Số hóa ngành nông nghiệp Hà Tĩnh: Cơ hội và thách thức
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, Hà Tĩnh sẽ tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nông nghiệp thông minh, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, hành trình này đang gặp phải một số khó khăn do hình thức này còn khá mới mẻ. Để đạt hiệu quả bền vững, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng vẫn cần có lộ trình dài hơi mà quan trọng nhất là thay đổi tư duy người sản xuất.
Nâng tầm giá trị sản phẩm
Do tình hình dịch COVID-19 khiến thị trường tiêu thụ truyền thống bị ảnh hưởng, nhiều cơ sở OCOP tại Hà Tĩnh đã tự “cứu mình” bằng cách đẩy mạnh bán hàng online. Nhung hươu Hiền Ngọc (huyện Hương Sơn) là một trong những cơ sở đầu tiên được chọn tham gia quy trình chuyển đổi số. Thời gian qua, chị Nguyễn Thu Hiền, chủ cơ sở kinh doanh nhung hươu Hiền Ngọc đã kết nối với khách hàng trong và ngoài tỉnh thông qua facebook, zalo và trang web của cơ sở để đẩy mạng quảng bá sản phẩm.
Chị Hiền chia sẻ: “Bán hàng online thông qua mạng internet có nhiều lợi thế, khách hàng có thể ở nhà vào trang web sẽ có đầy đủ thông tin từ sản xuất đến chất lượng sản phẩm và chỉ cần tích vào ô mua hàng. Từ khi sản phẩm được đưa lên internet thì doanh số bán hàng tăng lên đáng kể, chi phí giảm xuống. Hiện cơ sở đang từng bước thực hiện quy trình chuyển đổi số để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử”.
Hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh có 12 cơ sở thí điểm thực hiện chuyển đổi số đã xây dựng trang web, từng bước đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử. Từ đó, các sản phẩm OCOP Hà Tĩnh có thêm nhiều kênh quảng bá tiêu thụ giúp người tiêu dùng dễ dàng mua được nông sản an toàn, nguồn gốc rõ ràng. Hầu hết các sản phẩm sau khi được quảng bá đều tăng doanh số bán hàng.
Tại huyện Hương Khê, nhiều cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác trồng bưởi Phúc Trạch đã chú trọng thực hiện quy trình chăm sóc, thu hoạch và bảo quản để bưởi đạt tiêu chuẩn cả về hình thức lẫn tiêu chuẩn VietGap. Đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Hà Tĩnh áp dụng chuyển đổi số. Tất cả dữ liệu về quy trình sản xuất từ chăm sóc đến thu hoạch đều được cập nhật lên ứng dụng. Người tiêu dùng không chỉ truy xuất nguồn gốc mà còn tham gia giám sát quá trình sản xuất, đánh giá chất lượng bưởi.
Ngoài ra, chuyển đổi số chính là chìa khóa quan trọng giúp nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất. Phương thức này có thể kết nối trực tiếp người sản xuất với người tiêu dùng, loại bỏ khâu trung gian giúp giá cả nông sản ổn định, ít bị thao túng.
Rào cản trong chuyển đổi số
Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu của nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội. Đây được xem là bước chuyển quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại và hội nhập. Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử chính là lựa chọn tối ưu.
Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi số trong nông nghiệp Hà Tĩnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, thách thức. Có thể thấy rằng, một trong những rào cản lớn nhất trong công cuộc chuyển đổi số là nhiều người sản xuất chưa sử dụng thiết bị thông minh như điện thoại, máy vi tính và không quen khai thác các ứng dụng trên thiết bị thông minh. Bên cạnh đó, tư duy sản xuất kinh doanh theo hình thức truyền thống vẫn còn khá phổ biến hoặc tham gia các sàn thương mại điện tử một cách thụ động.
Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khá rộng, chủ thể tham gia chuyển đổi đa dạng. Người trực tiếp sản xuất đa phần là nông dân, trình độ hiểu biết và ứng dụng công nghệ thấp, chưa kể đến yếu tố về nguồn lực đầu tư hạn chế. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh nha và mới mẻ.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tĩnh cho biết: “Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đang gặp một số khó khăn do hình thức này còn khá mới mẻ. Để đạt hiệu quả bền vững, chúng ta vẫn cần lộ trình dài hơi mà quan trọng nhất là thay đổi tư duy người sản xuất. Đây cũng là cơ hội để phát triển và tạo điều kiện cho người sản xuất có chuyển biến tích cực trong mọi lĩnh vực. Hiện ngành đang xây dựng lộ trình để triển khai kế hoạch đồng bộ với những nội dung thiết thực, khả thi và mang lại hiệu quả bền vững”.
Có thể bạn quan tâm