Nghệ An: Xúc tiến đầu tư phù hợp tình hình mới
Trong thời gian qua, bằng các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và chủ động thực hiện các hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình mới…
Nghệ An đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn và hiệu quả của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An (XTĐT, TM&DL) xung quanh nội dung này.
- Xin ông cho biết tình hình thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An những tháng đầu năm 2021 và những lĩnh vực, dự án ưu tiên của tỉnh trong giai đoạn hiện nay?
Mặc dù chịu nhiều tác động của dịch COVID-19, kết quả thu hút đầu tư của Nghệ An vẫn có nhiều điểm sáng. So với cùng kỳ năm 2020, số lượng dự án đầu tư vào Nghệ An tăng 30,5%, tổng mức đầu tư tăng gấp 4,97 lần.
Tính đến ngày 20/9/2021, Nghệ An đã cấp mới cho 77 dự án, điều chỉnh 102 lượt dự án; tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm hơn 21.950 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh Nghệ An có 1.321 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký hơn 13.523 tỷ đồng; có 597 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 138 doanh nghiệp so cùng kỳ 2020.
Với mục tiêu xây dựng Nghệ An trở thành Trung tâm CNTT khu vực Bắc Trung Bộ, tỉnh đang khuyến khích các công ty, các tập đoàn sản xuất đa quốc gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Hiện nay, Nghệ An xác định trọng tâm thu hút đầu tư là KKT Đông Nam và các KCN, trong đó chú trọng và ưu tiên triển khai vào 3 KCN: VSIP, WHA và Hoàng Mai I. Các khu công nghiệp này sẽ đáp ứng cao nhất những yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu và đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh.
- Trong bối cảnh hiện nay, để mời gọi, thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn như kỳ vọng, Nghệ An đã có những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?
Dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn ra phức tạp và khó lường, ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp cũng như việc triển khai các hoạt động XTĐT của tỉnh. Chúng tôi sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm để thu hút đầu tư sao cho hiệu quả nhất, phù hợp với tình hình mới.
Thứ nhất, đổi mới toàn diện về nhận thức, cách làm trong việc mời gọi thu hút đầu tư. Phối hợp, hợp tác liên vùng về XTĐT với các đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong thu hút đầu tư như Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Dương, Bắc Ninh,...
Thứ hai, chủ động tiếp cận, kết nối các nhà đầu tư lớn có thương hiệu mạnh, đứng đầu các chuỗi cung ứng để kịp thời thu hút dòng vốn đầu tư mới trong và ngoài nước; tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu; ưu tiến đẩy mạnh thu hút đầu tư kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp vào các Khu Kinh tế Đông Nam và các KCN, CCN, đặc biệt gắn liền với ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất cấu kiện điện tử...
Thứ ba, chú trọng thu hút các nhà đầu tư FDI có thương hiệu vào xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh hình thức hợp tác công tư để xây dựng các công trình hạ tầng như: cảng biển, đường sắt, đường bộ... Thu hút vốn phát triển ngành logistics, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ tư, tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua các hoạt động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đang triển khai tại tỉnh, đặc biệt là các dự án trọng điểm, góp phần quảng bá môi trường đầu tư, đồng thời đón đầu các nhà đầu tư có ý định mở rộng dự án.
Thứ năm, xác định việc thu hút đầu tư phải được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm với các cực hút đầu tư là 3 nhà đầu tư hạ tầng chiến lược VSIP, WHA và Hoàng Thịnh Đạt. Đây sẽ là điểm kết nối, đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng và trực tiếp là vào KKT Đông Nam.
-Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm