Tăng trưởng Kinh tế TP.HCM đối diện với nhiều thách thức
Mặc dù có nhiều điểm sáng trong 2 tháng đầu năm, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế của TP.HCM sẽ đối diện với nhiều thách thức trong những tháng tiếp theo của năm 2022.
>>>TP.HCM: Cần phải quan tâm và đồng hành cùng doanh nghiệp
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM trong 2 tháng đầu năm 2022, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM Nguyễn Khắc Hoàng cho biết, trong điều kiện nến kinh tế thế giới vẫn đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá xăng dầu, chi phí logistic tăng cao, giao thương chưa trở lại trạng thái bình thường, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp xuất qua cảng Thành phố bao gồm cả dầu thô đều tăng ở mức 8%. Đây là một dấu hiệu tích cực chứng tỏ rằng các hoạt động sản xuất kinh doanh cơ bản đã được phục hồi.
Bên cạnh đó, Thành phố vẫn đang thực hiện tốt chương trình phòng chống dịch, với độ phủ vắc xin cao đã giúp việc kiểm soát dịch bệnh tốt. Chủ trương sống chung an toàn với dịch bệnh là yếu tố quan trọng tạo niền tin cho người dân đối với chính quyền, đây cũng là động lực để người lao động ở các địa phương quay trở lại Thành phố.
“Thị trường logistic tại TP.HCM nói riêng và tại Việt Nam nói chung cũng được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá còn nhiều tiềm năng và phát triển mạnh trong năm 2022 khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại được kỳ vọng sẽ phục hồi tốt và tăng trưởng trong thời gian tới”, ông Nguyễn Khắc Hoàng nhận định.
Bên cạnh những điểm sáng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM cũng chỉ ra những thách thức đối với kinh tế của Thành phố, cụ thể:
Thứ nhất, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp với biến chủng mới Omicrom chiếm ưu thế sẽ có tác động lớn đến sự phục hồi kinh tế của Thành phố.
Thứ hai, dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, cũng như thói quen trong chi tiêu dùng. Mặc dù các hoạt động kinh tế đã mở cửa hoạt động lại bình thường, nhưng sức mua vễn chưa đạt so với thời điểm trước dịch.
Thứ ba, trong 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng cao hơn số doanh nghiệp hoạt động trở lại. Điều này cho thấy vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19. Ngoài ra, tình hình sản xuất kinh doanh chưa thể phục hồi, chi phí nguyên vật liệu đầu vao liên tục tăng đã ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.
Thứ tư, sức ép lạm phát trong năm 2022. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2021 của Thành phố tăng ở mức 2,36%. Tuy nhiên, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng bình quân đã tăng 1,26%, cao hơn 0,74% so với cùng kỳ năm 2021 (2 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 0,52%). Đây là tín hiệu cảnh báo khó khăn cho mục tiêu kiểm soát CPI cả năm dưới 4%.
Theo Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, giá xăng dầu tăng cao không chỉ làm cho chỉ số CPI tăng lên mà còn ảnh hưởng sâu, rộng đến hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp ngành vận tải và logictics, những ngành mà chi phí xăng dầu chiếm 35-40% trong cơ cấu giá thành.
>>>TP.HCM đặt doanh nghiệp là trọng tâm của sự tăng trưởng kinh tế
“Theo tính toán của Cục Thống kê, khi chỉ số giá bình quân của mặt hàng xăng dầu tăng lên 1% sẽ làm cho chỉ số giá tiêu dùng tăng thêm khoảng 0,034%. Cụ thể trong tháng 1/2022, chỉ số giá xăng tăng 2,66% so với tháng 12/2021 đã làm tăng chỉ số giá tiêu dùng 0,09%; trong tháng 2/2022, chỉ số giá xăng tăng 5,77% so với tháng trước đã làm tăng chỉ số giá tiêu dùng 0,20%”, ông Nguyễn Khắc Hoàng cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS. TS Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM cho rằng, xung đột Nga – Ukraine thời gian qua đã tác động mạnh lên các chi phí và đặc biệt là giá xăng dầu. Ông cho biết, năm 2019, giá dầu thô bình quân là 50 USD/thùng; năm 2020, giá dầu thô bình quân là 40 USD/thùng; năm 2021 tăng lên 70 USD/thùng và những ngày đầu năm 2022, giá dầu đã lên đến 120 USD/thùng, điều này sẽ tác động domino đến các loại hàng hóa khác.
Thách thức thứ hai đối với nền kinh tế của Thành phố là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào TP.HCM đang có dấu hiệu giảm và dấu hiệu này đã kéo dài trong 4 năm qua. Năm 2019, Thành phố thu hút 8,4 tỷ USD vốn FDI, năm 2020 chỉ còn 5,2 tỷ USD, năm 2021 là 3,7 tỷ USD và 2 tháng đầu năm 2022 chỉ thu hút được 232 triệu USD.
Đối với ngành du lịch, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, mặc dù đang trong thời điểm dịch bệnh, nhưng ngành du lịch Thành phố cũng đã tổ chức được các tour du lịch về nguồn tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch, để lại ấn tượng tốt. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, ngành du lịch Thành phố cần lỗ lực hơn để học tập kinh nghiệm của các địa phương. Trong 2 tháng qua, ngành dịch vụ ăn uống của các tỉnh này tăng cao như Bắc Ninh tăng 39%, Khánh Hòa tăng 22,1%, Hà Nội tăng 12,7%, trong khi đó, TP.HCM âm 28,1%.
Bên cạnh đó, một thách thức nữa đối với TP.HCM là việc giải ngân vốn đầu tư công. Ông Ngân cho rằng, khi thảo luận về việc tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho Thành phố tại Quốc hội, thì vấn đề được các Đại biểu đặt ra là giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố không đạt được như mong đợi.
“Năm 2021 do dịch bệnh nên tỷ lệ giải ngân vốn thấp so với vốn bố trí lên tới hơn 30.000 tỷ đồng. Trong năm 2022, Thành phố bố trí vốn tầm 45.000 tỷ đồng, vậy khả năng giải ngân bài toán này như thế nào cũng cần phải được Thành phố quan tâm” PGS.TS Trần Hoàng Ngân nêu.
Về dự báo tăng trưởng, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho biết, Trung tâm mô phỏng dự báo hiện nay tạm thời đưa ra dự báo quý I năm nay, kinh tế TP.HCM vẫn âm từ 1-2%. 6 tháng đầu năm phấn đấu về 0% và 2 quý cuối năm sẽ tăng trưởng 2 con số, tương đương tăng trưởng trên 10%. TÍnh bình quân cả năm, kinh tế Thành phố sẽ tăng trưởng từ 6,3-6,5% theo kịch bản ở thời điểm hiện tại.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM: Cần phải quan tâm và đồng hành cùng doanh nghiệp
20:10, 04/03/2022
TP.HCM đặt doanh nghiệp là trọng tâm của sự tăng trưởng kinh tế
15:30, 04/03/2022
Lời giải “cơn khát” nhà ở ven TP.HCM
13:39, 03/03/2022
Nóng: 7 Hiệp hội đồng kiến nghị lùi thời gian thu phí cảng biển TP.HCM
11:30, 03/03/2022
Thu phí cảng biển tại TP.HCM: Cần thêm thời gian để doanh nghiệp phục hồi
04:10, 03/03/2022
“Trùm BOT” thâu tóm doanh nghiệp sở hữu nhiều “đất vàng” tại TP.HCM là ai?
05:15, 02/03/2022
Phục hồi du lịch TP.HCM gắn phát triển tour du lịch liên kết vùng
04:00, 27/02/2022