Điện Biên nỗ lực cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai

NGUYÊN VŨ thực hiện 01/09/2021 15:56

Năm 2021, những hạn chế về chỉ số tiếp cận đất đai tỉnh Điện Biên đã được tập trung tháo gỡ, góp phần cải thiện vị trí xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, DĐDN có cuộc phỏng vấn ông Vũ Ngọc Vương, Giám đốc Sở TN&MT Điện Biên. 

Năm 2020, theo công bố của VCCI, trong 10 chỉ số thành phần của PCI, chỉ số tiếp cận đất đai của Điện Biên đạt 5,89, giảm 0,32 điểm so với năm 2019 (6,21 điểm).

- Thưa ông, đâu là nguyên nhân khiến chỉ số tiếp cận đất đai của Điên Biên sụt giảm?

Qua rà soát, chúng tôi cũng nhận thấy điều này. Nguyên nhân do việc hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp tại Điện Biên còn chưa chủ động, thiếu quyết liệt. Công tác bồi thường, GPMB, bố trí tái định cư, thực hiện thủ tục đất đai còn gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và sự phối hợp của các cấp, các ngành.

Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên thay đổi, trong khi các văn bản hướng dẫn thi hành chậm, quy định luật khác nhau nên các doanh nghiệp cũng khó tiếp cận.

Mặt khác, một số quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh còn mâu thuẫn, chồng chéo. Chính sách đất đai thường xuyên thay đổi, điều chỉnh, bổ sung nên người dân có tâm lý chờ đợi tăng giá bồi thường, không chịu bàn giao mặt bằng. Hơn nữa, nguồn gốc đất đai phức tạp, sự phối hợp giữa chủ đầu tư với các đơn vị bồi thường GPMB tại tỉnh chưa chủ động và chặt chẽ…

- Trước những vướng mắc trên, Sở đã có những giải pháp gì nhằm cải thiện và nâng cao chỉ số này trong năm 2021?

Nhận thức được các nút thắt này, ngay từ đầu năm 2021, Sở đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) về đất đai theo hướng giảm bớt những thủ tục không cần thiết để rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); Xây dựng cơ sở dữ liệu số về đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện TTHC; Tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý đất đai, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.

Cùng với đó, Sở tiếp tục kiện toàn, tăng cường năng lực cho cơ quan có liên quan. Đặc biệt, Sở rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ.

Ngoài ra, Sở triệt để trong công khai, minh bạch các TTHC, thường xuyên giao lưu trực tuyến giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Sở; Đẩy mạnh tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích; đồng thời công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các công trình dự án trên cổng thông tin điện tử của Sở: http://tnmtdienbien.gov.vn/

- Ý kiến của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cho rằng, mặc dù đã có quy định “một cửa” nhưng không có cơ chế chia sẻ thông tin. Do đó, nhà đầu tư phải gặp nhiều cơ quan khác nhau với cùng một thủ tục nên còn rất phiền hà. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Hiện tại, Sở có 73 TTHC được công khai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trên cổng dịch vụ công của tỉnh. Trên cơ sở đó, Sở chỉ đạo công khai đầy đủ, rõ ràng các TTHC thuộc thẩm quyền của Sở. Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế một cửa tại cơ quan đối với các TTHC mức độ 3 và 4 đã giúp rút ngắn được thời gian tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và trả kết quả cho các tổ chức, cá nhân.

 Sở TN&MT tỉnh Điện Biên công khai, minh bạch các TTHC trên cổng thông tin điện tử của Sở, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế một cửa đối với các TTHC mức độ 3 và 4.

Sở TN&MT tỉnh Điện Biên công khai, minh bạch các TTHC trên cổng thông tin điện tử của Sở, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế một cửa đối với các TTHC mức độ 3 và 4.

Do đó, đến nay 80% người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi đã thực hiện thành công TTHC trước đó. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến tối thiểu đạt 30% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận trên cổng dịch vụ công.

Thực tế, tối thiểu từ 80% trở lên quy trình giải quyết hồ sơ được luân chuyển trong nội bộ giữa các phòng ban có thẩm quyền giải quyết, hoặc có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử. 100% hồ sơ TTHC đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ và có giá trị tái sử dụng. Hàng năm, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 90%.

- Tại nhiều tỉnh, thành, tình trạng cán bộ công chức nhũng nhiễu doanh nghiệp trong giải quyết công việc vẫn xảy ra. Tại Điện Biên, vấn đề này được thực hiện triệt để thế nào, thưa ông?

Bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ CCHC, triển khai cơ chế "một cửa, một cửa liên thông", tỉnh rất chú trọng vấn đề con người, tuyên truyền với nhiều hình thức để cán bộ, công chức nhận thức, thực hiện nghiêm trách nhiệm công vụ.

Để nâng cao vai trò của cấp ủy đảng, Sở tăng cường trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo triển khai thực hiện giải quyết các TTHC. Sở xử lý nghiêm và kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Điện Biên gỡ “rào cản” cho mắc ca

    Điện Biên gỡ “rào cản” cho mắc ca

    20:31, 27/08/2021

  • Cục thuế Điện Biên: Sáng tạo trong thách thức

    Cục thuế Điện Biên: Sáng tạo trong thách thức

    11:25, 11/08/2021

  • Điện Biên giải bài toán  tăng trưởng kinh tế mùa dịch

    Điện Biên giải bài toán tăng trưởng kinh tế mùa dịch

    13:23, 06/08/2021

NGUYÊN VŨ thực hiện