Bến Tre: Hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng bối cảnh mới
Tỉnh Bến Tre hiện có 5.337 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 51.885,78 tỷ đồng, trong đó 4.333 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 45.216,54 tỷ đồng.
Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Trúc Sơn – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre cho biết, với phương châm “chống dịch để sản xuất và sản xuất để có điều kiện chống dịch”, Bến Tre đã đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Trúc Sơn cho biết, Bến Tre đã thành lập Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ảnh hưởng của COVID-19. Đây là mô hình mới của tỉnh, được “kích hoạt” với quyết tâm phục hồi, phát triển kinh tế từ nay đến cuối năm 2021 và đạt mức tăng trưởng dương.
- Ông có thể cho biết nhiệm vụ cụ thể của Tổ công tác trong thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất an toàn trong bối cảnh bình thường mới?
Bến Tre đã xác định lộ trình, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong từng giai đoạn phù hợp với thực tiễn kiểm soát dịch bệnh COVID -19 trên địa bàn tỉnh. Từ đó, sớm đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới, hướng tới giảm tối đa các tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh đến kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, hướng tới mục tiêu thích ứng, sống chung an toàn, sản xuất an toàn trong bối cảnh dịch bệnh.
Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ảnh hưởng của COVID-19 được thành lập có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và lắng nghe các khó khăn, vướng mắc của các thành phần kinh tế để tìm, chỉ rõ những hạn chế, khó khăn của doanh nghiệp. Từ đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ; dần ổn định hoạt động, phục hồi sản xuất. Tổ công tác đặc biệt sẽ đi "từng ngõ, gõ từng doanh nghiệp" với quyết tâm đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường, góp phần tăng trưởng dương vào cuối 2021. Ưu tiên của tổ là từ nay đến tháng 12/2021, bằng mọi cách có thể tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội một cách tốt nhất.
- Bến Tre đã có những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh?
Để doanh nghiệp chuẩn bị phương án hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình mới, các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh đã có hướng dẫn cụ thể về các giải pháp sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, đề xuất các mô hình sản xuất an toàn để doanh nghiệp áp dụng, như: “1 cung đường 2 điểm đến mở rộng”, “ba cùng”, “ cung đường xanh, công nhân xanh”… Tỉnh cũng ưu tiên phân bổ vaccine phòng COVID -19 cho lực lượng trực tiếp sản xuất, kinh doanh.
Bến Tre sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, khôi phục dần theo cấp độ sẵn sàng và an toàn cho sản xuất; Thực hiện miễn, giảm thuế TNDN, tiền thuê đất, giá điện nước, một số phí theo quy định của Chính phủ; Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng để có khả năng phục hồi; thực hiện tốt Nghị quyết 105/NĐ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trong bối cảnh COVID-19… Bên cạnh đó, Bến Tre cũng kết nối với TP. HCM, Cần Thơ và các địa phương khác để tiêu thụ các sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp và sản phẩm OCOP… Đồng thời, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, xúc tiến thương mại trực tuyến để tìm kiếm thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Bến Tre cũng tập trung giúp doanh nghiệp chuyển đổi số và đẩy mạnh tiếp cận thị trường qua ứng dụng thương mại điện tử.
- Nhiều ý kiến lo lắng sẽ xảy ra “đứt gãy chuỗi cung ứng lao động” khi doanh nghiệp quay lại phục hồi sản xuất kinh doanh. Ở Bến Tre, vấn đề này được giải quyết như thế nào, thưa ông?
Về lao động, ngoài lực lượng lao động tại chỗ đang ngừng việc sẽ cho khởi động lại, tỉnh sẽ thực hiện tốt gói an sinh xã hội, gói bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116 của Chính phủ, sẽ tập trung đào tạo lại lao động và đặc biệt sẽ tận dụng nguồn lao động đang dịch chuyển về quê từ khu vực các tỉnh động lực kinh tế phía Nam (sau thời gian cách ly và an toàn trở lại lao động) là 1 nguồn lao động tốt cho các doanh nghiệp trong KCN, cụm công nghiệp của tỉnh. Đồng thời, kết nối lại lao động cho doanh nghiệp qua cho phép chuyên gia, kỹ thuật, lao động trở lại làm việc từ những nơi, địa phuong khác…
Cùng với việc giải quyết dứt điểm việc chi hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn, Bến Tre cũng tập trung rà soát nhu cầu lao động của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, nhất là lao động bị mất việc, ngưng việc trong thời gian giãn cách xã hội, lao động từ các địa phương khác trở về… để tổ chức tư vấn, kết nối tạo việc mới, đảm bảo nguồn lao động cho doanh nghiệp, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động… Từ đó, từng bước tái kết nối thị trường lao động trong và ngoài nước…
Bến Tre cũng hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho các chuyên gia lao động có tay nghề nước ngoài đến làm việc, sinh sống tại Bến Tre để phục vụ cho các công trình dự án trọng điểm… Đồng thời, thực hiện linh hoạt việc cấp giấy xác nhận cho người lao động nước ngoài làm việc tại địa bàn tỉnh phù hợp với bối cảnh mới và tuyệt đối an toàn về phòng, chống dịch.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm