Bình Dương sát cánh cùng doanh nghiệp để phục hồi và phát triển

THÙY LINH 01/12/2021 15:56

Trở về trạng thái “bình thường mới”, tỉnh Bình Dương tiếp tục sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tỉnh sẽ tận dụng tối đa mọi nguồn lực để phục hồi và phát triển.

Ngày 01/12, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức Hội thảo trực tuyến "Thích ứng an toàn, linh hoạt để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bình Dương". 

Ông Võ Văn Minh

Ông Võ Văn Minh– Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biều tại hội thảo.

Mở cửa an toàn

Phát biểu tại Hội thảo trực tuyến "Thích ứng an toàn, linh hoạt để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bình Dương", ông Võ Văn Minh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, với việc thay đổi chiến lược chống dịch từ "không có COVID-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", Bình Dương đã trở về trạng thái "bình thường mới" với những tín hiệu khả quan. Tỉnh đã thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm theo từng giai đoạn, diễn biến dịch để chủ động phát hiện, bóc tách F0 tại các khu vực nguy cơ cao và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Thực hiện xét nghiệm, tầm soát tất cả các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ, xét nghiệm giám sát trọng điểm tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người nhằm kiểm soát và ngăn chặn chuỗi lây nhiễm mới.

Lũy kế đến ngày 29/11/2021, toàn tỉnh đã triển khai tiêm 4.248.367 liều vắc xin phòng Covid-19; tiêm được 206.383 liều cho đối tượng 12-17 tuổi và 16.836 liều đã tiêm cho người nước ngoài.

Bên cạnh đó, nhằm mở cửa an toàn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau dịch COVID-19, tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký thực hiện các phương án sản xuất phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.195 doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp (chiếm tỷ lệ 90,25%) với tổng số 401.768 lao động (chiếm 82,7%) đăng ký và hoạt động sản xuất theo mô hình "1 cung đường, 2 địa điểm", "3 tại chỗ", "3 xanh" và "3 tại chỗ linh hoạt".

Theo ông Võ Văn Minh, kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2021 tiếp tục đạt kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 2,79%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài 2,069 tỷ USD; thu, chi ngân sách vượt chỉ tiêu đề ra…

Các đại biểu tham dự hội thảo

Toàn cảnh hội thảo tại điểm cầu Bình Dương.

Khi trở về trạng thái “bình thường mới”, tỉnh lại tiếp tục sát cánh và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, để đảm bảo nguồn lao động phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tỉnh đã ban hành kế hoạch phối hợp thu hút, đón người lao động từ các tỉnh, thành phố có nhu cầu trở lại Bình Dương làm việc; tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp có nhu cầu về lao động thực hiện các bước theo quy định; phối hợp cùng với các tỉnh, thành phố thống nhất cơ chế phối hợp, hỗ trợ để người lao động trở lại, đến Bình Dương làm việc được thuận lợi. 

Tận dụng nguồn lực để phục hồi và phát triển

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đánh giá các giải pháp của tỉnh Bình Dương là linh động, kịp thời, phù hợp với thực tiễn và nhận định rõ tầm quan trọng của việc thích ứng và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới. TS. Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Đại học Sydney, Australia cho rằng, để thích ứng linh hoạt, an toàn với COVID-19, Bình Dương cần tập trung vào vắc - xin, tiêm đúng, tiêm trúng và ưu tiên tiêm cho nhóm từ 50 tuổi trở lên, nhóm có bệnh nền; đồng thời lập kế hoạch tiêm nhắc lại, nhận chuyển giao công nghệ vắc xin và dược phẩm.. không hạn chế các hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng các kịch bản điều trị, cho nhập viện với những trường hợp có nguy cơ bệnh nặng cao và nâng cao năng lực y tế cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác điều trị từ xa.. 

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đánh giá các giải pháp của tỉnh Bình Dương là linh động, kịp thời, phù hợp với thực tiễn và nhận định rõ tầm quan trọng của việc thích ứng và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới.

Nhiều đại biểu đánh giá các giải pháp của Bình Dương là linh động, kịp thời, phù hợp với thực tiễn.

Đối với giải pháp dự phòng cho biến thể mới, các đại biểu đề nghị Bình Dương cần cập nhật liên tục tình hình của biến thể Omicron để chuẩn bị kịch bản ứng phó; đồng thời xây dựng mạng lưới cơ sở đủ năng lực và hoạt động linh hoạt, nâng cao năng lực tự ứng cứu của người dân.

Theo TS.Lê Đặng Trung - Tổng Giám đốc Công ty Real-Time Analytics, chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh là một trong những vấn đề chủ chốt, tạo bước tiến mới cho việc phục hồi và phát triển kinh tế của Bình Dương. Cụ thể, khi mở cửa nền kinh tế và sống chung với dịch COVID-19, người dân sẽ được hỗ trợ về kiến thức, thông tin và liên hệ hỗ trợ y tế; giúp cán bộ cơ sở giảm tải công việc và tăng chất lượng phục vụ; các cơ quan quản lý thông tin điều hành được hiệu quả hơn…

TS Lê Đặng Trung cho rằng, bài toán trong chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch, để phục hồi sản xuất là cần phải mở cửa nền kinh tế và thích nghi an toàn với dịch COVID-19. Bên cạnh đó, cần phải thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân kịp thời kết nối việc làm, thị trường lao động; Hỗ trợ phục hồi và phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương,Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đánh giá cao những nỗ lực, sáng kiến và giải pháp của Bình Dương trong thời gian qua. Bình Dương sẽ tìm ra lời giải mới, hướng đi phù hợp để thích ứng an toàn với dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế; từ đó, giữ vững nền tảng phát triển của mình, tiếp tục là khu vực kinh tế năng động đóng vai trò quan trọng tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương chia sẻ, Bình Dương đã bước qua đỉnh dịch, khó khăn vẫn còn chồng chất, tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong tỉnh cùng chung tay tái cấu trúc nền kinh tế. Tỉnh sẽ tận dụng tối đa mọi nguồn lực để đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển các ngành thương mại-dịch vụ và kinh tế số, chú trọng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động và năng lực cạnh tranh là những vấn đề cần hướng tới nhằm khắc phục và phát triển kinh tế-xã hội một cách hiệu quả, an toàn với dịch bệnh.

Bên cạnh các giải pháp ngắn hạn, cấp bách, Bình Dương sẽ triển khai các nhóm giải pháp dài hạn để phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng và tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế một cách bền vững; tăng cường chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh; triển khai nhanh các dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động” – Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Bình Dương tổ chức hội thảo trực tuyến xúc tiến đầu tư Nhật Bản

    Bình Dương tổ chức hội thảo trực tuyến xúc tiến đầu tư Nhật Bản

    14:07, 30/11/2021

  • Bình Dương thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao

    Bình Dương thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao

    15:27, 26/11/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bình Dương phấn đấu kiểm soát dịch bệnh, phát triển kinh tế

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bình Dương phấn đấu kiểm soát dịch bệnh, phát triển kinh tế

    19:10, 19/11/2021

  • Bình Dương: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh nhiều khó khăn

    Bình Dương: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh nhiều khó khăn

    17:56, 18/11/2021

  • Bình Dương điểm sáng trong phát triển nhà ở cho công nhân

    Bình Dương điểm sáng trong phát triển nhà ở cho công nhân

    17:24, 16/11/2021

THÙY LINH