Chuyên gia đề xuất gì để “thay da” Đà Nẵng?
Sau 25 năm trở thành đơn vị trực thuộc Trung ương, TP Đà Nẵng đã có nhiều thành quả ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều nhược điểm cần khắc phục.
>>Chủ tịch nước: Kinh tế Đà Nẵng có phát triển nhưng chưa xứng tầm!
Là thành phố động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, TP Đà Nẵng đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu là thành phố loại I, thành phố đặc biệt trực thuộc Trung ương thì Đà Nẵng vẫn còn nhiều việc phải làm hơn nữa.
Qua 25 năm nỗ lực phát triển, đến hiện tại thành phố Đà Nẵng vẫn còn đối mặt với rất nhiều thách thức lớn. Trong đó, tăng trưởng kinh tế cũng địa phương trong những năm gần đây đang có dấu hiệu chững lại, dư địa để phát triển không còn nhiều.
Đồng thời, quy mô nền kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh. Cơ cấu kinh tế thành phố bộc lộ những điểm chưa phù hợp thể hiện rõ qua tác động của đại dịch COVID-19.
Để khắc phục các nhược điểm, hạn chế, các chuyên gia có rằng cần có sự thay đổi trong quy hoạch thành phố, cũng như đổi mới các phương thức thu hút kinh tế để đưa Đà Nẵng tiếp tục đi lên. Trong đó, câu chuyện chiến lược, tầm nhìn vẫn là yếu tố then chốt cần được đặc biệt quan tâm.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 nhận định 25 năm qua thành phố Đà Nẵng vươn mình mạnh mẽ, làm một cuộc “đổi đời” đúng nghĩa. Theo ông Thiên, GRDP của Đà Nẵng vào năm 2019 đã tăng hơn 8 lần so với năm 1997, GRDP/người tăng 8,3 lần. Các chỉ số đóng góp thu ngân sách tăng 23 lần, khách du lịch đến tăng gần 55 lần...
"Đó là những con số - thành tích thật sự ấn tượng. 25 năm qua, không nhiều địa phương đạt được thành tích tương tự", ông Trần Đình Thiên nhìn nhận.
>>Đà Nẵng muốn tái cơ cấu nền kinh tế
>>Đà Nẵng: Điều chỉnh quy hoạch dự án du lịch ở đèo Hải Vân
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Đà Nẵng nằm ở một vị trí địa lý và lịch sử quốc gia rất đặc biệt, tầm quan trọng của Đà Nẵng ngày càng bộc lộ rõ trong quá trình phát triển hiện tại của đất nước. Năm 1997 Đà Nẵng tách ra khỏi Quảng Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương để xác lập một vị thế độc lập, với tư thế là trung tâm của liên kết phát triển vùng kinh tế trong điểm miền Trung.
Theo ông Thiên, Quảng Nam với Đà Nẵng luôn gắn bó máu thịt với nhau nên có một chân lý phải khẳng định rằng 2 địa phương vẫn luôn là nhau và liên thủ với nhau. Văn hóa, con người, lịch sử đã khẳng định điều đó và phải luôn ghi nhớ điều đó.
"Việc tách tỉnh để khẳng định vị thế không phải là mục đích thao tác hành chính àm để xác lập tư thé thành phố trực thuộc Trung ương của Đà Nẵng, đó là tầm nhín rất khác đối với Đà Nẵng, Nhờ đó, Đà Nẵng không chỉ mở ra cơ hội phát triển không phải cho chính mình mà còn cho cả Quảng Nam, cho đất nước này", ông Thiên nói.
Vị này cho rằng sau khi tách tỉnh, những thành tích định lượng của Đà Nẵng đúng là hiếm có, những bước tăng trưởng vọt của Đà Nẵng về GDP, GRDP đầu người, đóng góp ngân sách,... hoàn toàn là không quá đáng và rất kỳ diệu. Qua đó cho thấy khí thế bức phá và xu thế tiến vượt của Đà Nẵng khi tách ra một đơn vị độc lập.
Tuy nhiên, đối với Đà Nẵng thì sự thay đổi đẳng cấp, những tọa độ "thay da đổi thịt" của Đà Nẵng mới là chính yếu. Ở khía cạnh khác, việc thay đổi căn bản nằm ở thể chế và Đà Nẵng đã chọn được chiến lược quan trọng.
"Trong vấn đề này, Đà Nẵng đã vượt lên hơn so với các địa phương khác trên cả nước. Trong 15 năm xếp hạng PCI, Đà Nẵng “vô đối” về tầm cao lẫn mức độ trường kỳ của thành tích này. Trong đó, Đà Nẵng có 7 năm đứng nhất, 3 năm xếp thứ 2, 4 năm xếp thứ 5 và duy nhất 1 năm xếp thứ 12, không có tỉnh nào được như vậy", theo PGS.TS Trần Đình Thiên.
Để đạt được thành quả, Đà Nẵng đã dành được sự tính nhiệm rất cao của doanh nghiệp đối với chính quyền địa phương. Chuyển sang kinh tế thị trường thì phải giành được sự tín nhiệm của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn. Có thể coi đây là yếu tố chủ chốt và xuyên sốt dẫn đến thành công của Đà Nẵng.
Bản lĩnh phát triển của Đà Nẵng thể hiện qua những mục tiêu đẳng cấp và phải làm bằng được. Những công trình kiến trúc, những lễ hội đỉnh cao quốc tế là điều khác thường kỳ diệu, "độc nhất vô nhị" Đà Nẵng nên tiếp tục giữ vững để tạo ra những sự khác biệt về tầm và về thế.
Đà Nẵng cũng có những thăng trầm và đang vật lộn để khẳng định vị thế. Trong quá trình phát triển, những thăng trầm giống như sự đánh đổi để phát triển. Nhưng đó là những bài học tốt, đặt trong tổng thể dài hạn và những thành tích của Đà Nẵng vẫn là những mặt nổi bậc, là xu thế chủ đạo quyết định định hướng và triển vọng tương lai của thành phố.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Đà Nẵng cần “ghi chú” lại 5 bài học kinh nghiệm đã thực hiện được trong suốt quá trình 25 năm qua. Bài học thứ nhất là kết hợp được lợi thế tự nhiên và xu thế thời đại, chọn cho mình một định hướng chiến lược để đột phá. Đà Nẵng có tiềm năng du lịch rất lớn nhưng nhiều năm không làm được, đến khi thành phố chọn du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn thì địa phương liền vượt lên phát triển từ các xu thế tiêu dùng, tận hưởng, du lịch đẳng cấp cao,...
Bài học thứ hai là liên kết tạo cộng hưởng phát triển, Đà Nẵng không đơn độc, Đà Nẵng phát triển trong tư thế liên kết tuy chưa mạnh nhưng bắt đầu cùng với sự liên kết và vì thế tạo được sự cộng hưởng. Quảng Nam với Đà Nẵng đang có sự cộng hưởng và với Huế cũng thế. Tầm nhìn hướng biển tạo ra sự cộng hưởng hình thành nên mũi du lịch đặc sắc và sẽ được phát huy mạnh mẽ trong tương lai.
Bài học thứ ba là phát huy được thế mạnh lịch sử và văn hóa, Đà Nẵng nằm ở tọa độ trung tâm của con đường lịch sử văn hóa miền Trung. Việc phát huy được thế mạnh lịch sử này sẽ là nền tảng cho Đà Nẵng phát triển trong giai đoạn tới.
Bài học thứ tư là nghệ thuật “mượn sức”, Đà Nẵng xuất phát rất nghèo nhưng lại trỗi dậy mạnh mẽ. Quan trọng nhất là "mượn thế" của Trung ương, "mượn sức" của doanh nghiệp, của những con đại bàn theo nghĩa kết hợp được những chính sách cơ chế thị trường với công cuộc phát triển của doanh nghiệp.
Bài học thứ năm là Đà Nẵng luôn có khát vọng vươn lên, luôn đặt mình trong cuộc đua tranh với quốc tế để xác định tầm và phương hướng đi lên. Động lực vươn lên của Đà Nẵng không bao giờ cạn kiệt, từ đó tạo nên niềm tin Đà Nẵng luôn có triển vọng phát triển.
"Tương lai sẽ có những biến động mạnh, sẽ tạo nên xu thế phát triển vượt bậc nhưng bất ổn bất định như bùng nổ công nghệ, bùng nổ khu vực châu Á -Thái Bình Dương và Đà Nẵng sẽ tiếp nhận như thế nào để hợp lý mới là quan trọng. Những yếu tố đó sẽ tác động đến hệ giá trị cuộc sống, thay đổi hệ giá trị tiêu dùng và Đà Nẵng muốn vươn lên, nhập cuộc phải lưu ý chiến lược phát triển phải định hướng hện giá trị cuộc sống và tiêu dùng", PGS.TS Trần Đình Thiên nói thêm.
Vì vậy, ông Thiên cho rằng Đà Nẵng vẫn phải tiếp tục phải huy lợi thế truyền thống là trung tâm du lịch đẳng cấp cao trong thời đại mới, đẳng cấp và thay đổi. Thành phố phải khẳng định mình là trung tâm của vùng, là trung tâm hội nhập, là tọa độ tiên phong dẫn dắt, định hướng toàn cầu, thành phố trung tâm lan tỏa các dịch vụ,...
Đà Nẵng phải là trung tâm nghiên cứu sáng tạo và công nghệ cao, đồng thời nghiên cứu đến việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế. Trung tâm logictics với 2 trụ cột là cảng biển và cảng hàng không. Hình thành trung tâm logictics hiện đại gắn với công nghiệp, đô thị, du lịch dịch vụ,... có định hình cụ thể.
Đà Nẵng muốn bay lên theo tư thế của đại bàng cần một không gian thoáng đản, sạch sẽ và Trung ương đang dành cho Đà Nẵng nhiều ưu tiên qua việc phê duyệt thể chế phát triển vùng. Nếu Đà Nẵng có những chương trình phát triển mạnh mẽ hơn thì việc tiếp cận không gian thể chế sẽ càng tiện lợi hơn.
TUẤN VỸ ghi
Có thể bạn quan tâm