Long An “xanh hóa” môi trường đầu tư
Năm 2022, Long An tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chỉ số PCI, phấn đấu duy trì thứ hạng trong tốp đầu của cả nước.
Ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND tỉnh Long An khẳng định: bằng các giải pháp toàn diện, đồng bộ, Long An sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI… tạo môi trường đầu tư minh bạch để các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án, phát triển sản xuất, kinh doanh.
- Thưa ông, trong bối cảnh dịch bệnh COVID – 19 có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng Long An vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư. Ông có thể phác thảo đôi nét về bức tranh thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Long An thời gian qua?
Trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng thời gian qua Long An vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Về thu hút đầu tư trong nước, năm 2021, tỉnh có 1.226 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn 23.495 tỉ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 13.712 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 349.095 tỉ đồng. Trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, tỉnh tiếp nhận mới 47 dự án FDI với vốn đầu tư cấp mới 3,332 tỉ USD, trong đó có dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II với vốn đăng ký hơn 3,1 tỉ USD. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.127 dự án FDI với vốn đăng ký 9,3 tỉ USD, trong đó, có 588 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 3,624 tỉ USD.
Có được kết quả này là do thời gian quan, cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư, đầu tư cơ sở hạ tầng, Long An đã tập trung triển khai xúc tiến thu hút đầu tư bằng các hình thức thích hợp, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thế, tỉnh đã tổ chức đoàn công tác của tỉnh Long An và Tổng Lãnh sự Nhật Bản, các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản đi khảo sát và làm việc tại các Khu, Cụm công nghiệp trên địa bàn; làm việc với cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc cùng đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đến thăm và tìm hiểu môi trường đầu tư; tổ chức Tọa đàm định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao, với sự tham gia hơn 100 đại điểu, trong đó có đại diện các tập đoàn lớn từ Hàn Quốc, Mỹ, Đức… Tổ chức đối thoại định kỳ với các doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp nhanh chóng phục hồi và phát triển sản xuất do ảnh hưởng của COVID-19...
- Môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi là 1 trong những điều kiện tiên quyết thu hút các nhà đầu tư đến với Long An, thưa ông?
Đúng vậy. Thời gian qua, Long An đã quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư và tạo niềm tin với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cùng với việc tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, Long An cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khởi nghiệp… nhằm xây dựng hình ảnh tỉnh Long An là một tỉnh có môi trường đầu tư tiềm năng, thân thiện, bình đẳng trong mắt các nhà đầu tư.
Đặc biệt, tỉnh thường xuyên tiếp xúc với các tập đoàn kinh tế mạnh trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế để tranh thủ cơ hội thu hút đầu tư, quan tâm thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ hiện đại… Đồng thời, công khai các quy hoạch, các dự án đầu tư lớn để doanh nghiệp, nhà đầu tư nắm thông tin…Tỉnh cũng duy trì tổ chức đối thoại với doanh nghiệp theo định kỳ, liên hệ chặt chẽ Hội, Hiệp hội doanh nghiệp các nước và vùng lãnh thổ để kịp thời nắm bắt và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp...
Những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh không chỉ là việc tạo chuyển biến rõ nét về môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI mà còn để Long An luôn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư.
- Để thu hút đầu tư thời gian qua, tỉnh Long An rất quan tâm đến việc phát triển hạ tầng giao thông. Theo ông, đâu là điểm nhấn trong đầu tư hạ tầng giao thông của tỉnh?
Với quyết tâm thu hút đầu tư tốt hơn nữa, tạo mối liên kết liên hoàn trong các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh, kết nối với TP.HCM và các tỉnh bạn, tại các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh gần đây, Long An đã lựa chọn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là chương trình đột phá; xây dựng các công trình giao thông huyết mạch kết nối vùng, miền, hướng tới tương lai là các công trình trọng điểm.
Theo đó, nhiều tuyến đường đã được đầu tư với nguồn lớn tập trung xây dựng hoàn thiện như Đường tỉnh (ĐT) 823, ĐT 824, ĐT 825, ĐT 826, ĐT 826B,... tạo nên một hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh. Các tuyến đường này hầu hết kết nối các khu, cụm công nghiệp, các đô thị mới hình thành trên địa bàn tỉnh với TP HCM. Đáng chú ý, tuyến ĐT 830 kết nối các địa phương vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh từ Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, kết nối các khu, cụm công nghiệp đến hệ thống cảng biển và kết nối với TP HCM đã cơ bản hoàn chỉnh đi vào hoạt động.
Trong thời gian tới, Long An tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Đường vành đai thành phố Tân An và cầu bắc qua sông vàm Cỏ Tây, ĐT 827E, ĐT 830E, nâng cấp, mở rộng ĐT 824 đoạn ngã ba Mỹ Hạnh đến cầu kênh Ranh, Đường Lương Hòa -Bình Chánh… Đồng thời, phối hợp với các Bộ ngành Trung ương để đầu tư các công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh như: đầu tư nâng cấp tuyến Quốc lộ 62; Đường Hồ Chí Minh (đoạn Chơn Thành - Đức Hòa), tuyến Quốc lộ N2...
Với quyết tâm thu hút đầu tư tốt hơn nữa, tạo mối liên kết liên hoàn trong các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh, kết nối với TP HCM và các tỉnh bạn, Long An sẽ đầu tư hàng loạt dự án giao thông mới. Tất cả các tuyến đường này sẽ kết nối liên hoàn giữa các huyện nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần đáp ứng nhu cầu giao thông, vận tải ngày càng cao, thúc đẩy phát triển giao thương.
- Ông có thể chia sẻ tới cộng đồng doanh nghiệp những lợi thế của Long An?
Long An có vị trí rất đặc biệt, là tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, đồng thời thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là cửa ngõ nối liền Đông Nam bộ với Tây Nam bộ, tiếp giáp với TP HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam. Đồng thời là cửa ngõ giao thương ra quốc tế với khoảng 133 km đường biên giới với Campuchia...
Long An có tiềm năng lớn về vận tải đường biển, đường thủy nội địa, hàng hải quốc tế với cửa Soài Rạp hiện nay đã được đầu tư và đi vào hoạt động. Cảng Quốc tế Long An có thể tiếp nhận tàu 50.000 tấn, giai đoạn 2 có thể tiếp nhận tàu đến 70.000 tấn.
Toàn tỉnh có 35 khu công nghiệp (KCN) đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam và 62 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích quy hoạch khoảng 15.000 ha. Hiện có 22 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư có tổng diện tích 5.067,67 ha, trong đó còn khoảng 500 ha đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê; 22 CCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 77,6%; diện tích đất sẵn sàng tiếp nhận đầu tư khoảng 251 ha.
Ngoài lợi thế lớn về vị trí địa lý và hạ tầng giao thông phát triển, Long An có nhiều cơ hội thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước, phát triển đa ngành, đa lĩnh vực như: công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch... đồng thời cũng là vùng nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản.
Trong thời gian tới, Long An cũng ưu tiên thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ logistics, tạo động lực phát triển các loại hình thương mại văn minh, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế…
- Ông có thể chia sẻ đôi nét về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022 của Long An?
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, năm 2022, Long An xác định mục tiêu tổng quát đó là tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID - 19, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh, tạo nền tảng thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để tăng tốc phát triển nhanh và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, khẩn trương triển khai các công trình trọng điểm, chương trình đột phá của tỉnh tạo động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh… Năm 2022, tỉnh Long An phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,5 - 7%, GRDP bình quân đầu người đạt 85 - 90 triệu đồng, tỷ lệ vốn đầu tư xã hội trên GRDP đạt bình quân 31 - 33%… Đồng thời, tỉnh phấn đấu tỷ lệ tăng thu ngân sách Nhà nước là 12% so với năm 2021.
- Ông có thông điệp gì gửi tới cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp nhân dịp đầu Xuân?
Nhân dịp năm mới, tôi xin chúc cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch, ngày càng lớn mạnh, gặt hái nhiều thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước nói chung và Long An nói riêng.
Tỉnh Long An sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, luôn cầu thị và lắng nghe những phản ánh, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc hoạch định và thực thi các chương trình, kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh… qua đó tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đến với Long An, góp phần đưa kinh tế - xã hội tỉnh phát triển bền vững.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm