Bến Tre: Nông nghiệp là nền tảng khôi phục kinh tế
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn do đại dịch COVID -19 gây ra, Ngành Nông nghiệp Bến Tre tiếp tục khẳng định vai trò là “bệ đỡ”, là nền tảng trong phát triển kinh tế, bảo đảm sự an toàn cho nhân dân.
Ttrong bối cảnh có nhiều khó khăn do đại dịch COVID -19, xâm nhập mặn xảy ra nhưng do chủ động triển khai các giải pháp ứng phó nên không gây thiệt hại lớn cho cây trồng, vật nuôi. 9 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 7,29%, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2020 và so với trung bình nhiều năm.
Hình thành chuỗi nông sản chủ lực
Về trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng và sản lượng lúa thu hoạch tăng so với cùng kỳ. Mặc dù diện tích trồng cây ăn trái giảm so với cùng kỳ, nhưng sản lượng thu hoạch tăng do người dân chăm sóc hiệu quả. Riêng đối với cây dừa tương đối ổn định, so với cùng kỳ có tăng nhẹ về diện tích và sản lượng với tỷ lệ 2,87% và 1,01%.
Về thủy sản, tổng diện tích nuôi thủy sản thả giống tăng 4,62%, tổng sản lượng nuôi đã thu hoạch ước đạt 94,75% so với cùng kỳ. Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao phát triển tốt, sản lượng cao, giá ổn định. Tính đến cuối tháng 9/2021, tổng diện tích đạt khoảng 1.950ha, năng suất bình quân 60 - 70 tấn/ha, sản lượng đạt 20.620 tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ.
Ông Đoàn Văn Đảnh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bến Tre cho biết, thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh có 100 tổ hợp tác, 58 hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực với nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, chuỗi dừa đã kết nối 12.036ha, đạt 16,5% tổng diện tích dừa toàn tỉnh; chuỗi bưởi da xanh đã thực hiện liên kết với diện tích ước khoảng 330ha; các chuỗi con heo, con bò và tôm biển cũng đạt kết quả nhất định, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp tham gia.
Việc liên kết sản xuất đã giúp người nông dân thuận lợi trong sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và hữu cơ. Toàn tỉnh hiện có trên 15.000ha cây ăn trái, thủy sản và dừa được công nhận GAP và hữu cơ, đã tiếp tục khẳng định chất lượng nông sản của tỉnh trên thị trường. Ngoài ra, tỉnh đã cấp 23 mã vùng trồng cây nhãn, chôm chôm, xoài và bưởi da xanh và 31 mã cơ sở đóng gói; có 2/8 sản phẩm chủ lực được xây dựng chỉ dẫn địa lý, triển khai xây dựng 6 nhãn hiệu tập thể, 4 nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã tập trung tạo bứt phá, nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, từng bước xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, có truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông nghiệp, theo mục tiêu xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, chuyển đổi mạnh theo hướng hiện đại hóa và thương mại hóa.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả, Ngành Nông nghiệp Bến Tre đã và đang tập trung triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu trên với phương châm “sản xuất tập trung, cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị, kết nối hiệu quả vào thị trường”, tăng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn nhanh và bền vững, góp phần hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh cũng đã xác định và xây dựng các chuỗi giá trị nông sản chủ lực là heo, bò, tôm biển, dừa, bưởi, chôm chôm, nhãn, cây giống - hoa kiểng... Đặc biệt, với hơn 74.000 ha dừa và trên 1.950 ha nuôi tôm công nghệ cao đang là tiềm năng và lợi thế để tỉnh phấn đấu khôi phục phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian sớm nhất.
Bến Tre tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TU, kế hoạch phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển công nghệ cao; đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi tôm công nghệ cao huyện Bình Đại. Hoàn thành Đề án thành lập Trung tâm Cây giống, hoa kiểng Chợ Lách; tập trung phát triển chuỗi tôm, bò, cây giống - hoa kiểng, thí điểm thành lập vùng sản xuất tập trung.
Tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với chuỗi giá trị, tạo động lực để doanh nghiệp, người dân thực hiện; Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm để tạo sự chuyển biến rõ nét trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Theo ông Đoàn Văn Đảnh, Bến Tre tiếp tục khuyến khích, kêu gọi đầu tư, thu hút các doanh nghiệp liên kết với người dân, hợp tác xã tiêu thụ nông sản, thủy sản. Đồng thời, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, chế biến tập trung, mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 30%.
Có thể bạn quan tâm