Quảng Ninh: Doanh nghiệp FDI đầu tư gần 900 triệu USD cho 2 dự án
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa trao giấy chứng nhận đầu tư cho công ty TNHH công nghiệp Silic Jinko Solar Việt Nam. Đây là dự án thứ 2 trong năm 2021 mà công ty này đầu tư vào Quảng Ninh.
Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam (Dự án Jinko Solar 2) có vốn đầu tư hơn 365 triệu USD tại KCN Sông Khoai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh do Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam) làm nhà đầu tư. Đây là dự án thứ 2 trong năm 2021 mà Jinko Solar đầu tư vào KCN Sông Khoai - Quảng Yên - Quảng Ning. Tổng hai dự án có tổng mức đầu tư gần 900 triệu USD.
Theo báo cáo thẩm định của BQL Khu kinh tế (KTT) Quảng Ninh, quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án chỉ 4 ngày kể từ khi Ban tiếp nhận hồ sơ đầu tư đầy đủ của dự án, sớm 15 ngày làm việc so với quy định. Và từ khi Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ninh có ý kiến chấp thuận đến khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 01 ngày làm việc (sớm 04 ngày làm việc so với quy định của thủ tục hành chính).
Dự án này thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển ban hành kèm theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ (các cụm linh kiện, phụ tùng cho hệ thống thiết bị sản xuất điện năng từ năng lượng mới và năng lượng tái tạo – mục VI các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao).
Sản phẩm của dự án Jinko Solar 2 là nguyên liệu đầu vào của dự án Jinko Solar 1 (Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam).
Việc triển khai dự án sẽ hình thành chuỗi liên kết sản phẩm, nâng cao hiệu quả đồng thời của cả 02 dự án. Đây cũng là dự án thứ cấp thứ 2 thực hiện đầu tư vào KCN Sông Khoai, có quy mô vốn đầu tư lớn 8.382 tỷ đồng (tương đương 365,6 triệu USD), diện tích sử dụng đất 20,1 ha.
Với công suất thiết kế khoảng 1.430 triệu sản phẩm tấm silic/năm (tương đương 39.900 tấm sản phẩm/năm), dự án này đóng vai trò hết sức quan trọng để góp phần hoàn thiện chuỗi dây chuyền sản xuất tấm quang năng quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Sau khi đi vào hoạt động, dự kiến sẽ có doanh thu bình quân năm là hơn 25.654 tỷ đồng; nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (sau thời gian ưu đãi về thuế) là 461,3 tỷ đồng. Tổng số lao động khi dự án đi vào hoạt động là 2.188 người, với mức lương trung bình trên 11 triệu đồng/người/tháng. Nhà đầu tư cam kết sẽ đưa dự án đi vào hoạt động chính thức sau 11 tháng kể từ ngày được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư.
Trước đó, ngày 31/3/2021 dự án thứ cấp đầu tiên đầu tư vào Khu công nghiệp (KCN) Sông Khoai, và cũng là dự án thứ cấp đầu tiên được cấp giấy chứng nhận đầu tư kể từ khi KKT ven biển Quảng Yên chính thức được thành lập (24/9/2020). Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam do Công ty Jinko Solar Hong Kong thực hiện. Đây là một trong những nhà sản xuất tấm quang năng (pin năng lượng mặt trời) lớn và tiên tiến nhất trên thế giới. Năm 2019, nhà đầu tư này đã xếp vị trí thứ nhất và nắm giữ 12,6% thị trường toàn cầu.
Theo ông Beyond Huang (Huang Jin Xing), Giám đốc dự án Jinko Solar Việt Nam chia sẻ: Để tiếp tục mở rộng diện sản xuất, đoàn khảo sát của JinkoSolar đã đến Việt Nam được 2 lần bắt đầu tư tháng 10/2020, và đã tiến hành khảo sát ở hơn 20 tỉnh thành, với hơn 30 KCN. Ngày 28 Tết Nguyên đán 2021, đoàn khảo sát đã đến KCN Sông Khoai, sau khi phân tích và so sánh với nhiều KCN khác, công ty đã quyết định chọn KCN Sông Khoại tại KKT ven biển Quảng Yên của tỉnh Quảng Ninh làm cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam.
Dự án có quy mô vốn đầu tư là 11.499,86 tỷ đồng (tương đương hơn 498 triệu USD), với diện tích sử dụng đất là 32,6 ha. Đây là dự án thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển ban hành kèm theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Dự án cũng phù hợp với mục tiêu Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020- 2025, định hướng đến năm 2030 và lĩnh vực tỉnh Quảng Ninh đang quan tâm thu hút đầu tư.
Theo ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: Tỉnh Quảng Ninh cũng đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của Tập đoàn Amata - chủ đầu tư hạ tầng KCN Sông Khoai và Công ty Jinko Solar Hong Kong. Chỉ trong thời gian ngắn, hai bên đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn thành hồ sơ thủ tục về đầu tư, đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng...
Theo bà Somhatai Panichewa, Tổng Giám đốc điều hành, công ty cổ phần Amata Việt Nam đã nhấn mạnh: “Việc nhà đầu tư lớn Jinko Solar chọn Quảng Ninh làm điểm thực hiện dự án cũng như sự phối hợp đồng bộ nhanh chóng và hiệu quả của các sở ban ngành đã càng khẳng định vị trí số 1 về năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Ninh, cũng như khẳng định Quảng Ninh là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư kể cả trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang làm ảnh hưởng đến nền kinh tế trên toàn thế giới”.
Được biết, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực mở cửa đón làn sóng đầu tư chuyển dịch mạnh mẽ vào khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Tỉnh đã xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị theo hướng tiên tiến, hiện đại, phát triển xanh.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn lực để hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông động lực như: Dự án đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (trong năm 2021), cầu Cửa Lục 1, 3…; Dự án xây dựng Nút giao Km 6+700 đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng thuộc dự án đường nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (tại Km 6+700) đến đường tỉnh 338 - giai đoạn 1; Nút giao Đầm Nhà Mạc nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với tuyến đường ven sông kết nối khu vực miền Tây của tỉnh và các KCN,…
Khi các dự án này đi vào hoạt động chắc chắn sẽ góp phần quan trọng tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút FDI cấp mới và tăng vốn đạt 1,067 tỷ USD; so với cùng kỳ 9 tháng thu hút FDI tăng 2,67 lần. Dự kiến đến hết năm 2021, thu hút cấp mới và điều chỉnh khoảng 1,2 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với cả năm 2020 (589 triệu USD).
KCN Sông Khoai – Quảng Yên – Quảng Ninh: Được chính thức cấp phép đầu tư vào năm 2018, KCN Sông Khoai với diện tích 714 ha, thuộc KKT ven biển Quảng Yên của tỉnh Quảng Ninh là một trong những KCN lớn được đầu tư quy mô bài bản, theo tiêu chuẩn quốc tế cùng những lợi thế vượt trội dành cho những nhà đầu tư FDI, bao gồm: + Doanh nghiệp đầu tư sẽ được hưởng nhiều ưu đãi đầu tư, đặc biệt là ưu đãi về thuế quan cao hơn các khu công nghiệp thông thường, do vị trí trực thuộc KKT ven biển Quảng Yên. + Quảng Yên cũng là khu vực được hưởng lợi thế về chi phí nhân công lao động với mức lương tối thiểu vùng 3, theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP (3.430.000 đồng/tháng)Hiện nay, KCN Sông Khoai đã hoàn thiện cơ bản giai đoạn 1 với 123 ha, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư |
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh: Chạy nước rút giải ngân vốn đầu tư công
02:37, 15/09/2021
Quảng Ninh: Giải bài toán với du lịch trong trạng thái bình thường mới
00:27, 15/09/2021
Quảng Ninh kiểm soát dịch xâm nhập từ cửa biển như thế nào?
15:06, 13/09/2021
Hải Phòng, Quảng Ninh lên đường hỗ trợ Hà Nội đẩy lùi COVID-19
16:44, 10/09/2021