Nghệ An sẽ điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế Đông Nam lên 80.000 ha
Khu kinh tế (KKT) Đông Nam Nghệ An sẽ được điều chỉnh quy mô diện tích, thay đổi quy hoạch theo hướng mở rộng và trình Chính phủ chấp thuận đưa vào nhóm các KKT ven biển trọng điểm của cả nước.
Đây là thông tin được công bố tại phiên họp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An thường kỳ tháng 9/2021 để thông qua Đề án phát triển KKT Đông Nam động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Đổi tên thành KKT Nghệ An
Theo đó, tỉnh Nghệ An dự kiến vào năm 2022 sẽ chính thức mở rộng ranh giới KKT Đông Nam về phía Tây theo trục đường N5 nối Hòa Sơn - Đô Lương, trục đường N2 nối Quốc lộ 7A, trục Quốc lộ 48D nối thị xã Hoàng Mai với huyện Nghĩa Đàn, tuyến Quốc lộ 1A (đoạn tránh thành phố Vinh) và khu vực ven biển.
Việc thay đổi quy hoạch theo hướng mở rộng địa bàn hoạt động của KKT Đông Nam trong tương lai nhằm tăng diện tích các hạng mục và ưu tiên phát triển cảng biển, du lịch nghỉ dưỡng gắn với dịch vụ logistics.
Nghệ An cũng đặt ra mục tiêu cho đề án nói trên nhằm xây dựng và phát triển KKT Đông Nam thành khu vực phát triển kinh tế năng động, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao trong khu vực Bắc Trung Bộ. Đặc biệt, trọng tâm phát triển kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại gắn liền với xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Cửa Lò, Đông Hồi cũng phải được chú trọng đầu tư xứng tầm.
Theo quy hoạch, trong tương lai, KKT Đông Nam sẽ được điều chỉnh tăng diện tích lên tới 80.000 ha, bao gồm 70.000 ha đất liền và 10.000 ha mặt nước biển. Riêng diện tích khu công nghiệp, Nghệ An sẽ dành khoảng 15.000 ha để thu hút đầu tư, tăng quy mô và công năng sử dụng đất.
Được biết, vào tháng 6/2007, Nghệ An đã được Trung ương đồng ý cho thành lập KKT Đông Nam với tổng diện tích hơn 20.776 ha, nằm trên địa bàn 6 huyện, thành phố như Cửa Lò, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Hoàng Mai…
Tính riêng trong giai đoạn 2016 - 2020, thu ngân sách trên địa bàn KKT Đông Nam đóng góp gần 10,5% tổng thu ngân sách của Nghệ An.
Dự kiến sau khi hoàn chỉnh quy hoạch điều chỉnh quy mô diện tích, địa bàn hoạt động, Nghệ An cũng sẽ trình Chính phủ cho phép đổi tên KKT Đông Nam Nghệ An thành KKT Nghệ An.
Thông qua đó, Nghệ An cũng xin Trung ương chấp thuận, cho phép đưa KKT Nghệ An vào nhóm các KKT ven biển trọng điểm của cả nước. Động thái nhằm thu hút thêm nguồn lực đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025, tạo đà cho địa phương đột phá trong thời gian tới.
Nhiều kỳ vọng vẫn chưa đạt được
Tại Thông báo số 55-TB/TW ngày 20/4/2019 về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Bộ Chính trị đã thống nhất cho “nghiên cứu việc bổ sung Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An vào nhóm các khu kinh tế ven biển trọng điểm; điều chỉnh khu bến cảng chuyên dùng Đông Hồi thành khu bến cảng tổng hợp”.
Đây được xem là cơ hội để Nghệ An thúc đẩy thu hút đầu tư, mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ theo hướng mở rộng, hiện đại hoá hạ tầng, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng ngành nghề.
Nhiều “ông lớn” cũng đã về Nghệ An “làm tổ” ở các khu công nghiệp trong KKT Đông Nam với quy mô nguồn vốn đầu tư hàng trăm triệu USD như:
VSIP, WHA, Tập đoàn tôn Hoa Sen, Tập đoàn Hoàng Thịnh Đạt, Tập đoàn Thiên Minh Đức…
Đơn cử như các dự án thu hút nguồn vốn FDI cũng đã được triển khai ở KKT Đông Nam Nghệ An như: Dự án Luxshare - ICT do Công ty TNHH Luxshare ICT Nghệ An (Hồng Kông) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 140 triệu USD; dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An (Singapore) do Công ty TNHH VSIP Nghệ An làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 76,4 triệu USD; dự án Khu công nghiệp WHA Industrial Zone -1 Nghệ An do Công ty cổ phần WHA Industrial Zone Nghệ An (Thái Lan) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 92,2 triệu USD hứa hẹn góp phần cho tỉnh này sớm trở thành vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Bắc Trung Bộ.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An tính đến tháng 7/2021, KKT Đông Nam đã có 257 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 70.189 tỷ đồng, tương đương 3,03 tỷ USD. Đặc biệt, có 52 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1,09 tỷ USD, chiếm 75% nguồn vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Khởi sắc về kết quả thu hút đầu tư vào KKT Đông Nam Nghệ An là vậy nhưng để phát huy hết tiềm năng, lợi thế như kỳ vọng của Bộ, ngành Trung ương và người dân đặt ra thì nhiều vấn đề cần được sớm tháo gỡ. Nhiều diện tích các KCN trong KKT Đông Nam vẫn chưa được lấp đầy dự án đầu tư. Không ít hạ tầng tại KKT Đông Nam thiếu đồng bộ, đầu tư xây dựng theo kiểu dở dang rồi “đắp chiếu” nhiều năm liên tục.
Trước mắt, về cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào KKT Đông Nam Nghệ An cần phải đồng bộ, thông thoáng hơn nữa để nhà đầu tư tiếp cận nhanh, tin cậy. Tình trạng “Tỉnh mở, Sở thì thắt lại” cần phải có cuộc cách mạng trong công tác thanh kiểm tra, giám sát ngay đội ngũ quản lý Nhà nước để chấn chỉnh, tháo gỡ kịp thời.
Mặt khác, nhà đầu tư hiện vẫn còn gặp rào cản rất lớn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên khi vào triển khai xây dựng phải chờ đợi, thậm chí hàng năm trời vẫn không xong thủ tục thuê đất…
Có thể bạn quan tâm
Bất động sản Nghệ An rơi vào trạng thái “ngủ đông”
17:00, 14/09/2021
Chủ mỏ 5 năm không xong thủ tục - Kỳ 3: Nhà đầu tư rơi vào “vòng xoáy” giấy tờ
03:30, 03/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Sửa Luật Đầu tư gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản
10:42, 02/10/2021
Haratour huy động 2.300 tỷ đồng trái phiếu để đầu tư Hilton Hải Phòng
10:23, 02/10/2021