Quảng Bình: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh Quảng Bình đã có một số giải pháp nới dần từng bước theo lộ trình phục hồi các hoạt động kinh tế, triển khai kịp thời việc tiêm vắc xin cho người lao động.
Doanh nghiệp lao đao
Ngày 20/7/2021, Quảng Bình ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trên địa bàn. Các ca nhiễm sau đó tăng nhanh theo từng ngày. Để đảm bảo công tác phòng dịch, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều giải pháp nhằm khoanh vùng, cách ly, dập dịch theo đúng Chỉ thị của Chính phủ. Theo đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng gặp không ít khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đại diện một công ty may mặc trên địa bàn cho rằng để duy trì sản xuất, đảm bảo đơn hàng, công ty đã thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, phương án này khiến chi phí sản xuất cao và không đảm bảo sức khỏe cho công nhân. Việc sản xuất gặp khó khăn, nguồn cung nguyên liệu bị ảnh hưởng, việc vận chuyển hàng hoá cũng gặp không ít trở ngại. Nếu tình hình dịch còn kéo dài, không thể sản xuất được thì chúng tôi sẽ phải đối mặt với rất nhiều tổn thất.
Không chỉ riêng doanh nghiệp may mặc mà các doanh nghiệp khác trong các khu, cụm công nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy, gây thiếu nguồn cung đầu vào và thị trường đầu ra; bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng. Vì vậy, nếu đợt dịch kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng.
Theo các doanh nghiệp, việc hướng dẫn phòng, chống dịch chưa hợp lý và vẫn còn nhiều bất cập khiến chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn. Phương án sản xuất kinh doanh “3 tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến” khiến chi phí tăng cao. Để cầm cự trước dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động. Điều này gây khó khăn rất lớn cho việc tìm kiếm nguồn lao động trở lại của các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh.
Nới dần từng bước theo lộ trình phục hồi
Trước khó khăn của doanh nghiệp, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện nới dần từng bước theo lộ trình phục hồi các hoạt động kinh tế, trên cơ sở kiểm soát rủi ro về dịch tễ và mức độ được bảo vệ của người dân theo từng giai đoạn, địa bàn cụ thể. Đồng thời, khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về miễn, giảm phí, lệ phí, thuế, hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho rằng, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 thời gian qua đã tác động dài hạn đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh. “Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh luôn lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp; cùng chia sẻ, tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đồng thời, tỉnh đang xây dựng kế hoạch và triển khai kịp thời việc tiêm vắc xin để người lao động yên tâm trở lại làm việc”, ông Thắng thông tin.
Theo thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình, hiện tỉnh này có hơn 7.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó chỉ có gần 3.900 doanh nghiệp đang hoạt động có doanh thu, chiếm hơn 55%. Năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới toàn tỉnh giảm khoảng 22%. Một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ đã phải ngừng hoạt động. Riêng quý III-2021, có khoảng 7.750 người lao động tạm ngừng việc làm hoặc mất việc làm; nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạm dừng hoạt động hoặc cắt giảm 50% số lượng lao động.
Có thể bạn quan tâm