Quảng Ninh - Hải Dương - Bắc Giang thúc đẩy liên kết vùng lên tầm cao mới
Quảng Ninh – Hải Dương - Bắc Giang sẽ phối hợp triển khai chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”, tăng cường hợp tác liên kết vùng...
>>>Ưu tiên đầu tư các dự án mang tính liên kết vùng
Tại hội nghị triển khai các biện pháp thúc đẩy liên kết vùng giữa các tỉnh Quảng Ninh – Hải Dương – Bắc Giang, 3 tỉnh thống nhất tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các Nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp đối với từng địa phương, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và thúc đẩy phát triển liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ ngày càng đi vào thực chất theo nguyên tắc “Chia sẻ - Đồng thuận - Cùng phát triển”.
Trong đó, tập trung phối hợp triển khai chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; tăng cường hợp tác liên kết vùng, thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác kết nối hạ tầng giao thông, vận tải; hợp tác trong các lĩnh vực: công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, dịch vụ du lịch, lao động, quốc phòng, quân sự địa phương, an ninh, trật tự. Đồng thời, phối hợp hoàn thiện hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) trình UNESCO; xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hoá - lịch sử chiến thắng Bạch Đằng...
Về phía Hải Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh, cần tăng cường hợp tác liên kết vùng để mở rộng không gian phát triển vượt qua những địa giới hành chính. Các địa phương cần hợp tác phát triển chặt chẽ hơn nữa trên các lĩnh vực còn nhiều dư địa như công nghiệp, đô thị và du lịch. Tập trung đầu tư các tuyến giao thông trọng điểm kết nối các đô thị lớn, hình thành các chuỗi đô thị của các địa phương để mở rộng không gian phát triển.
Đồng thời cam kết, Hải Dương sẽ sớm bố trí nguồn lực đầu tư các đường kết nối với tuyến đường nối quốc lộ 37 với đường ven sông từ cao tốc Hải Phòng - Hạ Long mà tỉnh Quảng Ninh đang triển khai đầu tư. Phối hợp với tỉnh Bắc Giang sớm triển khai đầu tư xây dựng cầu, đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với quốc lộ 37. Hải Dương cũng sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung xây dựng hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trình UNESCO công nhận là di sản thế giới trước ngày 31/1/2023.
>>Ưu tiên đầu tư các dự án mang tính liên kết vùng
>>Xu hướng quản trị liên kết vùng (Bài 3)
Về phía Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh ủy cho biết, hiện Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thiện xong hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, vì vậy, mong muốn 2 địa phương cùng thúc đẩy các công việc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các bước hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, trong đó, bảo đảm hồ sơ cung cấp để báo cáo hoàn thiện Hồ sơ lần 1 đề cử trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 30/7/2022; hoàn thiện Hồ sơ đề cử chính thức trình lên UNESCO trước ngày 31/12/2022.
Về phía tỉnh Bắc Giang, ông Lê Ánh Dương – Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, 3 địa phương cần ưu tiên hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó số 1 là làm tốt hạ tầng giao thông và văn hóa, du lịch. Theo đó, mỗi lĩnh vực có một tiểu ban xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Về du lịch, cần tiếp tục tháo gỡ rào cản, tăng tính kết nối giữa 3 tỉnh. Nghiên cứu có thể tổ chức lễ hội chung của 3 địa phương cấp quốc gia.
Qua thảo luận, 3 địa phương cũng thống nhất cao các đề xuất của các cơ quan để bổ sung vào các văn kiện. Đó là Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương sẽ nghiên cứu hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối giữa 3 địa phương và tuyến đường ven sông 10 làn xe tốc độ cao của tỉnh Quảng Ninh từ cầu Bạch Đằng về đến Đông Triều để kết nối đồng bộ liên thông với các địa bàn lân cận của tỉnh Hải Dương và Bắc Giang với cao tốc Hà Nội, Bắc Giang và Lạng Sơn để thúc đẩy hợp tác liên vùng, nội vùng. Thống nhất cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 291 từ Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đi thị trấn Trới, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cùng với đó, xem xét, tính toán để có con đường nối từ Tây Yên Tử sang Đông Yên Tử.
Cùng với hợp tác hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối, 3 địa phương sẽ tăng cường hợp tác bảo vệ môi trường, sinh thái, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm liên tuyến, liên tỉnh giáp ranh; nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị; quan tâm, phát huy vốn giá trị văn hóa, xã hội, con người của ba địa phương để phục vụ phát triển bền vững; hợp tác thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, xúc tiến đầu tư và thúc đẩy chuyển đổi số.
Để tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung ký kết giữa 3 tỉnh, mỗi địa phương sẽ thành lập một Ban chỉ đạo ở địa phương mình do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Các địa phương cần tính toán nguồn lực để ưu tiên thực hiện cho các nội dung ký kết tại hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, 3 địa phương đã thống nhất sẽ hợp tác có trọng tâm trọng điểm để Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang thúc đẩy liên kết vùng lên tầm cao mới, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn nữa nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảo vững chắc quốc phòng an ninh, không ngừng cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân và phát huy vai trò của 3 địa phương trong việc xây dựng trở thành các đầu tàu, các cực tăng trưởng và địa bàn động lực trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc.
Có thể bạn quan tâm