Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 phấn đấu đến 30/4/2022 hoà vào lưới điện

LAN VŨ 05/09/2021 01:35

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Nhiệt điện Thái Bình 2 hoà lưới điện vào ngày 30/4/2022 thay vì đầu tháng 6/2022 như mục tiêu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đặt ra.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và đoàn công tác vừa có buổi kiểm tra, làm việc về tình hình triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Đây là lần thứ 2 trong vòng hơn 1 tháng qua Phó Thủ tướng đến kiểm tra dự án này.

Phấn đấu đến 30/4/2022 hòa vào lưới điện

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Nhà máy phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa, phấn đấu hòa lưới điện vào ngày 30/4/2022 thay vì đầu tháng 6/2022 như mục tiêu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đặt ra, bởi nhà máy hoạt động sớm mỗi ngày là tiết kiệm hàng chục tỷ đồng.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, sẽ kiểm tra trực tiếp, giao ban mỗi quý 1 lần về dự án này để động viên, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đồng thời yêu cầu Nhà máy tiếp tục bám sát mốc tiến độ tổng thể và mốc tiến độ của từng hạng mục quan trọng, hiện đang chậm như băng tải than, vận chuyển đá vôi, bãi thải xỉ và hệ thống thải xỉ… để triển khai. 

Để đẩy nhanh tiến độ, Phó Thủ tướng gợi mở việc tổ chức làm 3 ca và chú trọng chăm lo, hỗ trợ cho cán bộ công nhân viên, người lao động về điều kiện sinh hoạt, thu nhập; có hình thức động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có sáng kiến, nỗ lực thi đua rút ngắn tiến độ... Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải chuẩn bị sớm tổ chức bộ máy, đào tạo nhân lực để có thể sẵn sàng vận hành nhà máy khi đi vào hoạt động. Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân để bảo đảm đời sống cho người lao động.

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

Trước đó, ngày 23/7,  Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã có buổi kiểm tra tiến độ tại Nhà máy. Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, các việc cũ liên quan sai phạm thì đã giao các cơ quan kết luận, làm rõ. Việc cần làm là tiếp tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành, đưa Dự án vào vận hành trong năm 2022.

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, nếu Dự án này chậm ngày nào thì thiệt hại kinh tế phát sinh là rất lớn do chủ đầu tư phải trả lãi vay, địa phương chưa có nguồn thu ngân sách từ Dự án và EVN chưa thể mua điện từ nhà máy với sản lượng có thể trên 7 tỷ kWh, trong khi đó nguồn cung ứng điện của miền Bắc trong những năm tới dự kiến gặp khó khăn. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới phải tập trung cao nhất nguồn lực, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành, PVN, Ban Quản lý Dự án, tổng thầu và từng nhà thầu trên công trường để đẩy nhanh tiến độ, đưa nhà máy vào vận hành, khai thác an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nền kinh tế.

Đối với Ban Quản lý Dự án và Tổng thầu EPC, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không “đoàn kết, bản lĩnh, đổi mới, hành động” thì không thể thành công. Phải xốc lại tinh thần hành động, thống nhất quan điểm từ lãnh đạo Tập đoàn, đến Ban Quản lý Dự án, Tổng thầu. “Ai cố tình cản trở quá trình hoàn thành dự án thì người đó phải chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý nghiêm”.

Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại buổi làm việc, có thể thấy đã có nhiều thay đổi trên công trường. Cụ thể, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn được giao kiêm nhiệm Trưởng Ban Quản lý dự án, trực tiếp chỉ huy trên công trường cho biết, các phương án giải quyết phần việc dở dang đã được làm rõ về phạm vi công việc và chi phí, có biện pháp cụ thể để cơ cấu lại, giao cho nhà thầu đủ năng lực thực hiện. Các phần việc chưa thực hiện được rà soát theo từng gói thầu cụ thể nhằm đánh giá đầy đủ hiện trạng, điều chỉnh lại phạm vi công việc để tối ưu về tiến độ và chi phí, tạo thuận lợi cao nhất trong triển khai.

Đến nay, công trường đã có chuyển biến tích cực, tăng lao động để tăng cường thi công các hạng mục ưu tiên/cấp bách (không phải là hạng mục công việc đường găng nhưng cần hoàn thành sớm để phục vụ cho các công việc tiếp theo) ví dụ như kho than số 1 (hoàn thành trước ngày 31/12/2021) và kho than số 2 (hoàn thành trước ngày 28/2/2022) làm mặt bằng cho gia công chế tạo hạng mục đường găng là kết cấu thép hệ thống vận chuyển than và đá vôi và hạng mục nước làm mát chính của Nhà máy (hoàn thành trước ngày 10/10/2021) để bảo đảm cho mốc đốt dầu (23/2/2022).

Các hạng mục chủ yếu còn lại như hệ thống băng tải than và vận chuyển đá vôi, bãi thải xỉ và hệ thống thải xỉ đều đã được rà soát cẩn thận về phạm vi công việc, có tổ chức bố trí, lựa chọn nhà thầu phù hợp, xây dựng phương án tổ chức thi công nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ. 

 Không thể lỡ hẹn!

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được lãnh đạo Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm, tháo gỡ khó khăn về cơ chế trong suốt những năm vừa qua.

Ngày 15/7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu là phải xử lý những vướng mắc, hạn chế, những khó khăn, bất cập để sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước, tiền của công sức của nhân dân đã bỏ ra. Dự án thua lỗ, yếu kém này gây bức xúc trong nhân dân.

Thủ tướng đề nghị cân nhắc lập một tổ công tác đặc biệt nếu cần thiết. Đồng thời, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp xử lý kịp thời, có hiệu quả các tồn đọng, vướng mắc của dự án theo thẩm quyền, những nội dung vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

á

Tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể dự án đạt 86,8%

Theo ông Phan Tử Giang - Tân Tổng Giám đốc Tổng thầu PVC cho biết, việc xây lắp còn 30 hạng mục phải hoàn thiện, trong đó có băng tải than. Đến ngày 10/9 sẽ chốt phương án xử lý. Toàn bộ thiết bị của hạng mục này đã về công trường. Theo lãnh đạo PVC, 1 tháng qua, tổng thầu đưa lại 10/12 nhà thầu phụ vào công trường để thi công. Tiến độ tổng thể tính đến ngày 31/8 đạt khoảng 86%, chậm 4,8%; sẽ lấy lại tiến độ này vào tháng 11/2021. 

Chủ tịch PVN Hoàng Quốc Vượng khẳng định, cả hệ thống của PVN đã vào cuộc, dành ưu tiên tối đa cho dự án, coi việc đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của Tập đoàn. “Tập đoàn bố trí đủ nguồn lực, ưu tiên chỉ đạo, lãnh đạo, điều chuyển những cán bộ giỏi nhất để tăng cường cho dự án”, ông Hoàng Quốc Vượng nêu rõ. Mục tiêu đặt ra là nhà máy hòa lưới điện vào ngày 8/6/2022, tuy nhiên, Tập đoàn sẽ phấn đấu sớm hơn. 

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cam kết, tỉnh sẽ tập trung mọi khả năng trong điều kiện có thể để hỗ trợ tập đoàn PVN, Ban Quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị thi công để đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời khẳng định hỗ trợ tối đa công trường trong phòng chống dịch như phối hợp trong việc tổ chức cách ly cho các chuyên gia nước ngoài đến nhà máy làm việc.

ssfà

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra tiến độ Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công xây dựng ngày 01/3/2011 tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Khi khởi công, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 dự kiến sẽ được hoàn thành, phát điện tổ máy số 1 vào quý II/2014, tổ máy số 2 vào cuối năm 2014. Dự án có tổng vốn đầu tư 31.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tiến độ thi công quá chậm nên dự án đã đội vốn nên hơn 10.000 tỷ đồng. Sau 2 lần điều chỉnh, đến nay dự án có tổng mức đầu tư lên đến 41.799 tỷ đồng (sau VAT).

Có thể bạn quan tâm

  • Xử lý thế nào Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2?

    Xử lý thế nào Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2?

    03:00, 17/11/2020

  • Nhiệt điện Thái Bình 2 bị “dìm” giá?

    Nhiệt điện Thái Bình 2 bị “dìm” giá?

    11:00, 07/08/2020

  • Kiến nghị Ủy ban Kiểm tra T.Ư xử lý cán bộ sai phạm trong vụ Nhiệt điện Thái Bình 2

    Kiến nghị Ủy ban Kiểm tra T.Ư xử lý cán bộ sai phạm trong vụ Nhiệt điện Thái Bình 2

    19:23, 06/08/2020

LAN VŨ