Du lịch Quảng Ninh: Bao giờ cho đến... ngày xưa?
Quảng Ninh những ngày đầu xuân 2022 đón khá đông du khách. Thậm chí, có những điểm “thất thủ” vì đoàn xe nối dài vài km đến tham quan như Yên Tử, chùa Cái Bầu.
Tuy nhiên... hầu hết là du khách trong nước đến vãn cảnh và ước nguyện. Rất nhiều đoàn chỉ đến và đi trong ngày. Tất cả vẫn đang chờ đợi những đoàn khách quốc tế, bởi đây dù là mùa thấp điểm nhưng lại là mùa đón khách quốc tế với nguồn thu lớn của Quảng Ninh.
>>Giải pháp "giữ chân" khách du lịch Quảng Ninh
Hạ Long “biển lặng”
Cảng tàu du lịch Hạ Long những ngày đầu xuân Nhâm Dần 2022, vắng khách và giá rét khiến cho khung cảnh rất ảm đảm. Không còn lệnh bế quan, tỏa cảng, ngừng đón khách, tỉnh Quảng Ninh đã cho phép các tàu hoạt động đón khách trở lại trong một nỗ lực phục hồi lại các hoạt động du lịch. Nhưng, những du thuyền vẫn “mơ màng ngủ” dọc theo bến vắng.
Trong một ngày buồn vắng khách, tôi được chứng kiến bữa cơm trưa của các thủy thủ tàu Indochina. Bữa cơm trưa đơn giản ngay trên sàn tàu. Ánh sáng điện cũng chỉ bật ở mức vừa phải để tết kiệm chi phí. Những ngày xuôi ngược đón khách, thủy thủ đoàn của tàu là trên 20 người. Giờ tất cả chỉ còn 5 người. Công việc của họ là quản lý, lau chùi, bảo vệ tài sản trên tàu. May mắn thi thoảng tàu có khách, họ phải đảm nhiệm nhiều công việc, thay những người đã nghỉ.
Một công ty từng có trên 200 nhân viên và chủ đơn vị đã tốn không ít tiền để đào tạo được một đội ngũ làm du lịch khá chuyên nghiệp. Công ty Du thuyền Đông Dương đã cố gắng trả lương để bảo toàn nguồn nhân lực, hy vọng dịch sớm qua. Nhưng hơn một năm trời, doanh thu hầu như không có, gồng gánh đến mức không thể, đành phải buông tay.
>>Du lịch Quảng Ninh: Cơ hội tái cơ cấu
>>Lối thoát nào cho du lịch Quảng Ninh?
Những người còn ở lại chấp nhận mức thu nhập thấp hơn rất nhiều. Họ có mối gắn bó quá sâu nặng với công việc, với chủ công ty và họ biết, không thể đòi hỏi gì hơn trong hoàn cảnh thế này. “Thời điểm này, những năm trước dịch rất đông khách, nhất là khách Châu Âu, Mỹ và Hàn Quốc. Nhưng 2 năm nay gần như không có. Dịch bệnh thì cũng đành thôi, công ty đã cố gắng duy trì và lo toan cho anh em rồi, giờ đây chúng tôi chấp nhận mọi khó khăn để tiếp tục cùng công ty vượt qua giai đoạn này”, anh Nguyễn Tiến Bình, thuyền trường chia sẻ.
Suốt hai năm, những từ như sóng thần, thảm họa, kiệt quệ, ngồi trên đống lửa là những từ được nhắc tới nhiều nhất trong những đánh giá về ảnh hưởng của dịch với các chủ tàu và tâm trạng của họ. Không thể thống kê hết được những tổn thất mà ngành du lịch Quảng Ninh nói chung và lĩnh vực dịch vụ tàu du lịch nói riêng phải hứng chịu nhưng chắc chắn đó là một con số vô cùng lớn.
Ông Đinh Trung Vũ, Giám đốc Maketing, công ty Du thuyền Hải Đăng cho biết: “Công ty có trên chục còn tàu, từ hạng sang vài trăm tỷ cho tới bình dân vài tỷ. Suốt thời gian qua, tàu gần như nằm bến. Chưa tính lãi ngân hàng chỉ riêng chi phí bến bãi, bảo dưỡng duy tu tàu hàng tháng đã lên đến khoảng 350 triệu/tháng”.
Hoang vắng làng Yên Đức
Chị Nguyễn Thị Hương, hướng dẫn viên tại làng Yên Đức (Đông Triều), chia sẻ: “Những người nông dân chúng tôi chân lấm tay bùn, quen với việc đồng áng, ruộng vườn ngày nào, khi tham gia vào mô hình du lịch làng quê Yên Đức với những khóa đào tạo bài bản, nay đã trở thành những hướng dẫn viên du lịch thực thụ và đa năng”.
“Du lịch cộng đồng có nghĩa là khách được thưởng thức, được trải nghiệm cái nguyên bản. Thế nên chúng tôi vẫn trồng rau, cấy lúa, thả cá, nuôi lợn. Đây là nét văn hóa rất được người phương tây thích thú, trước dịch họ đến rất đông và người nông dân ở đây thì không thiếu việc để làm và tăng thu nhập”, chị Hương cho biết.
Nhưng khi du lịch nơi đây đang vào guồng với những mùa vàng về thu nhập và việc làm đang được gặt hái thì COVID-19 ập đến. Hoạt động du lịch đón khách nước ngoài bị đóng băng, làng du lịch nhuốm màu hoang vắng. Không một bước chân du khách cũng đồng nghĩa thu nhập từ việc làm du lịch là con số 0 tròn trĩnh.
Theo ông Đinh Trung Vũ, Giám đốc Maketing, công ty Du thuyền Hải Đăng, thì trong thời gian qua các chính sách kích cầu du lịch của Quảng Ninh đã phần nào mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, với tâm lý lo sợ dịch bệnh nên nhiều người vẫn chưa dám đi du lịch, hoặc chỉ đến rồi đi ngay trong ngày chứ không ở lại lâu dài.
“Vì vậy, tôi cho rằng tạo cho họ một cảm giác an toàn khi đến Quảng Ninh là giải pháp mấu chốt, đây chính là giải pháp về tâm lý để du khách yên tâm cho mỗi chuyến đi của mình. Bên cạnh đó, cùng với khách nội địa thì quan trọng chúng ta cần phải làm sao để kích cầu được khách quốc tế, có như vậy du lịch mới mong dần trở lại như xưa”, ông Vũ nói.
Bài tiếp: Giải pháp nào của Quảng Ninh?
Có thể bạn quan tâm