Tiền Giang: Kết nối giao thông đồng bộ, hiện đại

LÊ TRANG 24/12/2021 20:14

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang đặt mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại ở cả đô thị và nông thôn.

 Bộ Giao thông Vận tải vừa phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ khởi công Dự án Nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, tổng mức đầu tư hơn 1.335 tỷ đồng.

Bộ Giao thông Vận tải vừa phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ khởi công Dự án Nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, tổng mức đầu tư hơn 1.335 tỷ đồng.

Theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang: Thời gian qua, ngành giao thông Tiền Giang đã và đang tập trung thực hiện nhiều công trình trọng điểm như: Dự án đường Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án 2.186 tỷ đồng.

Dự kiến Dự án sẽ hoàn thành đưa vào khai thác vào quý I/2022; Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng kênh Chợ Gạo - giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 1.335,646 tỷ đồng. Hiện UBND huyện Chợ Gạo đang thực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, dự kiến công tác GPMB sẽ hoàn thành trong năm 2021 và Dự án sẽ triển khai thi công vào năm 2022, dự kiến hoàn thành 2023; Dự án cầu Mỹ Thuận 2 với chiều dài tuyến khoảng 6,6km, tổng mức đầu tư 5.003,064 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2023; Dự án cầu Rạch Miễu 2 đang lập hồ sơ bản vẽ thiết kế để thực hiện cắm cọc mốc GPMB hiện trường để bàn giao cho địa phương thực hiện Tiểu dự án đền bù GPMB.

Kết nối liên hoàn

Bên cạnh đó, để chuẩn bị thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh trong giai đoạn 2021 – 2026, Sở Giao thông Vận tải đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tham mưu HĐND, UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt báo cáo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đối với các công trình: Đường tỉnh 864 (Đường dọc sông Tiền); Dự án Đường phát triển vùng Đồng Tháp Mười, đường Hùng Vương nối dài và khu dân cư hai bên đường; Nâng cấp mở rộng, đầu tư đồng bộ cầu đường các tuyến đường tỉnh kết nối các tỉnh Long An, Đồng Tháp… Sau những nỗ lực thúc đẩy đầu tư xây dựng, đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn chỉnh. Mạng lưới giao thông được phân bố rộng khắp, hợp lý kết nối liên hoàn hệ thống hạ tầng giao thông từ trung ương đến địa phương quản lý với tổng chiều dài hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh hơn 8.700 km và hơn 1.000 km đường thủy nội địa.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang: Vẫn còn một số bất cập ảnh hưởng đến khả năng kết nối giữa các vùng. Thứ nhất, về đường bộ, còn tồn tại nhiều cầu có quy mô, tải trọng chưa đồng bộ với đường làm hạn chế khả năng khai thác của một số tuyến đường. Nhiều tuyến đường đã được đầu tư lâu nên kết cấu mặt đường bị xuống cấp. Một số công trình trọng điểm chậm tiến độ hoàn thành. Thứ hai, về đường thủy, tình trạng quá tải trên tuyến kênh Chợ Gạo là tuyến đường thủy huyết mạch nối liền TP HCM đi các tỉnh Vùng đồng bằng sông Cửu Long xảy ra thường xuyên, nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao cùng với tình trạng xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản của nhân dân trong vùng nhưng Dự án chưa được khởi công kịp thời.

Đa dạng hoá nguồn lực

Chính vì vậy, để thực hiện thắng lợi đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2025, Tỉnh Tiền Giang tập trung chỉ đạo đầu tư các công trình giao thông trọng điểm. Cụ thể, đối với các công trình Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh, Tiền Giang tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh như: đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, nâng cấp kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2), đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh; đường bộ ven biển. Đối với các công trình do tỉnh làm Chủ đầu tư, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai, đảm bảo kết nối đồng bộ nội tỉnh và liên vùng.

Để làm được điều đó, ông Trần Văn Bon cho biết: Thứ nhất, Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tranh thủ nguồn vốn Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai hoàn thành các dự án quan trọng của địa phương kết nối từ các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, du lịch, vùng chuyên canh của tỉnh…. với đường Cao tốc TP HCM - Mỹ Thuận và các tuyến quốc lộ. Đồng thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan trong công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; xem xét bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước khi thi công nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Thứ hai, phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp, tích cực nhằm phát huy nội lực, thu hút các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư công trình giao thông dưới nhiều hình thức, trong đó ưu tiên các công trình vừa đầu tư hạ tầng giao thông vừa phục vụ chỉnh trang phát triển đô thị, khai thác quỹ đất hai bên đường như Đường trục đô thị TP HCM – Long An – Tiền Giang, đường Hùng Vương, Lê Văn Phẩm nối dài…

Thứ ba, trong điều kiện nguồn lực của tỉnh còn hạn chế chưa đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông cần nguồn lực rất lớn, UBND tỉnh xem xét cơ chế thu hồi quỹ đất hai bên đường để tạo vốn tái đầu tư hạ tầng hướng đến các mục tiêu: hiệu quả kinh tế; tạo vốn đầu tư hạ tầng, góp phần phát triển đô thị, thu hút nhà đầu tư và hiệu quả xã hội.

“Với những định hướng và giải pháp đồng bộ cùng với sự quyết tâm, sự phối hợp tốt giữa các ngành, các địa phương, tôi tin tưởng đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng trong đó có hạ tầng giao thông sẽ đạt được mục tiêu đề ra.”- ông Trần Văn Bon khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

  • Sun Group tiếp sức Kiên Giang chống dịch, đón khách tới Phú Quốc

    Sun Group tiếp sức Kiên Giang chống dịch, đón khách tới Phú Quốc

    18:25, 28/09/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chậm nhất 30/9, tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang phải kiểm soát được dịch COVID-19

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chậm nhất 30/9, tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang phải kiểm soát được dịch COVID-19

    22:05, 16/09/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thủ tướng chấn chỉnh công tác phòng chống dịch tại Kiên Giang, Tiền Giang

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thủ tướng chấn chỉnh công tác phòng chống dịch tại Kiên Giang, Tiền Giang

    19:54, 13/09/2021

LÊ TRANG