Hà Tĩnh: Gỡ khó tiêu thụ nông sản chủ lực giữa mùa dịch
Nhằm mở rộng kênh phân phối tiêu thụ và góp phần quảng bá thương hiệu cam, Hà Tĩnh đã triển khai nhiều hoạt động kết nối với các đơn vị phân phối lớn trên toàn quốc và các sàn thương mại điện tử.
>>Bắc Giang: Kết nối tiêu thụ nông sản chủ lực
Nỗi lo tìm đầu ra cho cam đặc sản
Thời gian này, các địa phương trồng cam trên địa bàn Hà Tĩnh đang vào vụ thu hoạch và xuất bán ra thị trường. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tiêu thụ cam gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là các thương lái đến mua trực tiếp tại vườn hoặc phân phối đến các điểm bán nhỏ lẻ trong và ngoài tỉnh như Nghệ An, Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… Việc tiêu thụ cam qua các kênh như siêu thị, sàn thương mại điện tử, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch để tạo đầu ra bền vững vẫn còn khá hạn chế.
Ông Đinh Văn Nhâm, Giám đốc HTX nông nghiệp cam Khe Mây, huyện Hương Khê cho biết: “Với diện tích 68 ha, năm nay, chúng tôi ước sản lượng đạt hơn 800 tấn cam. Đến thời điểm này, chúng tôi đã xuất bán khoảng 50 tấn, giá dao động từ 25 – 35.000 đồng/kg. Bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, các thành viên HTX cũng đẩy mạnh bán hàng thông qua các kênh mạng xã hội hoặc đặt qua điện thoại.Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 khiến việc vận chuyển cam đi các tỉnh khác tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, chi phí đội lên khá cao".
Giám đốc HTX cam Thành Đạt, huyện Vũ Quang ông Trần Minh Công cũng cho hay: “Cam Vũ Quang được trồng kết hợp với nuôi ong nên đã tạo được mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm. Mặc dù, thời gian qua cam đã được kết nối trong và ngoài tỉnh nhưng số lượng tiêu thụ chưa nhiều. Chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ lớn hơn bên cạnh việc bán lẻ thông qua thương lái. Để sản phẩm cam phát triển chúng tôi rất mong tỉnh có phương án xây dựng cơ sở chế biến hoa quả trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có sản phẩm cam”.
Hiện, tổng diện tích trồng cam trên địa bàn Hà Tĩnh đạt trên 7.900ha chủ yếu tại 04 huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc. Diện tích cho sản phẩm đạt gần 5.600ha, trong đó diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 1.657 ha, năng suất đạt trên 11,7 tấn/ha, tổng sản lượng cam năm 2021 ước đạt trên 65.000 tấn. Một số giống cam đã xây dựng được thương hiệu như Cam Thượng Lộc, Cam Vũ Quang, cam bù Hương Sơn…
Nỗ lực kết nối tiêu thụ cam
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Nhiều năm qua, cam được xem là một trong 15 cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh. Để phát triển giống cây cam, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp mở rộng diện tích, tăng năng suất nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đồng thời chú trọng sản xuất sản phẩm sạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ứng dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng (VietGAP, hữu cơ)”.
Nhằm mở rộng kênh tiêu thụ cho bà con, tỉnh Hà Tĩnh đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cây cam Hà Tĩnh tại địa chỉ https://camhatinh.gov.vn nhằm minh bạch thông tin đến người tiêu dùng, hiện đã kết nối 1.611 hộ sản xuất, 278 HTX/THT. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang triển khai mô hình sản xuất cam hữu cơ chuyển đổi năm thứ 2 với quy mô 3 ha tại xã Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang) và xã Lộc Yên (huyện Hương Khê).
Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với Bộ Công Thương kết nối tiêu thụ cam Hà Tĩnh tại hệ thống phân phối, bán lẻ lớn như chuỗi siêu thị Vinmart và Vinmart+ của Tập đoàn Masan, siêu thị Co.opmart, siêu thị Big C; xây dựng gian hàng cam Hà Tĩnh trên các sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam như voso, postmart, sendo, shopee và sàn thương mại điện tử của tỉnh; tổ chức nhiều hình thức xúc tiến quảng bá, kết nối với các doanh nghiệp đầu mối để đưa sản phẩm cam Hà Tĩnh đến với người tiêu dùng trong nước.
Nhờ sự hỗ trợ và vào cuộc của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, đến nay sản lượng cam tiêu thụ đạt 13.000-14.000 tấn, bước đầu thâm nhập vào hệ thống phân phối hiện đại như Vinmart, Coopmart, sàn thương mại điện tử.
Có thể bạn quan tâm