Hà Nam: Điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư
Hà Nam đã trở thành một trong số các tỉnh thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài.
>> TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bổ sung Khu Công nghệ cao Hà Nam vào Quy hoạch
Để nắm rõ các chính sách và môi trường đầu tư của tỉnh Hà Nam, PV Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Lượng – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam.
- Những năm qua, Hà Nam thực hiện tốt 10 cam kết của tỉnh với nhà đầu tư, cùng với các chính sách, hỗ trợ đầu tư phù hợp, môi trường đầu tư của Hà Nam luôn nhận được sự đánh giá cao của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Ông có thể chia sẻ về kết quả mà tỉnh được đánh giá qua các nhà đầu tư?
Trong những năm gần đây, với các chính sách thông thoáng, môi trường đầu tư của tỉnh Hà Nam luôn được đánh giá cao, và đã trở thành một trong số các tỉnh, thành phố thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao. Thực tế đó tạo thêm tiền đề để hoạt động xúc tiến đầu tư của Hà Nam có những bước phát triển mới trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là ngay trong giai đoạn 2021-2025.
Với sự quyết tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy và UBND trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tỉnh Hà Nam đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; liên tiếp trong các năm qua đều đứng trong top các tỉnh thu hút đầu tư FDI hiệu quả nhất trong cả nước. Bằng chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, các KCN đã thu hút được những dự án lớn từ quốc gia có nền công nghiệp phát triển và những tập đoàn lớn.
Giai đoạn 2011 - 2015 là thời gian Hà Nam đạt được kết quả nổi bật trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu hút được 118 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 1.069 triệu USD, tăng hơn 03 lần về số dự án và vốn đầu tư so với giai đoạn 2006 - 2010. Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh thu hút được 187 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 2.470,8 triệu USD, vốn thực hiện của các doanh nghiệp FDI ước đạt 1.487,4 triệu USD, tăng 131,1% so với giai đoạn 2011 - 2015 về vốn đăng ký đầu tư, chủ yếu các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân của tỉnh đạt 11,14%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa; đến nay, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 91,6%, tỷ trọng nông nghiệp giảm nhanh và phát triển theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; GRDP bình quân đầu người năm 2020 khoảng 70 triệu đồng.
- Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, tỉnh Hà Nam đã có chính sách, cơ chế gì để “Hà Nam là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư”. Với vai trò người đứng đầu, Sở KHĐT sẽ đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư vào tỉnh như thế nào, thưa ông?
Chính sách xúc tiến đầu tư, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư của tỉnh Hà Nam trong thời gian qua được các nhà đầu tư đánh giá cao. Tỉnh thường xuyên cho công bố rõ ràng cho nhà đầu tư định hướng xúc tiến đầu tư và danh mục dự án thu đầu tư từng thời kỳ, hiện tại trên cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Nam có mục “Chính sách ưu đãi, cơ hội đầu tư, các dự án mời gọi vốn đầu tư”.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX đã xác định, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo; đẩy mạnh thu hút các dự án công nghệ hiện đại, hiệu quả cao. Bám sát mục tiêu của Nghị quyết, với vai trò người đứng đầu của Sở, tôi đã bám sát, chỉ đạo sát sao để lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh Hà Nam được đẩy mạnh và trong giai đoạn tới tập trung hướng tới thị trường chủ yếu vào các quốc gia truyền thống đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, bên cạnh đó sẽ mở rộng sang thị trường Đài Loan và các quốc gia là thành viên CPTPP, EU… và ưu tiên các doanh nghiệp sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, nộp ngân sách lớn.
Mặc dù chủ trương là tập trung thu hút FDI, nhưng tỉnh Hà Nam chỉ đạo không thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà các dự án được lựa chọn phải có đầy đủ năng lực tài chính cũng như công nghệ phải tiên tiến, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư mới, đặc biệt là thu hút các dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo (trong đó tập trung thu hút các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hiện đại, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước)… theo Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy Hà Nam (thực tế đã chứng minh những dự án có hàm lượng công nghệ cao đã có đóng góp lớn cho tỉnh về giá trị sản xuất và thu ngân sách…).
>>Hà Nam: Liên kết kích cầu du lịch
>>Thành Phố Phủ Lý (Hà Nam): Thu hút đầu tư thương mại, dịch vụ chất lượng cao
Trên tinh thần đó, các nhà đầu tư khi đến Hà Nam tìm hiểu môi trường đầu tư và triển khai thực hiện dự án đều được hỗ trợ, tư vấn kịp thời về các cơ chế, chính sách, những lợi thế, thuận lợi khi thực hiện đầu tư tại tỉnh Hà Nam. Tỉnh xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, chuyển dịch hành chính từ quản trị sang phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đến giao dịch. Các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh sẽ được hưởng ưu đãi về thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất; được tiếp cận với các tổ chức tín dụng để vay vốn, được đảm bảo thủ tục và đáp ứng cho việc chuyển đổi phương án sản xuất và nhà đầu tư phụ trợ đi cùng, được tỉnh đáp ứng đủ lao động có chất lượng, phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư. Mặt khác, trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp, tỉnh Hà Nam chỉ đạo các cấp, ngành liên quan phải chủ động, thường xuyên rà soát tình hình đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Những khó khăn, vướng mắc mà nhà đầu tư quan tâm đều được giải đáp cụ thể, giải quyết kịp thời. Nhờ vậy, các dự án FDI, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đều nhanh chóng hoàn thiện thủ tục triển khai đầu tư xây dựng để đưa dự án đi vào hoạt động theo đúng cam kết.
Một trong những vấn đề mà doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng thường quan tâm, lo lắng là việc giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, những lo lắng ấy trong thời gian qua đã được các cấp, ngành liên quan trong tỉnh giải tỏa. Ngoài việc duy trì thực hiện tốt 10 cam kết với nhà đầu tư, tỉnh thường xuyên chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị cần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp hoạt động. Cụ thể là các chủ đầu tư hạ tầng KCN phải quan tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thường xuyên nâng cao chất lượng các dịch vụ (điện, nước, viễn thông…); các ngành, địa phương hỗ trợ tối đa TTHC, luôn lắng nghe, nắm bắt phản ánh của doanh nghiệp để trực tiếp giải quyết (những vấn đề thuộc thẩm quyền) hoặc tham mưu với tỉnh giải quyết kịp thời. Trên thực tế, có nhiều vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện đã được giải quyết nhanh, tạo niềm tin ngay từ đầu đối với các nhà đầu tư.
Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số; tăng cường cải cách, đơn giản hóa, công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC… Hiện Sở đang triển khai Bộ thủ tục hành chính mới với 106 thủ tục đều đạt mức độ 4 (đạt 100% số TTHC của Sở). Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân tổ chức có nhu cầu giải quyết các TTHC một cách nhanh chóng. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở hướng dẫn chỉ số xếp hạng của các Bộ, ngành Trung ương, yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng các chỉ số của cơ quan, đơn vị mình và phấn đấu đạt được mức trung bình chung của cả nước về cải thiện môi trường kinh doanh. Tỉnh Hà Nam “Phấn đấu đến năm 2022 đạt top 26 về chỉ số CPI”.
Với phương châm “Luôn sát cánh cùng nhà đầu tư, đồng hành với các doanh nghiệp”, chính quyền tỉnh Hà Nam thường xuyên duy trì các cuộc tiếp xúc, đối thoại nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các dự án đang hoạt động, đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ.
- Bước vào giai đoạn 2021-2025, với nhiều khó khăn, thách thức, ông hãy cho biết định hướng, mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư tỉnh Hà Nam giai đoạn tới?
Từ đầu năm 2021 đến nay, thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội; UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo kịp thời và quyết liệt các giải pháp thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã thực hiện thu hút mới được 49 dự án đầu tư (19 dự án FDI, 30 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký 235,6 triệu USD và 9.407,4 tỷ đồng; lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.066 dự án đầu tư còn hiệu lực (340 dự án FDI; 726 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký 4.692,7 triệu USD và 149.555 tỷ đồng.
Bước vào giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hà Nam xác định: Tập trung tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng sức cạnh tranh để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương. Hiện tại, tỉnh có 8 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án với tổng diện tích là 2.534 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp là 1.781,3 ha. Có 07/8 KCN đã được đầu tư cơ bản đồng bộ cơ sở hạ tầng đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư. Một số KCN đang tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng và sẵn mặt bằng cho nhà đầu tư thuê như: KCN hỗ trợ Đồng Văn III giai đoạn I (diện tích là 131,5 ha); KCN Đồng Văn IV (diện tích 300 ha); KCN Hòa Mạc (diện tích 131 ha).
Tỉnh Hà Nam có chủ trương trình Chính phủ về việc quy hoạch và phát triển các KCN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thành lập mới 14 KCN với diện tích 3.465 ha. Trong năm 2021, tỉnh đã tập trung hoàn thiện hồ sơ thủ tục, đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng và tập trung thu hút đầu tư vào các KCN Thái Hà giai đoạn I, KCN Đồng Văn I mở rộng, KCN Đồng Văn IV, KCN Thanh Liêm giai đoạn II để sẵn sàng quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư. Đồng thời khẩn trương triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó chú trọng quy hoạch khu y tế chất lượng cao, khu đô thị Đại học Nam Cao và các vùng.
Những kết quả đạt được trong lĩnh vực thu hút đầu tư vừa qua có được chính là thành quả tích lũy từ những nỗ lực trong đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nam; một lần nữa khẳng định “Hà Nam là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư”.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm