Bình Dương: Hướng tới thành phố thông minh và sáng tạo
Bình Dương lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh là 1 trong 21 đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới.
>>Bình Dương ưu tiên các dự án giao thông kết nối vùng
Xây dựng thành phố thông minh sẽ tiếp tục tạo động lực mới để nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh tầm quốc tế, vươn đến nền kinh tế tri thức, kinh tế số, đổi mới sáng tạo… đưa kinh tế - xã hội Bình Dương ngày càng phát triển.
Xây dựng Thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương không chỉ phục vụ cho gần 2,5 triệu dân mà còn phục vụ cho hàng ngàn nhà đầu tư tại Bình Dương và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Những bước đi chiến lược
Từ năm 2016, Bình Dương chính thức công bố đề án TPTM Bình Dương. Đề án là chương trình đột phá kinh tế - xã hội, đưa kinh tế của tỉnh chuyển dần sang dịch vụ - công nghệ cao, xây dựng Bình Dương trở thành đô thị xanh, thông minh và hiện đại. Để xây dựng TPTM, Bình Dương đã triển khai đồng bộ, mạnh mẽ theo mô hình Ba Nhà (Nhà nước, doanh nghiệp, nhà trường), từ đó đã giúp tỉnh chuyển mình nhanh chóng và đạt được những thành tựu ấn tượng.
>>Bình Dương tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân năm 2021
>>CEN Sài Gòn đẩy mạnh phát triển dự án trọng điểm tại Bình Dương
TS. Nguyễn Việt Long - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Văn phòng thành phố thông minh cho biết, khác với cách tiếp cận thông thường chỉ chú trọng ứng dụng công nghệ vào đô thị, Bình Dương đã triển khai xây dựng TPTM như một hệ sinh thái năng động sáng tạo, trong đó mọi thành tố không ngừng được cải tiến, đổi mới, tối ưu hóa. Đề án TPTM lấy mô hình Ba Nhà làm trụ cột, đặt con người và tri thức làm trọng tâm, lấy hợp tác kết nối làm phương châm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Từ 2016-2020, đề án đã triển khai giai đoạn đầu tiên bằng một kế hoạch hành động tổng thể “Binh Duong Navigator 2021”. Kế hoạch này xác định những phương hướng phát triển và hành động cụ thể để xây dựng Bình Dương - với vai trò là một bộ phận quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Việt Nam - hướng đến TPTM, là khu vực mang tầm quốc tế về khoa học công nghệ và kinh tế trong các lĩnh vực cải tiến sáng tạo, dịch vụ và sản xuất công nghệ cao.
Ông Nguyễn Việt Long cho biết, đến nay Bình Dương đã đạt được những kết quả nổi bật trong xây dựng TPTM, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế xã hội, bứt phá trong hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút đối tác đầu tư, từng bước định vị lại vị thế Bình Dương trên trường quốc tế. Trong ba năm 2018-2020, vùng thông minh Bình Dương đã được Diễn đàn Cộng đồng Thông minh thế giới ICF vinh danh là một trong 21 khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu (Smart21).
Năm 2019, tại Thành phố mới Bình Dương, tổ hợp dự án khu phức hợp đã đạt các tiêu chí để gia nhập Hiệp hội Trung Tâm thương mại thế giới (gồm 330 thành viên là các trung tâm thương mại từ 90 quốc gia), và được công nhận là Trung tâm thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương. Đây là bước ngoặt chiến lược, tạo cơ sở để đột phá trong dịch vụ và thương mại quốc tế của tỉnh. Trung tâm thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương cũng sẽ là động lực quan trọng để tạo đà cho Bình Dương phát triển thương mại điện tử, một xu thế tất yếu trong bối cảnh sống chung với đại dịch COVID-19.
Đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0
Thực tế hiện nay, hình thành một TPTM, hiện đại, bảo đảm các yếu tố bền vững, mang lại sự tiện ích, an toàn trước những rủi ro của thiên tai, dịch bệnh dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN4.0 không chỉ là xu hướng mà còn là một yêu cầu cấp thiết đối với các đô thị.
Nắm bắt được xu thế phát triển trên, năm 2020, Bình Dương xác định phát triển TPTM với chủ đề "triển khai nền tảng thông minh để đột phá sang thời kỳ mới 4.0"; hoàn thiện hơn nữa mô hình hợp tác Ba Nhà; tham gia tích cực, phát huy tối đa cơ hội hợp tác với các mạng lưới, tổ chức quốc tế của các TPTM, đô thị đổi mới sáng tạo - khoa học công nghệ trên thế giới...
Theo ông Nguyễn Việt Long, để thực hiện mục tiêu trên, Bình Dương tập trung triển khai 12 dự án trọng điểm. Trong đó, Bình Dương sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường sáng tạo, thúc đẩy khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng, hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh tốt cho các doanh nghiệp mới, mở rộng kết nối các doanh nghiệp hiện hữu… Bình Dương cũng tiếp tục triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu, chính quyền điện tử, cải cách hành chính và dịch vụ công... nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp... tạo dựng thương hiệu Bình Dương thông minh, xanh, sạch và đáng sống.
Không chỉ dừng lại ở những kết quả đã đạt được, Bình Dương tiếp tục triển khai đề án "Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương - Binh Duong Innovation Region" với kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy nhằm thúc đẩy và xây dựng nền tảng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và rộng hơn là văn hóa đổi mới sáng tạo bền vững. Đây được xem là "bàn đạp" giúp Bình Dương xây dựng một môi trường hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp, các công ty công nghệ, tiếp tục tham gia vào các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới… Từ đó sẽ nâng cấp nền sản xuất hiện tại, tạo ra các công cụ sản xuất mới và phát triển đồng đều trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, dần tăng tỷ trọng kinh tế số.
Có thể bạn quan tâm