Bình Dương Linh hoạt thích ứng
Bình Dương sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp, vừa chống dịch, vừa thích ứng, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, duy trì chuỗi cung ứng, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khẳng định.
>>Bình Dương sát cánh cùng doanh nghiệp để phục hồi và phát triển
- Thưa ông, là một trong những địa phương nằm trong tâm dịch, nhưng vượt qua mọi khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Bình Dương đã nỗ lực thực hiện mục tiêu kép?
Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội, kéo theo hiệu ứng dây chuyền làm ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực được xem là thế mạnh của Bình Dương. Trong bối cảnh đó, tỉnh Bình Dương đã đưa ra nhiều giải pháp vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế -xã hội. Đặc biệt, tỉnh đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp và trực tiếp khảo sát, nắm tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn phục hồi sản xuất của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới. Đến nay, trên 90% doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã hoạt động trở lại, theo các mô hình như “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, "3 xanh" và "3 tại chỗ linh hoạt... Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2021 tăng 3,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 26 tỷ 442 triệu USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 21 tỷ 480 triệu USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ. Duy trì mức xuất siêu đạt 05 tỷ USD...
Thu ngân sách trên địa bàn 10 tháng đạt 52.000 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ, đạt 89% dự toán HĐND tỉnh. Trong đó, thu nội địa 35.700 tỷ đồng, đạt 84% dự toán HĐND tỉnh; thu từ lĩnh vực xuất nhập khẩu là 16.300 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ, đạt 102% dự toán HĐND tỉnh…
Cùng với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Bình Dương cũng đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội cho người dân chịu ảnh hưởng dịch bệnh. Đến ngày 22/10/2021, tỉnh đã chi 2.560 tỷ đồng hỗ trợ hơn 3,8 triệu lượt người...
- Khó khăn là vậy, nhưng trong bối cảnh bình thường mới, Bình Dương đã đặt ra lộ trình phục hồi và phát triển kinh tế như thế nào, thưa ông?
Dịch COVID-19 dù được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất nhưng vẫn còn gặp khó khăn về nguyên vật liệu, thị trường, chi phí sản xuất tăng cao; một số hoạt động thương mại, dịch vụ vẫn phải tạm dừng do yêu cầu phòng, chống dịch; giá vật tư nông nghiệp tăng trong khi giá thành sản phẩm biến động bất thường; giải ngân vốn đầu tư công thấp so với kế hoạch; đời sống người dân, việc làm người lao động tuy được quan tâm hỗ trợ nhưng vẫn còn gặp khó khăn...
Trong bối cảnh bình thường mới, Bình Dương đã đặt ra lộ trình, kế hoạch phục hồi kinh tế của tỉnh, với quan điểm tuyệt đối không chủ quan, nóng vội mở cửa, khôi phục lại các loại hình kinh doanh, dịch vụ, nhất là những vùng có nguy cơ cao… việc phục hồi sẽ kinh tế thực hiện song song cùng với các biện pháp, giải pháp bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh. Trên tinh thần sản xuất phải an toàn, an toàn mới được sản xuất. Cùng với việc hoàn thành đủ 2 mũi tiêm vaccine cho toàn bộ người dân sinh sống, làm việc trên địa bàn, tỉnh mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội một cách có chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại... Theo dự kiến, từ sau 31/12/2021, khi kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn “vùng đỏ”, “vùng vàng”, tỉnh sẽ mở cửa lại toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội…
Đặc biệt, bên cạnh việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ, tỉnh Bình Dương cũng xây dựng kế hoạch đón người lao động trở lại Bình Dương làm việc; hỗ trợ với doanh nghiệp tuyển dụng thêm công nhân, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
- Trong bối cảnh dịch bệnh, Bình Dương vẫn là một trong những tỉnh dẫn đầu của cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, theo ông đâu là điểm nhấn thu hút đầu tư nước ngoài tại Bình Dương?
Từ đầu năm đến nay, Bình Dương đã thu hút được hơn 1,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 5% so với cùng kỳ. Trong đó, có 54 dự án đầu tư mới (566 triệu USD), 22 dự án điều chỉnh tăng vốn (799 triệu USD) và 149 dự án góp vốn (381 triệu USD). Lũy kế đến nay, Bình Dương thu hút được 4.001 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn 36,95 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước, sau TP HCM.
>>Bình Dương tổ chức hội thảo trực tuyến xúc tiến đầu tư Nhật Bản
>>Bình Dương tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư Ý
Thực tế cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài luôn mong muốn, trong quá trình cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, cơ quan chức năng cần tiếp tục quan tâm hơn nữa trong tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động, tinh thần, thái độ phục vụ của các cơ quan hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức đối với doanh nghiệp theo hướng cùng đồng hành và cùng chia sẻ. Chính vì vậy, thời gian qua Bình Dương đã quyết liệt trong cải cách hành chính, nhất là đối với các thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh qua đó tạo mội trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng.
Tỉnh cũng tăng cường hoạt động đối thoại, gặp gỡ giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh… Điều đó được thể hiện qua việc tỉnh luôn nằm trong nhóm các địa phương xếp hạng cao của cả nước và đứng đầu Vùng Đông Nam bộ về chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2020, trong bảng xếp hạng PCI, Bình Dương xếp vị trí thứ 4 trong cả nước, thuộc nhóm "Rất tốt". Bình Dương được Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh vào TOP 7 các cộng đồng có chiến lược phát triển thông minh trên thế giới. Đặc biệt, trong những tháng gần đây, để tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh gây ra cho doanh nghiệp, tỉnh đã thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại, gặp gỡ với doanh nghiệp, nhà đầu tư, hiệp hội ngành hàng với các hình thức phù hợp và phát huy vai trò của Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy các chương trình hợp tác phát triển và xúc tiến đầu tư… chính vì vậy, các doanh nghiệp đã luôn an tâm, tin tưởng khi đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh tại Bình Dương.
- Bình Dương đã và đang chuẩn bị những gì để đón làn sóng đầu tư mới, thưa ông?
Để thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh, cùng với việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Bình Dương đã và đang Bình Dương cũng đặc biệt quan tâm cải thiện, xây dựng kết cấu hạ tầng kết nối giao thông vùng, phát triển logistics; tập trung đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin chú trọng đầu tư về môi trường…
Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng đầu tư khu đô thị vệ tinh, khu đô thị thông minh và các hệ thống hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu giao thương, du lịch… nhằm tạo bước đột phá, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa cả về chất lượng và số lượng doanh nghiệp đầu tư.
Đặc biệt, trong lĩnh vực giao thông, Bình Dương tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, đa dạng hóa nguồn lực và phương thức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình hướng ngoại quan trọng; xây dựng các trục giao thông nội bộ kết nối các khu vực trong tỉnh, góp phần tạo động lực phát triển, với các dự án giao thông quan trọng như: Dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 13; dự án chống ùn tắc giao thông, cải tạo cảnh quan trên tuyến đường Mỹ Phước-Tân Vạn, ĐT 746, ĐT 747B; ĐT 743; Dự án tuyến đường vành đai 3, vành đai 4, TP HCM (đoạn qua tỉnh); Dự án tuyến cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành…
- Ông có chia sẻ gì với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh?
Với phương châm xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của mình, lãnh đạo tỉnh Bình Dương sẽ nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất; hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc khơi thông xuất khẩu, ổn định đời sống cho người lao động.
Mục tiêu cho thời gian sắp tới của Bình Dương vừa phải chống dịch hiệu quả, ngăn chặn, đẩy lùi, không để bùng phát dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống người dân năm sau tốt hơn năm trước...
Chúng tôi luôn cầu thị và lắng nghe những phản ánh, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp trong việc hoạch định và thực thi các chương trình, kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh… để Bình Dương tiếp tục là điểm đến an toàn, thân thiện của các nhà đầu tư.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm