Hà Nam: Linh hoạt, sáng tạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

VŨ PHƯỜNG 07/03/2022 14:17

Những năm qua, Hà Nam đã bứt tốc trở thành một trong những tỉnh thu hút đầu tư top đầu cả nước với 8 KCN, tỷ lệ lấp đầy gần 80%.

>> Hà Nam: Điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư

Phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Kiên – Trưởng BQL các Khu công nghiệp tỉnh Hà Nam.

Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Hà Nam Trần Văn Kiên trao đổi với PV (Ảnh: Kim Dung)

Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Hà Nam Trần Văn Kiên trao đổi với PV (Ảnh: Kim Dung)

- Xin ông cho biết tình hình đăng ký đầu tư đối với các dự án trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2021?

Trước tình hình thế giới, khu vực hiện nay được dự báo diễn biến phức tạp, khó lường trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng và gây ra những hậu quả nặng nề. Các trật tự và cấu trúc kinh tế, xã hội thế giới, khu vực đang thay đổi với sự hình thành nhận thức mới, xu hướng mới và động lực tăng trưởng mới. Đồng thời quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về vấn đề thiết lập trạng thái bình thường mới “Vừa đẩy mạnh chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, tỉnh Hà Nam đã chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm nhằm tiếp tục đẩy mạnh thu hút và chọn lọc các nhà đầu tư có đủ tiềm lực, công nghệ hiện đại, sản phẩm thân thiện với môi trường để đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2021, tỉnh Hà Nam đã thu hút được 50 dự án mới, bao gồm 20 dự án FDI và 30 dự án đầu tư trong nước, điều chỉnh tăng vốn 42 lượt dự án (20 FDI và 22 trong nước), với tổng vốn đầu tư đăng ký là 13.756 tỷ đồng và 590,9 triệu USD, xếp trong top 15 tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Lũy kế đến 31/12/2021, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 1.067 dự án đầu tư còn hiệu lực với vốn đăng ký 4,87 tỷ USD và 150.635 tỷ đồng.

- Tình hình COVID-19 trong năm qua diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng to lớn tới nhiều doanh nghiệp trong nước. Ông hãy cho biết các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh của BQL trên địa bàn tỉnh Hà Nam trong thời gian qua?

Trong năm qua, BQL các KCN đã có nhiều văn bản hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 tới các doanh nghiệp trong KCN. Đồng thời, phối hợp với Sở Y tế triển khai hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện việc cách ly y tế tập trung và vấn đề nhập cảnh của các chuyên gia, nhà quản lý, lao động kỹ thuật người nước ngoài vào làm việc tại địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, do xác định trước những nguy cơ, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ngay từ đầu năm 2021, BQL các KCN đã đôn đốc các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng triển khai GPMB, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để luôn sẵn sàng đất sạch giao cho nhà đầu tư. Thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng hạ tầng các KCN và các dịch vụ cung cấp cho các doanh nghiệp trong KCN. Đồng thời tăng cường tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào tỉnh Hà Nam qua email hoặc gọi điện hỗ trợ trực tiếp; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện TTHC qua dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và cổng thông tin dịch vụ công quốc gia.

BQL các KCN đã chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19, qua đó tổng hợp khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp báo cáo UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp. Chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng chính sách và Cục Thuế tỉnh để tuyên truyền, hướng dẫn gói hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ.

BQL các KCN đã phối hợp với cơ quan y tế tổ chức tiêm vaccine COVID-19 cho người lao động trong các KCN, đến nay đã cơ bản tiêm đủ 2 mũi cho toàn bộ lao động trong các KCN, đã triển khai tiêm mũi 3 cho trên 60% số lao động và dự kiến trong tháng 2/2022 sẽ tiêm phủ mũi 3 cho toàn bộ lao động trong các KCN.

Ban cũng thường xuyên thực hiện hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp trong KCN thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, môi trường, lao động,…; Chủ động rà soát tình hình đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức đối thoại, làm việc với các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư để tổng hợp, đề xuất các giải pháp tháo gỡ cho nhà đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cải cách hành chính, rút ngắn tối đa các TTHC là nhiệm vụ hàng đầu của Hà Nam nhằm thu hút các nhà đầu tư FDI (Ảnh: TTHN)

Cải cách hành chính, rút ngắn tối đa các TTHC là nhiệm vụ hàng đầu của Hà Nam nhằm thu hút các nhà đầu tư FDI (Ảnh: TTHN)

- BQL các KCN đã có những giải pháp gì nhằm cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp Sở - DDCI, đẩy mạnh cải cách TTHC tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động, thưa ông?

Trong năm qua, Ban đã tiến hành rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá về thời gian, giấy tờ hành chính, nâng cao chất lượng các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị, ít nhất là giảm 05 ngày so với quy định.

“Mục tiêu lớn nhất khi triển khai bộ chỉ số DDCI là tạo những chuyển biến tích cực, rõ nét trong thái độ, tư duy và hành động của các sở, ban, ngành nhằm nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh; đồng thời tạo thêm kênh hữu ích cho cộng đồng doanh nghiệp phản ánh tiếng nói của mình tới chính quyền” - ông Trần Văn Kiên, Trưởng BQL các KCN tỉnh Hà Nam.

BQL các KCN đã nghiêm túc thực hiện quy định về đất đai, xây dựng, môi trường, đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư và các TTHC liên quan, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư trong KCN. Thường xuyên tiến hành rà soát để điều chỉnh, bổ sung hoặc kiến nghị loại bỏ những thủ tục, giấy tờ không còn phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư; thực hiện đối xử bình đẳng đối với tất cả các nhà đầu tư, không phân biệt thành phần kinh tế hay quốc tịch của nhà đầu tư.

Ngoài ra, Ban thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng KCN đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và hoàn thiện các hạng mục cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của các nhà đầu tư. Các dịch vụ trong KCN cơ bản đồng bộ, bao gồm: hệ thống giao thông, hệ thống cung cấp điện, hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải, hệ thống dịch vụ viễn thông, liên lạc,… Các dịch vụ trên được cung cấp đến chân hàng rào và từng bước đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

BQL các KCN đã thực hiện nghiêm quy định về thời gian giải quyết TTHC đã được công bố; kịp thời hướng dẫn, giải quyết TTHC cho doanh nghiệp theo nguyên tắc khi cần sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản về toàn bộ nội dung cần sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ để doanh nghiệp chỉnh sửa, bổ sung. Các TTHC đều được giải quyết đúng và trước thời hạn quy định, trong đó có trên 80% thủ tục được giải quyết trước hạn.

Duy trì thường xuyên việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Trung tâm hành chính công tỉnh Hà Nam. Vận hành có hiệu quả hệ thống phần mềm một cửa điện tử đảm bảo các TTHC được hiện công khai, minh bạch; thực hiện tốt “một cửa liên thông” cho doanh nghiệp các thủ tục về đăng ký doanh nghiệp, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,… Quán triệt cho cán bộ công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính với tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp.

Thực hiện cơ chế liên thông trong giải quyết TTHC với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc ký hợp đồng thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp trong KCN đầu tư bằng vốn ngân sách và xác nhận quyền sở hữu công trình trên đất.

Ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong cải cách hành chính góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả lao động, giảm chi phí hoạt động và quản lý, lưu trữ và tổ chức thông tin khoa học, tạo môi trường làm việc mới chuyên nghiệp. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc.

>> TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bổ sung Khu Công nghệ cao Hà Nam vào Quy hoạch

>> Hà Nam: Huy động mọi nguồn lực để đảm bảo an toàn cho sản xuất và sử dụng điện

- Xin ông cho biết các giải pháp, định hướng thu hút đầu tư vào các KCN của Hà Nam trong thời gian tới?

Sớm nắm bắt được xu hướng dịch chuyển của dòng vốn FDI trong thời gian tới, BQL các KCN tỉnh Hà Nam đã phối hợp cùng Sở Xây dựng và các Sở, ngành liên quan lập Đề án phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tăng quỹ đất công nghiệp từ 2.534ha lên 5.999 ha để luôn sẵn sàng đất sạch giao cho nhà đầu tư.

Cơ hội thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút FDI của tỉnh Hà Nam là rất lớn. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cũng không nhỏ, bởi Hà Nam không cẩn thận sẽ thu hút phải dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm… nhất là khi Trung Quốc siết chặt các dự án gây ô nhiễm môi trường, tiêu thụ nhiều năng lượng và do chi phí nhân công ở nước này cũng tăng cao. Đặc biệt là những rủi ro về “rửa xuất xứ” hàng hóa, gian lận thương mại, bao gồm cả trong các dự án đầu tư nước ngoài. Vì vậy, việc chọn lựa thu hút các dự án đầu tư đã được BQL các KCN coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Thay vì chạy đua thu hút đầu tư bằng mọi giá mà hạ chuẩn thu hút đầu tư, Hà Nam sẽ tăng chuẩn để thu hút được các dự án đầu tư có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của quốc gia, địa phương. (Ảnh: Vũ Phường)

Thay vì chạy đua thu hút đầu tư bằng mọi giá mà hạ chuẩn thu hút đầu tư, Hà Nam sẽ tăng chuẩn để thu hút được các dự án đầu tư có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của quốc gia, địa phương. (Ảnh: Vũ Phường)

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện những giải pháp cụ thể sau:

Một là, thực hiện nghiêm Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính Phủ về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Hai là, bám sát Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy Hà Nam “về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, BQL các KCN đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, sẽ phát triển các KCN của tỉnh theo hướng hiện đại, đảm bảo tính phát triển lâu dài và bền vững, có cơ cấu ngành hiện đại theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, tiết kiệm năng lượng,… Thay vì chạy đua thu hút đầu tư bằng mọi giá mà hạ chuẩn thu hút đầu tư, Hà Nam sẽ tăng chuẩn để thu hút được các dự án đầu tư có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của quốc gia, địa phương.

Ba là, tập trung xúc tiến, thu hút tại các thị trường truyền thống Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Mở rộng ra các thị trường Châu Âu và Châu Mỹ, đặc biệt tập trung vào các dự án có vốn đầu tư lớn, hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất những sản phẩm đang có lợi thế để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, tập trung kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô lớn trong nước về đầu tư tại tỉnh.

Bốn là, tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc tập trung hỗ trợ tốt đối với các doanh nghiệp đang đầu tư tại KCN trên địa bàn tỉnh vì đây là kênh quảng bá thiết thực, hiệu quả nhất về môi trường đầu tư tại tỉnh Hà Nam.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh - cạnh tranh, đẩy mạnh xây dựng, củng cố hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông, hạ tầng xã hội. Ban sẽ nâng cao khả năng phối hợp, là đầu mối liên kết giữa doanh nghiệp trong KCN và các cơ sở đào tạo, dạy nghề để nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có kỹ năng, chất lượng cao đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của các doanh nghiệp.

Sáu là, thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình đầu tư xây dựng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ đúng theo các quy định của pháp luật. Kịp thời tổng hợp, nắm bắt các khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp để có các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chúng tôi tin rằng, với quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam sẽ sớm trở thành các khu công nghiệp hiện đại, đảm bảo tính phát triển lâu dài và bền vững, có cơ cấu ngành hiện đại theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, chế biến, chế tạo, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Nam: Điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư

    Hà Nam: Điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư

    19:18, 13/02/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xuất cấp gần 190 tấn hạt giống hỗ trợ Hà Nam và Quảng Trị

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xuất cấp gần 190 tấn hạt giống hỗ trợ Hà Nam và Quảng Trị

    22:07, 25/01/2022

  • Hà Nam: Cải cách hành chính đóng vai trò “then chốt” cho phát triển

    Hà Nam: Cải cách hành chính đóng vai trò “then chốt” cho phát triển

    13:19, 21/01/2022

  • Hà Nam: Triệt phá đường dây đánh bạc trên mạng quy mô 500 tỷ đồng

    Hà Nam: Triệt phá đường dây đánh bạc trên mạng quy mô 500 tỷ đồng

    23:34, 11/01/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bổ sung Khu Công nghệ cao Hà Nam vào Quy hoạch

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bổ sung Khu Công nghệ cao Hà Nam vào Quy hoạch

    20:10, 14/12/2021

  • Lập tổ liên ngành xử lý khiếu kiện kéo dài tại Hà Nam

    Lập tổ liên ngành xử lý khiếu kiện kéo dài tại Hà Nam

    04:00, 01/07/2021

VŨ PHƯỜNG