan tỏa, chiến lược và tạo động lực phát triển cho các khu kinh tế. Riêng đối với Khu kinh tế Vân Đồn, hiện có trên 57.600 tỷ đồng được đầu tư kết cấu hạ tầng, các công trình động lực phục vụ phát triển Khu kinh tế; trong đó có 70% vốn xã hội hóa, 30% vốn nhà nước.
“Sếu lớn” đang về Quảng Ninh
Theo đánh giá của Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, trong thời gian qua, các khu công nghiệp và khu kinh tế đã thể hiện rõ vai trò đối với việc đảm bảo mục tiêu khu vực dịch vụ và thuế, sản phẩm; góp phần giữ vững được sự ổn định và phát triển chung của Quảng Ninh. Cùng với Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư và Ban Quản lý khu kinh tế Vân Đồn, thì Ban Quản lý Khu kinh tế đã tạo thế “kiềng ba chân” vững chắc, đóng vai trò rất quan trọng trong cải thiên môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nguồn lực cũng như cải cách hành chính để Quảng Ninh ngày càng trở thành địa bàn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp – nhà đầu tư, ông Bruno Jaspaert – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Bắc Tiền phong, Quảng Ninh có cơ hội để phát triển các cụm công nghiệp, khu công nghiệp chuyên biệt, thúc đẩy các sáng kiến về phát triển xanh, tận dụng các lợi thế cảnh quan để phát triển bền vững, làm cho Quảng Ninh khác biệt so với các địa phương khác.
Ở một góc độ khác, ông Koen Soenens – Giám đốc kinh doanh và marketing Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng nhận định: “Dưới góc nhìn của chúng tôi, Quảng Ninh là khu vực có một số yếu tố độc đáo duy nhất để trở thành địa điểm đầu tư tiếp theo của chúng tôi tại Việt Nam”. Hiện DEEP C đã thực hiện đầu tư 2 khu công nghiệp tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh (Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong và Khu công nghiệp Tiền Phong, tức DEEP C Quảng Ninh) với tổng quy mô 1.680 ha. Trong kế hoạch triển khai đầu tư của mình, một khu nhà xưởng rộng 180.000 m2 tại DEEP C Quảng Ninh đang được xây dựng và sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2021. “DEEP C Quảng Ninh tiếp giáp với hệ thống cao tốc thẳng tới biên giới với Trung Quốc, có sân bay quốc tế, lại gần cảng biển quốc tế Lạch Huyện. Từ góc độ của chúng tôi, nếu xóa bỏ ranh giới giữa 2 địa phương là Hải Phòng và Quảng Ninh thì DEEP C Quảng Ninh cũng ở vị trí tương tự như DEEPC Hải Phòng, phù hợp để chúng tôi xây dựng một hệ sinh thái khu công nghiệp gắn với cảng biển”, ông Koen Soenens nhận định.
Được biết, Quảng Ninh cũng đang lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện đầu tư hạ tầng KCN Hồng Thái Đông 150 ha (thị xã Đông Triều), KCN phụ trợ ngành than 400 ha (TP. Cẩm Phả), KCN Tiên Yên 150 ha (Tiên Yên), KCN Y dược công nghệ cao 1.000 ha và KCN cao 800 ha tại Khu kinh tế Vân Đồn. Dự kiến hết năm 2021, các KCN, KKT thuộc địa bàn quản lý của Ban sẽ thu hút thêm từ 400 - 500 triệu USD. Trong đó, thu hút mới từ 10 - 12 dự án, với tổng vốn đạt 350 - 450 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn cho 5 - 6 lượt dự án FDI với tổng vốn đầu tư tăng thêm khoảng 50 triệu USD. “Các dự án thu hút mới sẽ tập trung chủ yếu trong lĩnh vực chế biến, chế tạo và dịch vụ cảng biển theo như định hướng thu hút đầu tư của tỉnh”, ông Tuấn chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm