Doanh nghiệp Nghệ An - cơ hội và thách thức tham gia EVFTA
EVFTA kỳ vọng mang lại nhiều triển vọng lớn trong thúc đẩy thương mại và đầu tư, có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng.
Ngày 01/8/2020, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực, mở ra những cơ hội và triển vọng vô cùng to lớn. Đây là một trong những Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới toàn diện, chất lượng cao, đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Hiệp định kỳ vọng sẽ mang lại nhiều triển vọng lớn trong thúc đẩy thương mại và đầu tư, có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng.
Bên cạnh các tác động chung tới nền kinh tế, Hiệp định cũng có những tác động khác nhau đối với các ngành do mức độ mở cửa, lợi thế cạnh tranh, năng lực của từng ngành là khác nhau. Ngoài ra, tác động gián tiếp của EVFTA thông qua sức ép cải cách thể chế cũng sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế nước ta. Đối với EU, thoả thuận này là bước đệm quan trọng cho một thoả thuận thương mại lớn hơn với các quốc gia ASEAN.
Cơ hội và bứt phá cho doanh nghiệp Nghệ An
EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ), đây quả là một thị trường rất tiềm năng với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nghệ An. Với 3,4 triệu dân và trên 23.000 doanh nghiệp đăng ký lũy kế, trong đó có hơn 13.200 doanh nghiệp đang hoạt động, đứng thứ 10 cả nước; EVFTA sẽ tạo ra nhiều cơ hội, là cú “hích” rất lớn cho xuất khẩu của Nghệ An, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giữa các doanh nghiệp Nghệ An vào thị trường châu Âu đều có sự tăng trưởng, trung bình đạt khoảng 50 - 60 triệu USD/năm, chiếm 6-7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Hiện có hơn 40 doanh nghiệp đang hoạt động xuất, nhập khẩu với thị trường EU và hơn 150 doanh nghiệp xuất khẩu khác sẽ có cơ hội mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Đây thực sự là con số khá khiêm tốn khi mà các doanh nghiệp Nghệ An ngày càng phát triển, đa dạng.
Những mặt hàng xuất khẩu đó phải kể đến là: Hàng dệt may (chiếm xấp xỉ 60%) với hơn 20 dự án may đã đầu tư và đi vào hoạt động, thu hút hàng chục ngàn lao động; hoa quả chế biến và nước hoa quả (xấp xỉ 30%); các mặt hàng khác như: Chè, hạt tiêu, hạt phụ gia nhựa, tinh dầu thông, gạch ốp lát... chiếm khoảng 10% được xuất khẩu sang thị trường 26/27 nước thuộc khối các nước EU, trong đó chủ yếu là Anh, Đức, Pháp. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như may mặc, hoa quả chế biến và nước hoa quả... dự kiến tăng cao và có lợi thế hơn cả do bên cạnh việc xoá bỏ thuế nhập khẩu, các doanh nghiệp có cơ hội cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp các nước đang được hưởng ưu đãi thuế quan từ EU. Bên cạnh đó, các mặt hàng nhóm nông sản như gạo (dự kiến tăng thêm 65% vào năm 2025), dệt (tăng thêm 67%)... đây là những thế mạnh mà các doanh nghiệp Nghệ An cần phát huy tối đa trong thời gian tới.
EVFTA còn tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Nghệ An tham gia vào các chuỗi cung ứng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tăng năng suất lao động, sản xuất nguyên phụ liệu, giảm gia công; tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, kéo theo sự đầu tư và phát triển của nhiều ngành công nghiệp hỗ trợ khác.
Những khó khăn và thách thức
Tuy nhiên, hơn 98% các doanh nghiệp Nghệ An là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), thậm chí siêu nhỏ. Tài chính hạn hẹp, công nghệ lạc hậu, khả năng tiếp cận, nắm bắt thông tin pháp luật, các nội dung cam kết trong các Hiệp định khá phức tạp đòi hỏi các doanh nghiệp phải có kiến thức nhất định, có cán bộ chuyên trách, khả năng thích ứng cao, nắm vững công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Ngoài ra, bên cạnh những thách thức như nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hoá để cạnh tranh tại thị trường EU, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hoá thông tin về lao động, môi trường sản xuất (vốn dĩ chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm); thì thách thức lớn nhất với các DNNVV phải đối mặt lại chính là các rào cản kỹ thuật mà nhiều doanh nghiệp Nghệ An đã ít quan tâm, như: Quyền sở hữu trí tuệ, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, quy tắc ứng xử, các quy định về bảo vệ môi trường, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, các quy định về tỷ lệ nội địa hóa… sẽ gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nafoods Group, một doanh nghiệp có khá nhiều kinh nghiệm với thị trường EU khẳng định: doanh nghiệp Nghệ An mặc dù đã có nhiều cố gắng, tìm tòi đối tác xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh, truyền thống sang EU, nhưng vẫn có nhiều điều cần lưu ý sau khi EVAFTA có hiệu lực. Hàng hoá xuất khẩu sang thị trường này muốn được hưởng ưu đãi thuế quan thì các doanh nghiệp cần đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hoá. Quy tắc xuất xứ trong EVFTA tuy không mới nhưng khá phức tạp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chú trọng đến các vấn đề về sở hữu trí tuệ, vệ sinh thực phẩm, trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, chỉ dẫn địa lý…
Đặc biệt, chỉ dẫn địa lý (CDĐL) – với mục đích nâng cao giá trị nông sản lẫn giá trị pháp lý, nhất là trong xuất khẩu, lại chưa được nhiều các doanh nghiệp quan tâm và đăng ký bảo hộ ở các thị trường nước ngoài. Điều này gây ra những thiệt hại nhất định và nguy cơ rủi ro cao, thậm chí gặp những vấn đề về pháp lý khi ra thị trường quốc tế. Trong khi CDĐL lại là đối tượng sở hữu trí tuệ mà EU đặc biệt quan tâm do khối này có khá nhiều sản phẩm được bảo hộ, đa phần đó lại là những sản phẩm thế mạnh của Nghệ An. Hơn nữa, cơ chế đăng ký bảo hộ và quản lý CDĐL của ta nhìn chung còn mang tính “bao cấp” khiến không ít doanh nghiệp và các nhà nông dân không quan tâm, thậm chí thờ ơ, ỷ lại, xem như là chuyện ở đâu đâu. Nghệ An có nhiều sản phẩm nông nghiệp ngon, có uy tín nhưng việc đăng ký CDĐL hay bảo hộ thương hiệu vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ.
Về lĩnh vực này, ThS. Nguyễn Thế Thắng – Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An cho biết, nhiều tỉnh đang khá chú trọng về CDĐL nhưng các doanh nghiệp Nghệ An vẫn còn thiếu mặn mà, trừ một số thương hiệu mạnh như cam của Trang trại cam Thiên Sơn. Thương hiệu cam Vinh nói chung và thương hiệu cam Thiên Sơn nói riêng tại Nghệ An đã có một trang trại cam đạt chứng chỉ xuất khẩu toàn cầu. Đây là loại cam Xã Đoài lòng vàng thuộc vùng CDĐL cam Vinh là vùng cam ngon nổi tiếng được áp dụng nghiêm ngặt từ quy trình sản xuất, chăm bón đến bảo quản sản phẩm đều đạt mọi tiêu chuẩn khắt khe. Cuối năm 2020, Trang trại cam Thiên Sơn đã được nhận Chứng chỉ Nông nghiệp tốt toàn cầu GlobalGAP (Global Good Agricultural Practices). Đây là một trong những sản phẩm có thương hiệu mạnh có thể xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có thị trường EU đầy tiềm năng.
Tuy nhiên, theo ThS. Thắng, các doanh nghiệp và nhà sản xuất Nghệ An còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu chuyên nghiệp nên phần nhiều mới chỉ chú trọng tiêu chuẩn VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices: Chứng chỉ gồm tiêu chuẩn/quy phạm quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp ở Việt Nam) mà chưa quan tâm nhiều đến các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP. Một phần cũng do các mặt hàng chưa đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe như chất lượng, sản lượng và các tiêu chí kỹ thuật khác nên giá thành tương đối cao, chủ yếu đáp ứng thị trường trong nước. “Để thương hiệu Nghệ phát triển, tham gia vào xuất khẩu trong đó có thị trường EU và các chuỗi liên kết trên thế giới thì cần có sự quan tâm, các chính sách hỗ trợ, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền trong đó có vai trò của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và liên kết HTX’’, ông Thắng nói.
Mặc dù ngành dệt may là một trong những thế mạnh của tỉnh nhà, nhưng trên thực tế, sản phẩm dệt may phần nhiều là hàng gia công xuất khẩu, giá trị gia tăng thấp, công nghiệp hỗ trợ cho ngành như sản xuất nguyên, phụ liệu, thiết bị, đào tạo nghề, thiết kế... phát triển chưa cao, nên xuất khẩu sang EU chưa nhiều dù có tiềm năng. Bên cạnh đó, Quy tắc xuất xứ trong EVFTA đối với mặt hàng này khá chặt chẽ, sản phẩm dệt may lại cần phải đáp ứng tiêu chí công đoạn gia công chế biến cụ thể quy định tại Hiệp định này nên đây được xem là thách thức không nhỏ khi mà ngành này vẫn dựa vào nhập khẩu vải, nguyên liệu dệt may… nên đây là thách thức rất lớn, buộc các doanh nghiệp cần nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, đổi mới và nỗ lực nhiều trong sản xuất, kinh doanh; nhất là khẳng định thương hiệu vốn rất được chú trọng tại EU trong khi thương hiệu của nhiều doanh nghiệp Nghệ An còn thiếu được quan tâm, nên thiếu sức cạnh tranh, thậm chí ngay cả trong nước.
Hơn nữa, kiến thức về pháp luật, đặc biệt là luật pháp quốc tế trong kinh doanh của các doanh nghiệp Nghệ An còn chưa cao. Để tận dụng các ưu đãi từ EVFTA, các doanh nghiệp cần tìm tòi, nghiên cứu những cam kết của EVFTA liên quan tới xuất khẩu, như: thuế quan và quy tắc xuất xứ để từ đó điều chỉnh quy trình sản xuất cho phù hợp.
Một thách thức không nhỏ của các doanh nghiệp Nghệ An là thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề cao khi mà ngày càng nhiều dự án đầu tư đi vào hoạt động, các làn sóng đầu tư khác cũng sẽ tràn vào, tạo ra sự cạnh tranh về nguồn lao động, các ngành, các doanh nghiệp sẽ thiếu lao động cục bộ trong những năm tới. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, rất nhiều lao động có tay nghề từ các địa phương khác đã và đang về Nghệ An, khả năng không trở lại nữa thì đây sẽ là nguồn nhân lực dồi dào, nhưng chưa nhiều để đáp ứng cho tất cả doanh nghiệp.
Với tư cách là một nhà đầu tư đang triển khai nhiều dự án ở Nghệ An, ông Nguyễn Công Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển thương mại Hacovina cho biết, ông đã tận mắt chứng kiến từng đoàn người, phần lớn là công nhân từ các KCN ở TP. HCM, Bình Dương đổ về Nghệ An mà không khỏi sốt ruột, chạnh lòng. Đây là nguồn lực vô cùng lớn mà các doanh nghiệp khác mất đi nhưng lại là cơ hội vàng mà Nghệ An có được. Chính quyền tỉnh nhà cần có ngay cơ chế phù hợp, có lợi nhất cho người lao động để thu hút họ, nếu không thì hai tỉnh láng giềng là Hà Tĩnh và Thanh Hoá sẽ lấy mất cơ hội này. “Hai tỉnh này đang thu hút đầu tư rất hiệu quả, có nhiều dự án lớn cần một số lượng nhân công khổng lồ trong tương lai gần. Khoảng cách địa lý cộng với giá nhân công có tính cạnh tranh sẽ là sự lựa chọn hàng đầu của người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa biết bao giờ chấm dứt”, ông Hải khẳng định.
Chính quyền cần vào cuộc hơn nữa để tháo gỡ nút thắt
Với sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương, Nghệ An còn có nhiều chính sách sáng tạo, phù hợp tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng; khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh liên kết, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất khu vực và toàn cầu; đặc biệt đối với các doanh nghiệp dệt may, chế biến khoáng sản, hoa quả, thuỷ hải sản xuất khẩu….
Lãnh đạo các cấp vào cuộc quyết liệt, giải quyết không ít kiến nghị, vướng mắc cho doanh nghiệp để họ yên tâm sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các sở, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, VCCI đã tổ chức nhiều hoạt động như hội thảo, đào tạo, hội chợ xúc tiến thương mại… nhằm cung cấp những kiến thức hội nhập và tìm kiếm khách hàng cho các doanh nghiệp. Nhưng để cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà có đủ tầm, đủ kiến thức và bản lĩnh hội nhập, cụ thể là tận dụng cơ hội mà EVFTA mang đến thì còn rất nhiều chuyện phải bàn.
Bên cạnh những nỗ lực đã làm, việc đầu tiên, ngoài nỗ lực của chính doanh nghiệp thì chính quyền tỉnh Nghệ An cần đẩy nhanh, hiệu quả hơn nữa tiến trình cải cách hành chính, tinh giản và sát nhập bộ máy nhằm phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. Đẩy nhanh việc tuyên truyền nội dung, tầm quan trọng của Hiệp định; phối hợp với các Hiệp hội Doanh nghiệp liên tục mở các khoá đào tạo, tập huấn hướng dẫn triển khai, thực hiện các nội dung cam kết cũng như các quy định trong EVFTA cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; giúp các doanh nghiệp vượt qua những rào cản, quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu chủ lực như may mặc, hoa quả chế biến và nước hoa quả, các sản phẩm sữa…
Đặc biệt chú trọng đẩy nhanh việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực vốn là thế mạnh của tỉnh nhà, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao vì theo dự báo, trong năm 2022 và nhiều năm sau đó, Nghệ An sẽ thiếu hàng chục nghìn lao động mỗi năm. Cùng với doanh nghiệp, chính quyền cần có các chính sách chăm lo đời sống và lợi ích người lao động phù hợp để bên cạnh việc đào tạo, thu hút thêm nguồn lực này từ các địa phương khác, nhất là trong đợt dịch COVID-19 này, khi mà rất nhiều lao động thất nghiệp và có xu hướng trở về quê hương cho an toàn.
Có thể bạn quan tâm
Nhà thầu “lên dây cót” cho gói vốn hơn 100 tỷ đồng mua xi măng ở Nghệ An
11:00, 28/10/2021
Cầu cũ xuống cấp, Nghệ An bố trí hơn 200 tỷ đồng xây dựng công trình thay thế
11:16, 27/10/2021
Bức thiết nhà ở công nhân (KỲ II): Gánh nặng trên vai hàng nghìn công nhân ở Nghệ An
05:00, 27/10/2021
Cơ chế, chính sách đặc thù (Bài 2): “Đòn bẩy” để Nghệ An bứt phá
09:00, 26/10/2021
Sẽ đấu nối lưới điện Quốc gia cho miền Tây Nghệ An trong năm 2021?
03:50, 24/10/2021
Nghệ An: Bụi bặm, xe tải trọng lớn "đại náo" đường du lịch ven sông Lam
21:10, 20/10/2021
Nghệ An: “Siêu dự án” tại TP Vinh bao giờ hồi sinh?
16:30, 20/10/2021
Bộ Công Thương hạn định hoà lưới điện cho miền Tây Nghệ An bao lâu?
16:30, 19/10/2021
Nghệ An bố trí hơn 4,3 nghìn tỷ đồng vốn trung hạn để kiến thiết hạ tầng
01:56, 19/10/2021
Nghệ An: Kỳ vọng logistics đột phá sau dự án hơn 200 tỷ
15:33, 18/10/2021