“Quỹ đạo” nào để Vinh là thành phố trung tâm vùng Bắc Trung Bộ?

NGỌC THÁI 06/09/2021 16:59

Trước vấn đề quy hoạch xây dựng TP Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, ngày 27/8/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khai đã có chỉ đạo về vấn đề liên quan.

Qua đó, để đạt mục tiêu đến năm 2023, Tp Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 26/NQ-TW ban hành ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị, nhiều vấn đề đặt ra cũng được Phó Thủ tướng chỉ đạo, triển khai.

“Vắng bóng” dự án lớn tạo động lực để đột phá

Cũng trong các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, việc thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo “quỹ đạo” để Vinh trở thành thành phố trung tâm vùng Bắc Trung Bộ đang được cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Bởi đây cũng là một trong những đòn bẩy then chốt để tạo đà cho các ngành nghề, lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó tại Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ cũng thống nhất với tỉnh Nghệ An 5 quan điểm để phát triển Tp Vinh thành trung tâm Bắc Trung Bộ trong đó có nhấn mạnh vấn đề phát huy địa kinh tế, lấy kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, kinh tế đối ngoại làm nền tảng để phát triển.

Đây được xem như vấn đề then chốt để Tp Vinh mở rộng về quy mô diện tích, dân số đi đôi với tăng trưởng GRDP và kích cầu kết nối giao thương không chỉ của vùng mà còn cả mở rộng hành lang Đông – Tây gắn với Lào, Đông Bắc Thái Lan…

Trước đó, vào ngày 14/01/2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt tại Quyết định số 52/QĐ-TTg đồng ý mở rộng không gian đô thị Tp Vinh theo quy hoạch bao gồm: Toàn bộ thành phố Vinh; Toàn bộ thị xã Cửa Lò, một phần của huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc nâng tổng diện tích của đô thị Vinh lên khoảng 250km2.

Phát triển mạng lưới hạ tầng logistics như bến bãi, cảng biển...vẫn đang chật vật, chưa thể tương xứng để thúc đẩy kinh doanh dịch vụ phát triển (ảnh chụp tại cảng Cửa Lò)

Phát triển mạng lưới hạ tầng logistics như bến bãi, cảng biển...vẫn đang chật vật, chưa thể tương xứng để thúc đẩy kinh doanh dịch vụ phát triển (ảnh chụp tại cảng Cửa Lò)

Quy hoạch theo hướng mở rộng, nâng tầm đô thị Vinh là vậy nhưng vấn đề mấu chốt để thành phố này có đạt được mục tiêu đề ra hay không cũng đang trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư.

Đáng chú ý, vào tháng 3/2019, sau khi nghe Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết 26 về phát triển Nghệ An đến năm 2020, tại Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị cũng chỉ rõ:

“Thành phố Vinh phát triển chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là khu vực miền Tây. Một số vấn đề xã hội giải quyết còn chậm. Tình hình an ninh, trật tự có nơi, có lĩnh vực còn tiềm ẩn phức tạp. Năng lực lãnh đạo của một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng trong một số lĩnh vực hiệu quả còn thấp”.

Bộ Chính trị cũng chỉ ra một số nguyên nhân, trong đó có vấn đề về lãnh đạo, chỉ đạo còn thiếu sự đột phá, nhất là về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực; chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh về đất đai, con người; chưa có những dự án đầu tư lớn mang tính động lực, đột phá trên địa bàn.

Chưa thể “chọn mặt, gửi vàng”?

Mặc dù, trong thời gian qua, nhiều dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở kỹ thuật đã được Chính phủ cùng với Bộ, ngành quan tâm, thu hút nhưng cơ chế chính sách đang là “rào cản” khiến tiến độ triển khai các công trình diễn ra không như kỳ vọng.

Nhiều dự án “treo” vẫn còn kéo dài, gây lãng phí tài nguôn đất đai, “tiến thoái lưỡng nan” trong việc mở rộng không gian quy hoạch đô thị Vinh trong tương lai.

Ngay như dự án Khu du lịch lâm viên núi Quyết có tổng diện tích 147,70 ha trên địa bàn phường Trung Đô, TP.Vinh, Nghệ An được khởi động từ gần 20 năm trước nhưng đến bây giờ vẫn dở dang. Sau nhiều lần điều chỉnh, dự án đến nay vẫn “án binh bất động” khiến 7 cơ quan, 5 khu tập thể và 300 hộ dân ở đây rơi vào cảnh “rối như canh hẹ” không thể cải tạo, xây dựng nhà cửa…phải sống trong cảnh xập sệ, mục nát.

Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính từ năm 2012 đến năm 2020, Nghệ An đã thành lập 8 đoàn thanh tra, tiến hành 588 lượt kiểm tra đối với 454 dự án. Số dự án đã bị thu hồi, hủy bỏ đến thời điểm hiện nay là 176 dự án với tổng diện tích đất là hơn 50.000 ha. Phần lớn tập trung ở Tp Vinh và thị xã Cửa Lò, 2 đô thị nằm trong quy hoạch sẽ sát nhập để mở rộng địa giới đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ theo Quyết định 52/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký, phê duyệt từ năm 2015.

Mở rộng không gian quy hoạch Tp Vinh trở thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ đang đặt ra nhiều thách thức nều không có nhiều bước đột phá và lựa chọn, thu hút

Mở rộng không gian quy hoạch Tp Vinh trở thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ đang đặt ra nhiều thách thức cần có nhiều bước đột phá về cơ chế nhằm lựa chọn, thu hút "sếu đầu đàn" đầu tư để tạo động lực cho các ngành, nghề khác cùng tăng trưởng (ảnh: Thắng Dế)

Dự án khu nhà ở thương mại do Công ty CPXD 16-Vinaconex làm chủ đầu tư tại xã Hưng Hòa; Khu nhà ở kết hợp trung tâm thương mại, nhà ở liền kề và biệt thự Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Nhà Sông Hồng tại xã Nghi Phú; Dự án khu đô thị hỗn hợp sinh thái ven sông Lam, Công ty TNHH - Hà Thành, xã Hưng Hòa; Tổ hợp nhà chung cư, khu dịch vụ công cộng, phụ trợ, Công ty CP Xây lắp dầu khí số 1 Nghệ An, phường Hà Huy Tập…trên địa bàn Tp Vinh nằm trong diện đề nghị bị thu hồi vào năm 2020. Đáng chú ý, các dự án đã được chấp thuận đầu tư từ hàng chục năm nay nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình “găm đất”, gây ảnh hưởng xấu đến quy hoạch đô thị…

Trở lại với vấn đề làm sao để Vinh trở thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ thì việc chấn chỉnh tình trạng dự án “treo”, dự án “ôm đất” cũng cần phải có động thái quyết liệt ngay từ khi khảo sát, lựa chọn nhà đầu tư. Và, để phát triển Vinh trở thành thành phố hiện đại, văn minh theo đúng “quỹ đạo” mà Chính phủ, Bộ, ngành đã chỉ đạo, ưu tiên phát triển xứng tầm thì khâu thu hút các nhà đầu tư cũng phải được “chọn mặt gửi vàng”, sàng lọc ngay từ giai đoạn ban đầu.

Người dân cũng kỳ vọng, trong tương lai không xa, đô thị này sẽ sớm cán đích trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị như lời Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý đã phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri vào ngày 06/5/2021 ở Tp Vinh.

Đó là, chỉ đạo cấp, ngành tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với cải cách hành chính; đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm nhất là về giao thông, cảng biển, khu công nghiệp gắn với đô thị, dịch vụ, nhằm thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư thứ cấp, công nghệ cao, thân thiện với môi trường…

Có thể bạn quan tâm

  • Thu hút vốn đầu tư lớn - Thanh Hóa vào “tứ giác phát triển”

    Thu hút vốn đầu tư lớn - Thanh Hóa vào “tứ giác phát triển”

    16:59, 06/09/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xử lý một số kiến nghị của UBND tỉnh Nghệ An

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xử lý một số kiến nghị của UBND tỉnh Nghệ An

    19:31, 27/08/2021

  • Rà soát pháp luật: Luật Quy hoạch 2017 vẫn chậm đi vào thực tiễn

    Rà soát pháp luật: Luật Quy hoạch 2017 vẫn chậm đi vào thực tiễn

    04:20, 28/08/2021

  • Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn mới: Dành hơn 200 nghìn ha đất làm khu công nghiệp

    Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn mới: Dành hơn 200 nghìn ha đất làm khu công nghiệp

    04:00, 28/08/2021

NGỌC THÁI