Công nghiệp Tiền Giang lấy lại đà tăng trưởng
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2030 giá trị sản xuất ngành CN của Tiền Giang tăng khoảng 14,5%, tỷ trọng ngành CN trong cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2030 sẽ tăng lên đạt khoảng 44,7%.
Mục tiêu của tỉnh Tiền Giang trong năm 2022 là thu hút các dự án lĩnh vực công nghiệp chế biến nông lâm thủy hải sản, công nghiệp công nghệ cao ít thâm dụng lao động, giảm tỷ lệ các dự án gia công, ít ảnh hưởng đến môi trường.
Đề án Tái cấu trúc ngành Công nghiệp (CN) tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu chung là thu hút đầu tư vào phát triển CN Tiền Giang trên cơ sở phân bố sản xuất CN hợp lý nhằm khai thác có hiệu quả về vị trí địa lý, tiềm năng thế mạnh của tỉnh, phù hợp với quy hoạch phân bố không gian chung nhưng đồng thời vẫn đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ chặt chẽ các quy định về môi trường.
Chưa đạt kỳ vọng
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2030 giá trị sản xuất ngành CN của Tiền Giang tăng khoảng 14,5%, tỷ trọng ngành CN trong cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2030 sẽ tăng lên đạt khoảng 44,7%.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tác động tiêu cực tới các KCN, CCN, nơi tập trung một lượng lớn người lao động dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng đến kinh tế chung của tỉnh. Việc sản xuất “3 tại chỗ” cũng gây ra khó khăn như: làm tăng chi phí để đảm bảo đủ điều kiện phòng chống dịch; số lượng lao động có hạn, giảm sản lượng, chậm đầu tư nâng cấp, mở rộng sản xuất,… gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp sản xuất chế biến nông sản dừng hoạt động thời gian dài, một số doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi phương án sản xuất kinh doanh như: giảm số lượng lao động và giảm sản lượng.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng đầu năm 2021 của Tiền Giang giảm 4,6% so cùng kỳ. Trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 18,9%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,3%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,8%. Dự kiến Chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm 2021 giảm 2,1% so cùng kỳ (không đạt kế hoạch năm 2021 là 5,1%), giảm các ngành: sản xuất chế biến thực phẩm, dệt, sản xuất da,...
Ông Đặng Văn Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang kỳ vọng: “Phấn đấu năm 2022, ngành công nghiệp tăng 9,0 - 10,5%, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,35 tỷ USD, tăng 8,06% so với ước thực hiện năm 2021”
Trong 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 2,61 tỷ USD, chỉ đạt 80,4% kế hoạch năm, giảm 4% so với năm trước. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 81,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Các mặt hàng công nghiệp chủ lực của tỉnh trong 11 tháng năm 2021 như: kim loại thường ước đạt 588 triệu USD, tăng 6,6% so cùng kỳ; dệt, may ước đạt 416 triệu USD, giảm 19,4%; giày ước đạt 394 triệu USD, giảm 6,3%; túi xách, ví, vali, mũ và ô dù ước đạt 182 triệu USD, giảm 21,2%; xơ, sợi dệt ước đạt 94 triệu USD, tăng 7,4%...
Dù không đạt kỳ vọng nhưng điểm sáng là bên cạnh khai thác các thị trường truyền thống các doanh nghiệp đã mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Xuất khẩu sang nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là thị trường các nước trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thị trường các nước EU, Vương quốc Anh. Đây là nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Theo ông Đặng Văn Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang, để thực hiện hiệu quả Đề án Tái cấu trúc ngành Công nghiệp đã đề ra trong thời gian tới, Tiền Giang sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về tình hình hoạt động, thị trường tiêu thụ, nguyên liệu sản xuất, lao động. Rà soát lại sản xuất ở từng ngành, đặc biệt là các ngành như: dệt may, da giày, chế biến thủy sản, sản xuất kim loại, cơ khí; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ,... tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để đánh giá tác động của dịch bệnh đến từng ngành nhằm có giải pháp hỗ trợ cụ thể để doanh nghiệp ổn định sản xuất; xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp. Tỉnh tiếp tục triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; tiếp tục đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đánh giá mức độ an toàn đối với những doanh nghiệp đã có thông tin tài khoản đăng nhập ứng dụng Bản đồ chung sống an toàn với COVID- 19.
Bên cạnh đó, Tiền Giang sẽ đổi mới công tác xúc tiến đầu tư; sẵn sàng hạ tầng cả trong và ngoài hàng rào khu, cụm công nghiệp để mời gọi đầu tư; vận dụng cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, huy động tối đa mọi nguồn lực về vốn. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, kết nối vùng nguyên liệu, đào tạo lao động, xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm,…Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, cần thiết để thu hút lấp đầy diện tích các khu công nghiệp đang hoạt động hoặc đã triển khai xây dựng hạ tầng ở giai đoạn trước và đầu tư mở rộng diện tích khi có nhu cầu.
Ông Tuấn cũng khẳng định: “Mục tiêu của tỉnh trong năm 2022 là thu hút các dự án lĩnh vực công nghiệp chế biến nông lâm thủy hải sản, công nghiệp công nghệ cao ít thâm dụng lao động, giảm tỷ lệ các dự án gia công, ít ảnh hưởng đến môi trường; mời gọi đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Tập trung mời gọi đầu tư từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc..., mời gọi đầu tư các tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm