Cấp bách nước sinh hoạt cho Hải Phòng
Yêu cầu đảm bảo nguồn nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho Hải Phòng ngày càng trở nên cấp bách hơn khi các con sông cung cấp nguồn nước thô phục vụ nước sinh hoạt của Hải Phòng đều đang bị ô nhiễm nặng.
Nguồn nước phục vụ sản xuất nước sinh hoạt của Hải Phòng chủ yếu được lấy từ sông Rế thuộc hệ thống thủy lợi An Kim Hải và sông Đa Độ. Nguồn nước thuộc 2 sông này đang cung cấp nước thô sản xuất nước sạch phục vụ 80% dân số khu vực nội thành Hải Phòng.
Muôn nẻo… ô nhiễm
Hàng ngày, nguồn nước từ những con sông này đang hứng chịu hàng vạn m3 nước thải chưa qua xử lý từ khu dân cư, cơ sở sản xuất, làng nghề. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Kim Hải, trên kênh thủy lợi thuộc hệ thống sông Rế có đến 365 điểm xả thải của các doanh nghiệp, gần 100 điểm của các khu dân cư, hộ kinh doanh. Ngoài sông Rế, sông Giá và sông Đa Độ cũng đang ở mức báo động về ô nhiễm.
Theo báo cáo kết quả quan trắc năm 2020 của Sở TN&MT TP. Hải Phòng, tại sông Đa Độ chỉ có 47% số mẫu đạt chỉ tiêu đầu vào để sản xuất nước sinh hoạt và có tới 10% số mẫu bị ô nhiềm nặng. Tại sông Rế, có hơn 50% số mẫu không đạt chỉ tiêu cung cấp nước thô để sản xuất nước sinh hoạt.
Theo ông Trần Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cấp nước Hải Phòng, tình trạng trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, cung cấp nước sạch của Công ty. Trong đó, ngoài việc sử dụng công nghệ bể lọc tiếp xúc sinh học uBCF, Công ty phải sử dụng thêm các hóa chất như thuốc tím, than hoạt tính, cát bọc mangan và bổ sung ô xy để nâng cao hiệu quả của hệ thống lọc. Mặc dù vậy, nhiều thời điểm do mức độ ô nhiễm của nước thô tăng rất cao, Công ty không thể xử lý được theo Quy chuẩn chất lượng nước hiện hành, nên phải dừng hoạt động tại một số nhà máy nước (Vật Cách, Vĩnh Bảo 2).
Cần giải pháp dài hạn
Theo ông Trần Quang Hoạt - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Kim Hải, để hạn chế mức độ ô nhiễm nguồn nước, Công ty xây dựng đập chặn, không cho nước từ kênh nhánh đổ vào trục chính gây ô nhiễm; đồng thời thau đảo, lấy nguồn nước từ cống Kim Sơn tại sông Cấm chuyển vào kênh, sau đó tháo ra để "pha loãng" nồng độ chất ô nhiễm. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ hạn chế phần nào mức độ ô nhiễm.
Báo cáo mới đây gửi Đoàn giám sát của HĐND TP. Hải Phòng, Sở TN&MT cho biết, giải pháp trước mắt để bảo vệ nguồn nước thô tại Hải Phòng là nâng cấp, cải tạo hoặc xây mới các trạm bơm để bơm nước thải ra khỏi các sông: Giá, Rế, Đa Độ, Chanh Dương, Hòn Ngọc… Bên cạnh đó, xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung để xử lý cục bộ các điểm ô nhiễm nặng đang xả vào các nguồn nước ngọt.
Tuy nhiên về dài hạn, các chuyên gia cho rằng Sở TN&MT Hải Phòng cần kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước ngọt; Chủ trì cắm mốc hành lang bảo vệ các nguồn nước ngọt theo quy định mới của Luật Thủy lợi 2017 và Quyết định số 28/2018/QĐUBND của UBND thành phố; đồng thời tăng cường quản lý, kiểm soát dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; kiểm soát nước thải từ các trang trại nuôi chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nhà máy, cơ sở sản xuất trong phạm vi lưu vực nguồn nước…
Có thể bạn quan tâm